Ảnh mang tính chất minh họa
Có thể thấy ngày càng có nhiều trẻ bị bại não hay thiểu năng não ở nước ta. Đây có thể là hậu quả của đột quỵ. Do suy nghĩ trẻ không bị đột quỵ nên khiến việc chẩn đoán và điều trị bị chậm trễ. Bác sỹ Hoàng Hoa Hải, Phó Giám đốc y vụ, Bệnh viện Quốc tế City, TP. HCM, sẽ cho bạn biết thêm thông tin về căn bệnh này.
ĐỘT QUỴ Ở TRẺ EM
Theo Liên minh Quốc tế về Đột quỵ nhi, trẻ sơ sinh bị đột quỵ có thể chỉ bộc lộ triệu chứng rõ ràng khi 4–8 tháng tuổi. Vì vậy, bố mẹ, ngay cả nhân viên y tế không nhận biết được, nên rất nhiều trẻ bị đột quỵ mà không được điều trị kịp thời. Một nghiên cứu năm 2014 tại Úc với các bố mẹ có con bị đột quỵ phát hiện chỉ có 36% phụ huynh nghĩ đến đột quỵ là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của con mình.
NHẬN BIẾT ĐỘT QUỴ Ở TRẺ
Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng là co giật lặp đi lặp lại trên mặt, tay và chân, ngưng thở một lúc, nhìn chằm chằm vào một điểm và rất mệt mỏi. Trẻ lớn hơn, dấu hiệu đột quỵ sẽ giống người lớn: yếu hoặc tê một bên cơ thể, gặp vấn đề khi nói (bị líu lưỡi) hoặc hiểu ngôn ngữ (như lời nói, hướng dẫn đơn giản). Trẻ còn có thể bị nhức đầu dữ dội, nôn, mệt, chóng mặt nghiêm trọng, xuất hiện cơn co giật.
Điều nguy hiểm là có khoảng 40% trẻ không có triệu chứng báo hiệu đột quỵ. Phụ huynh có thể chỉ nhận biết đến tận một tháng sau đó khi con đã có dấu hiệu giảm hoặc yếu một bên mặt. Hiệp hội Đột quỵ Mỹ có bốn chữ cái F.A.S.T (nghĩa là nhanh) để nhận biết sớm đột quỵ ở cả trẻ em và người lớn:
• F (face – mặt): Cơ mặt rũ xuống, một bên mặt tê và bị rũ xuống. Bé có thể cười không?
• A (arm – cánh tay): Một cánh tay bị tê liệt và yếu. Yêu cầu bé nhấc hai cánh tay. Có cánh tay nào rũ xuống không?
• S (speech – nói): Bé khó nói hay khó hiểu bạn nói? Liệu bé có thể lặp lại câu: “Mắt con màu đen”?
•T (time – lúc gọi cấp cứu 115): Nếu bé có bất kỳ một trong các dấu hiệu trên, bạn hãy gọi cấp cứu ngay, cả khi các dấu hiệu đã biến mất.
CÁC NGUYÊN NHÂN: Có hai dạng: đột quỵ chu sinh và đột quỵ trẻ em.
• Đột quỵ chu sinh (đột quỵ bào thai), xảy ra từ 18 tuần cuối của thai kỳ và 30 ngày đầu sau khi sinh. Hầu hết nguyên nhân là do cục máu đông từ nhau thai đi ra và gây tắc nghẽn trong não của trẻ.
• Đột quỵ trẻ em xảy ra ở trẻ từ 1 tháng đến 18 tuổi do thiếu máu và do xuất huyết não, tỷ lệ ngang nhau.
• Đột quỵ ở trẻ còn do bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, tim bẩm sinh, nhiễm trùng ở đầu và cổ, quá trình đông máu bất thường, chấn thương đầu và rối loạn tự miễn dịch. Bà mẹ hiếm muộn, bong nhau thai sớm, tiền sản giật và viêm màng thai do nhiễm khuẩn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở trẻ.
ĐIỀU TRỊ Ở TRẺ
Loại thuốc thường được sử dụng nhất là thuốc làm tan cục máu đông, phục hồi lưu lượng máu đến não, phải được dùng trong 3 – 4,5 giờ khi triệu chứng khởi phát. Điều trị đột quỵ ở trẻ em có thể thay đổi tùy theo nguyên nhân gây đột quỵ, ví dụ với trẻ đột quỵ do khiếm khuyết tim, có thể được điều trị bằng thuốc làm loãng máu như warfarin hay aspirin. Trẻ gặp vấn đề thần kinh như liệt nửa người, bại não cần điều trị phục hồi chức năng như vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, trị liệu ngôn ngữ.
Theo Tiếp Thị Gia Đình