Phòng bệnh viêm phổi khi những ngày đông lạnh sắp gõ cửa

Thời tiết giao mùa luôn là lúc thiên thời địa lợi để bệnh viêm phổi xuất hiện. Phòng bệnh viêm phổi hơn chữa bệnh, đọc ngay bài viết này để biết cách nói không với viêm phổi, bạn nhé!

Bệnh viêm phổi xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất là lúc giao mùa thu – đông và đông – xuân. Vào lúc này, thời tiết trở lạnh, các tác nhân gây bệnh dễ đột nhập vào phổi gây bệnh, nhất là ở những người có sức đề kháng kém. Viêm phổi ở người lớn thường là dạng viêm phổi thuỳ, còn ở trẻ em hay ở những người già yếu thường là phế quản phế viêm hay còn gọi là viêm phế quản – phổi. Bệnh có thể chữa trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho, long đờm, thuốc bổ, uống nhiều nước… Tuy nhiên, phát hiện và điều trị viêm phổi vẫn không quan trọng bằng việc chủ động phòng bệnh viêm phổi.

Viêm phổi thùy

Bệnh này thường gặp ở người già, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông – xuân, có khi gây thành dịch, hoặc xảy ra sau các trường hợp nhiễm virus ở đường hô hấp trên như cúm, sởi…

Triệu chứng bệnh thường là sốt cao, rét run, sốt dao động trong ngày, đau tức ở ngực, khó thở nhẹ, mạch nhanh, ho khan, chán ăn, khát nước… Từ ngày thứ 3 trở đi, nhiễm trùng nặng hơn gây sốt cao liên tục, đau ngực tăng lên, khó thở nặng hơn, kèm theo ho nhiều, đờm đặc có màu gỉ sắt hoặc có máu, nước tiểu ít và sẫm màu. Nguyên nhân bệnh do vi khuẩn (thường là phế cầu), virus, nấm, ký sinh trùng, hoá chất… gây nên.

Phế quản phế viêm

phpng benh viem phoi hinh anh 1

Bệnh thường gặp ở trẻ em và người già yếu, thứ phát sau sởi, cúm, viêm họng, viêm xoang… Các yếu tố khiến bệnh phát triển là nhiễm lạnh, ho lâu ngày, cơ thể suy mòn (ví dụ: ung thư), trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng. Bệnh khởi phát từ từ, sốt không cao (37,5 – 38°C), kèm theo ho khạc đờm đặc, có mủ, khó thở, tím môi (nhất là ở trẻ nhỏ), không có dấu hiệu đau ngực hoặc đau ít.

Phòng bệnh viêm phổi

phong benh viem phoi hinh anh 2

Thường xuyên vệ sinh nơi ở, giữ môi trường sạch sẽ, tránh khói bụi. Mùa đông nên đóng kín cửa để tránh gió lạnh.

Giữ cơ thể ấm về mùa đông, đặc biệt là vùng cổ, ngực và bàn chân. Tránh để người già bị nhiễm lạnh đột ngột. Không nên ra ngoài trời lúc sáng sớm và đêm khuya nếu không cần thiết, vì lúc đó nhiệt độ thường xuống thấp. Giường ngủ nên có đầy đủ đệm và chăn. Không tắm nước lạnh vào mùa đông, nơi tắm phải được che kín,tránh gió lùa. Mùa hè, không nên để máy điều hoà ở mức quá lạnh. Không để quạt điện hướng trực tiếp vào người lúc nửa đêm về sáng.

Tránh xa những chất kích thích có hại như rượu, bia, thuốc lá…

Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ năng lượng để có sức phòng bệnh viêm phổi.

Vệ sinh răng miệng kỹ càng.

Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở tai mũi họng để tránh biến chứng và phòng bệnh viêm phổi.

Tập thể dục thể thao đều đặn, vừa sức, thở sâu theo phương pháp dưỡng sinh.

Phòng bệnh phế quản phế viêm ở trẻ em

Cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau khi sinh và bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 2 năm để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ.

Cho trẻ ăn thức ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: ngũ cốc, đạm động vật hoặc đậu đỗ, dầu mỡ, rau quả.

Mùa hè thời tiết nóng bức khó chịu, nhưng cũng cần tránh cho trẻ ăn uống đồ lạnh. Việc ăn quá nhiều kem và thực phẩm lạnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp ở trẻ, không loại trừ bệnh phế quản phế viêm.

Không nên để điều hòa nhiệt độ trong phòng xuống dưới mức 25°C.

Cho trẻ nằm hoặc chơi ở nơi thoáng mát. Tránh để trẻ ra quá nhiều mồ hôi vì nếu không kịp lau khô, trẻ dễ bị cảm lạnh.

Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá và bụi bẩn trong nhà.

Theo dõi lịch tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, nhất là phải hoàn thành tiêm chủng trong năm đầu.

Nếu trong nhà có người bị nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, lao phổi thì cần cách ly ngay để không lây sang trẻ.

Nếu trẻ có biểu hiện cảm lạnh, viêm mũi họng thì cần phát hiện và xử lý sớm để ngăn chặn bệnh chuyển sang viêm phổi.

Bài: Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Phòng khám đa khoa Thừa Thiên Huế
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua