Một nghiên cứu mới đây của IPSOS Việt Nam tiến hành khảo sát trên 1.000 ba mẹ có con nhỏ trong độ tuổi từ 0 đến 5 tuổi, cho thấy có tới 93% bà mẹ nhận thấy con mình có triệu chứng rối loạn tiêu hóa thông thường vào những năm đầu đời. Do đó, bạn cần biết cách phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
ĐẦY HƠI, NÔN TRỚ
Nếu bé xì hơi tiếng lớn, bụng cứng, kèm quấy khóc, khó chịu, bứt rứt, chán ăn… là những dấu hiệu đầy hơi. Với hiện tượng nôn trớ, cả bé bú sữa mẹ và sữa công thức đều gặp phải. 90% bé sẽ hết nôn trớ khi qua một tuổi, lúc hệ tiêu hóa đã trưởng thành hơn.
Cách phòng ngừa
• Khi bé bú mẹ hay bú bình, bạn nên nâng đầu của con cao hơn so với dạ dày của bé.
• Hãy giúp bé thường xuyên ợ hơi mỗi năm phút bằng cách để bé ngồi thẳng rồi vuốt lưng, bế vác vai rồi vỗ lưng. Massage bụng sau nửa giờ cho bé bú để giải phóng khí mắc kẹt trong bụng trẻ.
• Đừng cho bé bú quá no, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ và cho ăn thường xuyên vì dạ dày của bé lúc ba ngày tuổi mới bằng hạt dẻ, chỉ chứa được lượng sữa rất hạn chế.
TÁO BÓN
Ba ngày trôi qua, bé không đi tiêu, lại đau bụng, quấy khóc, bứt rứt, khó chịu. Lúc đi tiêu được, phân sẽ cứng và rất khô. Đây là các dấu hiệu thường gặp nhất khi bé bị táo bón. Hầu hết các bé bú sữa mẹ không bị táo bón vì sữa mẹ có sự cân bằng hoàn hảo của chất béo và đạm. Táo bón thường xảy ra ở các bé bú sữa công thức, nhưng sữa đó không có chất béo vừa đủ hoặc chứa đạm khó tiêu hóa.
Cách phòng ngừa
• Khi bé bắt đầu ăn giặm, để phòng ngừa tiêu hoá cho trẻ bạn cho bé ăn một chế độ giàu chất xơ với các thực phẩm như lê, bột yến mạch, lúa mạch.
• Giúp bé hoạt động nhiều hơn vì ít hoạt động cũng khiến bé bị táo bón. Do đó, nếu bé chưa biết bò, bạn có thể cầm chân bé di chuyển như đang đạp xe đạp để hệ tiêu hóa hoạt động. Cho bé chơi đồ chơi có thể lăn hoặc di chuyển để khuyến khích bé bò hoặc cho bé bò quanh nhà, bò theo bạn.
• Chọn sữa được bổ sung hàm lượng đúng DHA (17mg/100kcal) va ARA (34mg/100kcal) để bé đủ chất béo giúp phát triển thể chất, trí não nhưng vẫn nhẹ nhàng với hệ tiêu hóa non nớt.
TIÊU CHẢY
Bé có thể bị tiêu chảy do nhiều nguyên nhân như nhiễm vi-rút, vi khuẩn, dị ứng thức ăn, không tiêu hóa được đạm và lactose trong sữa đã uống. Bé thường tiêu chảy từ 30 phút đến 2 giờ sau khi uống sữa.
Cách phòng ngừa
• Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi cho bé ăn, sau khi thay tã để ngăn sự nhiễm trùng lây lan. Ngoài ra, khi chế biến thức ăn cho bé phải đảm bảo hợp vệ sinh.
• Nếu không thể cho con bú sữa mẹ hoặc lo con không dung nạp đường lactose, bạn cho con uống sữa chứa đạm thủy phân một phần và ít lactose để giúp bé dễ tiêu hóa, hấp thu.
Kết luận
ThS — BS. Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, khuyên: Để phòng ngừa rối loạn tiêu hoá cho trẻ, đối với bé dưới hai tuổi, nên cho bé dùng sữa mẹ. Trong trường hợp lựa chọn một nguồn dinh dưỡng bổ sung hoặc thay thế, mẹ nên chọn công thức dễ tiêu hóa với các đặc điểm như:
• Có tỷ lệ whey:casein hợp lý, gần giống với sữa mẹ • Sử dụng công nghệ đạm thủy phân một phần • Có hàm lượng đường lactose thấp vừa phải.
Bài: XOA NGUYỄN
Mục Mẹ và con – Dinh dưỡng / Tiếp Thị Gia Đình