Một ngày ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nơi được coi là “ngân hàng máu” lớn nhất nhì cả nước, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động của những bệnh nhân đang “ký gửi” sự sống của mình vào những túi máu.
LẶN LỘI TÌM MÁU CỨU CON
Mắc căn bệnh Thalassemia, nhưng bé Nguyễn Quang Đức (ngụ tại Thanh Xuân, Hà Nội) không được may mắn hưởng nguồn máu có sẵn tại bệnh viện như nhiều bệnh nhân khác.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2015, trong khi nhà nhà rộn ràng sắm sửa Tết thì mẹ của bé, chị Phạm Bích Thu, phải ngược xuôi đến từng điểm hiến máu để xin máu cho con. Bé Đức thuộc nhóm máu B+ hệ phenotype, khi truyền máu phải chọn những đơn vị máu có các chỉ số phù hợp hoàn toàn với nhóm máu của Đức. Một số y, bác sỹ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã hiến máu cho Đức trước đó và chưa đủ ngày để hiến nhắc lại.
Nhìn thấy con héo hắt từng ngày, không lúc nào chị Thu cầm được nước mắt. Quyết tâm tìm máu cứu con, chị Thu chủ động đến những điểm tiếp nhận máu, tìm từng người có nhóm máu B+ để xin một ống máu làm xét nghiệm với niềm tin “may ra tìm được người có các chỉ số phù hợp để truyền cho con”. Có người đã nhìn chị với ánh mắt nghi ngờ, dò xét: “Liệu có phải là người đi xin máu cho con thật không hay là đi buôn máu?”. Vượt qua tất cả, hàng ngày chị vẫn kiên trì đi tìm máu cho con. Với nỗ lực của chị và các bác sỹ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, họ đã tìm được hai người có máu phù hợp.
“Niềm vui như vỡ òa, tôi gọi điện về cho chồng, chỉ nói được câu: “Anh ơi, có rồi, có rồi”. Cả nhà cùng khóc, cảm giác như chưa bao giờ mình được sung sướng như vậy”, chị Thu vẫn còn rơm rớm nước mắt khi nhắc lại giây phút hạnh phúc đó.
Chị nói, chỉ có ai trong hoàn cảnh như chị mới hiểu hết được ân tình, tấm lòng của những người hiến máu. Giờ đây, gia đình chị đã có danh sách 7 người có cùng nhóm máu với Đức, mọi người luôn sẵn sàng cho máu.
“Những ngày lặn lội khổ lắm, tìm được nguồn máu hiến phù hợp quý hơn bắt được vàng. Vàng, kim cương có tiền là mua được. Thế nhưng những giọt máu hiến là tình người, có tiền cũng không mua nổi. Tôi biết ơn các anh, chị ấy vô cùng”, chị Thu bộc bạch.
TRẢ LẠI NỤ CƯỜI CHO EM
Nhìn em Nguyễn Phạm Bảo Ngọc, 6 tuổi, đang nằm tại khoa Bệnh máu trẻ em, không ai nghĩ bé đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Ánh mắt trong veo, Ngọc luôn nở nụ cười, thậm chí còn tạo dáng khi được chụp ảnh.
Đầu năm 2015, thấy con sốt liên miên, chị Phạm Thị Thu Hà, mẹ bé Ngọc, cho con đi khám thì nhận được tin dữ, con bị Lơ-xê-mi cấp (ung thư máu cấp tính). Cả gia đình suy sụp, chạy đôn đáo vay tiền chữa bệnh cho con. Vợ chồng chị đều làm giáo viên cấp hai đã phải nghỉ việc, bỏ nhà cửa, vườn tược để ra Hà Nội chăm con. Nghiệt ngã thay, sau hai tuần chăm con nằm viện, chị Hà phát hiện mình cũng bị căn bệnh ung thư hạch. Thấy gia đình neo người, bệnh viện tạo điều kiện để hai mẹ con về điều trị cùng một nơi.
Để điều trị bệnh cho bé Ngọc, các bác sỹ đã cho em truyền hai đợt hóa chất kết hợp truyền 10 đơn vị máu và hàng chục đơn vị chế phẩm khác từ máu. Nhờ đó, da dẻ Ngọc đã hồng hào hơn rất nhiều so với thời điểm mới nhập viện. Những lúc được rời bỏ tiêm truyền, Ngọc thường vui chơi rất thoải mái, cười nói rôm rả khiến cả phòng bệnh cũng vui lây.
“Bác sỹ cho biết, cháu đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Hành trình chữa bệnh còn dài, còn tốn kém rất nhiều, nhưng chúng tôi không ngừng hy vọng sẽ nhanh khỏe để về với cuộc sống vườn tược thanh bình”, chị Hà nói.
Sức khỏe hai mẹ con hiện đều tiến triển tốt. Mặc dù vừa truyền hóa chất, người vẫn còn mệt, nhưng chị luôn nở nụ cười bình thản khi kể với chúng tôi về những ngày vượt qua cửa tử. Cạnh chị, bé Bảo Ngọc, cứ líu lo nói mai này khỏe, con sẽ về đi học lớp một, học hát, học múa rồi làm bác sỹ để chữa bệnh cho cả nhà.
NGƯỜI XA LẠ CHO TÔI CƠ HỘI TÁI SINH
Chị Hà Thị Tụy (29 tuổi, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đang trong đợt điều trị bệnh Thalassemia. Mỗi tháng một lần, người phụ nữ dân tộc Tày này bắt xe khách xuống Hà Nội để truyền máu và thải sắt. Thân gái dặm trường đi trị bệnh, nhưng chưa lúc nào chị Tụy mất đi niềm hy vọng.
Chị Tụy phát hiện bệnh từ năm lên 10 tuổi, nhưng vì bệnh viện quê nhà không có đủ nguồn máu để truyền nên chị cứ trị bệnh cầm chừng, ngắt quãng. Mãi đến năm 2012, chị mới có cơ hội đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Mỗi lần xuống đây, chị được truyền 3–4 đơn vị máu và thải sắt. Đến nay đã được ba năm, da chị bớt sạm, người khỏe hơn, chị Tụy đã có thể làm những việc đơn giản để kiếm sống qua ngày.
“Mỗi lần tôi xuống Hà Nội, anh chị em tôi đều phải bán lợn bán gà, không có cái để bán thì vay mượn. Thế nhưng có lẽ thứ tôi “vay” được nhiều nhất là những giọt máu nhân đạo của cộng đồng. Căn bệnh này cần phải thải sắt và truyền máu suốt đời, cho nên suốt hai mươi năm qua, không thể nhớ nổi tôi đã được truyền bao nhiêu đơn vị máu. Có lẽ con số đã lên tới hàng nghìn và đó cũng là hàng nghìn lần người xa lạ cho tôi cơ hội được tái sinh”, chị Tụy xúc động bộc bạch.
Nhờ những giọt máu hiến tặng từ cộng đồng mà sự sống đã trở lại với hàng nghìn người bệnh như bé Đức, bé Ngọc, chị Tụy… Hai chữ “máu hiến” như phép màu đối với người mẹ lặn lội tìm máu cho con, biến làn môi nhợt nhạt trở lại tươi hồng và thắp lên niềm hy vọng về tương lai. Phép màu không ở đâu xa, đó là thứ bạn có thể tạo ra từ trái tim nhân ái.
VÀI THÔNG TIN VỀ HIẾN MÁU VÀ NHẬN MÁU
Những điều kiện cơ bản để tham gia hiến máu: Tuổi 18 – 60, cân nặng từ 45kg đối với nam, từ 42kg đối với nữ. Không mắc các bệnh tim mạch, gan, phổi, thận, ung thư và các bệnh lý về máu. Không lây nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C, HIV, giang mai, sốt rét. Đêm trước khi hiến máu không nên thức quá khuya. Ăn nhẹ (ít đạm, ít mỡ), không nên uống rượu, bia. Tâm lý thoải mái, ổn định. Mang theo giấy tờ tùy thân khi đi hiến máu.
Người bệnh không có bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự chi trả một phần chi phí truyền máu theo quy định. Bởi để có một đơn vị máu an toàn, đạt tiêu chuẩn truyền cho người bệnh, cơ sở tiếp nhận máu phải chi trả các chi phí: chế độ cho người hiến máu, vật tư tiêu hao, chi phí làm xét nghiệm, sàng lọc máu, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển…
Đối với người bệnh có BHYT, tùy theo từng đối tượng sẽ được bảo hiểm chi trả ở các mức quy định khác nhau. Bệnh nhi từ 6 tuổi trở xuống được hưởng 100%, từ 6 tuổi trở lên sẽ hưởng mức 80%, còn lại cùng chi trả giống như chi phí truyền máu và nhiều chế phẩm khác từ máu. Với các đối tượng là người nghèo, khó khăn, chính sách thì sẽ có các chế độ quan tâm cụ thể.
BẠN CÓ BIẾT?
14–6 là Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu. Thông điệp của Ngày 14–6 năm nay là “Cảm ơn biết bao – Máu đào hiến tặng” (Thank you for saving my life). Ở nước ta, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt là sự kiện tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu Việt Nam, diễn ra tại thủ đô Hà Nội trong các ngày từ 12 đến 14–6.
Để hiến máu, bạn có thể đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, điện thoại (04) 3868 6008 – 3782 1900; Trung tâm hiến máu nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ TP. HCM, điện thoại (08) 3868 5507 – 3868 5508 và các trung tâm huyết học – truyền máu hoặc hội chữ thập đỏ ở địa phương.
Theo Tiếp Thị Gia Đình