Bệnh mùa mưa, phòng chống thế nào cho đúng?

Mưa bão kèm theo ngập úng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật xuất hiện và gây bệnh. Dưới đây là những “gương mặt thân quen”mà bạn cần lưu ý để phòng bệnh mùa mưa

Mưa bão kèm theo ngập úng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật xuất hiện và gây bệnh. Dưới đây là những “gương mặt thân quen”mà bạn cần lưu ý để phòng bệnh mùa mưa.

Phòng bệnh mùa mưa: Sốt xuất huyết

Môi trường ẩm ướt, nước mưa tù đọng; là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch.

Để phòng bệnh mùa mưa sốt xuất huyết, bạn cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi bằng cách “giở nắp lu ra đi, ngó xem ở trong con gì”; loại bỏ nước tù đọng trong các dụng cụ chứa nước (xô, chậu, gáo dừa…), diệt lăng quăng, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ…

Phòng bệnh mùa mưa: Bệnh hô hấp

Viêm họng, cảm cúm là những bệnh thường gặp trong mùa mưa bão; nhất là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi…

Khi gặp các biểu hiện như đau rát họng, đau khi nuốt, khàn tiếng, ho; kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi… bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng có thể xảy ra. Hạn chế và thận trọng việc tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là thuốc kháng sinh.

Phòng bệnh mùa mưa: Bệnh về da

Mùa mưa thường kéo theo bão, lũ lụt, ngập nước… Khi đó, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh về da phát triển, điển hình là nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân do nấm ký sinh (vì lỡ ngâm chân trong một chiều đường ngập, kẹt xe chẳng hạn?).

Ở các vùng da có sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn, xuất hiện các vết viêm, đỏ tấy, mụn nước… khiến người bệnh ngứa ngáy, dẫn đến gãi nhiều, làm tổn thương da, gây lở loét, đau rát. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ dễ nhiễm trùng.

Phòng bệnh mùa mưa: Bệnh tiêu hóa

Mùa mưa thường cũng là lúc môi trường nước dễ nhiễm bẩn, thực phẩm cũng dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn như tả, lỵ, thương hàn, E.coli…

Khi nấu nướng và bảo quản thức ăn không đúng cách, ăn uống ở hàng quán ẩm ướt, kém vệ sinh… bạn có thể mắc nhiều vấn đề rối loạn tiêu hóa, phổ biến nhất là tiêu chảy. Tùy mức độ, bệnh có thể chuyển sang mức tiêu chảy cấp, gây nguy hiểm đến tính mạng do tình trạng mất nước.

Phòng bệnh mùa mưa: Bệnh xương khớp

Người có tiền sử mắc bệnh xương, khớp rất sợ mùa mưa. Những ngày thời tiết khô, ẩm, nóng, lạnh thất thường khiến các cơn đau gia tăng.

Tiếp xúc thường xuyên với nước mưa cũn không tốt cho sức khỏe xương, khớp, gây khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Vì thế, người bệnh cần hạn chế dầm mưa, lội nước, tập thể dục đều đặn để tăng cường độ dẻo dai cho xương, khớp.

PHÒNG BỆNH MÙA MƯA ĐỂ MẠNH MẼ

NÊN

Ăn chín uống sôi.

Đi chợ sớm, ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống.

Ưu tiên ăn các món nóng và loãng như cháo, súp, canh, lẩu…

Tăng cường ăn thêm trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, ổi, sơ-ri, kiwi…

Luôn thủ sẵn ô (dù), áo mưa, ủng lội nước… trong cốp xe.

Dọn dẹp nhà kho, phát quang vườn tược, phun thuốc diệt côn trùng.

Khi ngủ, giăng mùng kín, mặc quần áo dài tay, mang vớ. Giặt giũ và phơi sạch mùng, mền, chiếu, gối.

Luôn có thuốc cảm, đau họng, viên sủi C, nước muối sinh lý… trong nhà.

KHÔNG NÊN

Trữ thực phẩm quá lâu (hơn 7 ngày) trong ngăn mát tủ lạnh.

Ăn rau, củ , quả chưa được rửa sạch hoặc rửa qua loa .

Ăn các món tái như gỏi, nộm, rau sống, củ quả chưa rửa sạch…

Uống quá nhiều nước đá và các món lạnh như kem, đá bào…

Mặc quần áo còn ẩm ướt do phơi chưa kỹ.

Tắm nước lạnh, ngâm mình trong bồn quá lâu.

Thức khuya, học tập và làm việc quá sức, dẫn đến lao lực.

Dầm mưa, hong gió, bật máy lạnh với nhiệt độ quá thấp, khiến cơ thể bị nhiễm lạnh.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua