Phan Diệu Huyền: Sống hết mình ở mọi vai trò

“Không ai mặc đồ ngủ đến công ty và cũng không có ai mặc đồng phục đi làm khi ở nhà. Ở trong vai trò nào, ta cứ sống hết mình với nó”, nữ giám đốc truyền thông tập đoàn CMG.Asia chia sẻ

Kết bạn với chị Phan Diệu Huyền trên Facebook tròn trèm một năm; tôi có theo dõi những chia sẻ trên trang cá nhân của chị. Chị thường update công việc, nơi chị đang đảm nhận vai trò giám đốc truyền thông; upload hình món ăn ngon theo tiêu chí ăn xanh sống khỏe. Thi thoảng lại thấy chị livestream cùng con gái vui đùa, điệu đà makeup; hoặc đăng clip cả gia đình cùng tập luyện yoga.

Tất cả như những lát cắt; phác họa nên chân dung một người phụ nữ hiện đại, thành đạt và hạnh phúc.

Tôi hẹn gặp Phan Diệu Huyền ngay tại văn phòng của chị. Công việc truyền thông luôn tất bật; song ở chị vẫn rất thong dong, từ tốn và nhẹ nhàng. Hỏi ra mới biết, để đạt được “cảnh giới” đó trong công việc, chị đã… “nghiện”!

Nghiện việc cho cảm hứng lao động hăng say

Phải chăng chị đang “nghiện” công việc?

Đúng vậy. Cơn “nghiện” này bắt đầu cách đây 11 năm. Khi còn làm việc trong ngành hospitality ở khách sạn Sofitel; tôi tình cờ gặp anh Randy Dobson. Thời điểm đó anh nói với tôi về ý muốn xây dựng chuỗi phòng tập thể dục; với đầy đủ các thiết bị máy móc hiện đại dành cho người Việt.

Tôi về nhà và nói với mẹ: “Mẹ ơi. Con có cảm giác; quyết định này có thể tạo ra giá trị không chỉ cho riêng bản thân con; mà cho gia đình mình, cho con cái sau này; và còn cho rất nhiều người khác. Đó là giúp mọi người có chất lượng sống tốt hơn; bắt đầu từ việc có một cơ thể khỏe mạnh hơn thông qua tập luyện thể dục”.

Chị Phan Diệu Huyền tại sự kiện LEEP ASIA 2018. Ảnh: NVCC

Suốt chặng đường đã qua; nhìn thấy ngày càng nhiều người Việt có thói quen rèn luyện sức khỏe mỗi ngày; thành quả này khiến tôi không ngừng yêu công việc mà mình đang làm.

Công việc ở đâu cũng vậy, có lúc thăng lúc trầm. Nhưng khi mình tìm ra ý nghĩa của công việc đang làm; tìm thấy một môi trường làm việc cho mình cảm giác như gia đình; tìm được những cộng sự đồng lòng cùng mình vượt qua những giới hạn; để tạo ra sản phẩm ngày một tốt hơn, tôi tin ai cũng sẽ “nghiện” nó. Thậm chí là “nghiện” nặng luôn. (Cười)

Vậy trong một ngày, chị dành bao nhiêu thời gian để thỏa mãn cơn “nghiện” đó?

“Nghiện” việc không phải là dành trọn thời gian trong một ngày chỉ để làm việc. Cuộc đời này, công việc đâu phải là tất cả. Nó là một phần mà thôi.
Trong thời gian làm việc, cơn nghiện sẽ cho mình cảm hứng lao động hăng say; nhiệt huyết và phấn chấn. Tôi cũng phân chia thời gian như mọi người, vẫn 8 tiếng làm việc, 8 tiếng ngủ nghỉ; thời gian còn lại tôi dành cho gia đình, con cái và những mối quan hệ của mình.

Chị có thể nói thêm về thời gian biểu trong ngày của một nữ giám đốc truyền thông?

Mỗi sáng tôi luôn dành thời gian cho bản thân mình. Tôi thong dong đọc sách, ngồi thiền, suy nghĩ; hoặc tập yoga nhẹ nhàng nếu hôm đó không có lịch tập với yoga master. Sau đó tôi đến công ty sớm, kiểm tra email, check list công việc trong ngày. Tôi thấy một ngày sẽ suôn sẻ, nhẹ nhàng khi mình dậy sớm; và chủ động chu toàn tất cả mọi thứ.

Thường thì đến khoảng 6h chiều; mọi việc trong ngày cũng đã được team giải quyết ổn thỏa. Có chăng cũng chỉ kéo đến tầm 7h. Trong điện thoại của tôi luôn có 2 cái timer (hẹn giờ) lúc 7h và 8h30 tối. 7h là nhắc mình đến giờ phải đi về với gia đình. 8h30 là lúc tôi dành riêng cho con gái.

Thời gian còn lại trong ngày, tôi ưu tiên làm việc gì đó có ích cho bản thân; bổ sung kiến thức cho mình hoặc duy trì network. Đến khoảng 10h30, tôi đi ngủ.

Gia đình nhỏ của doanh nhân Phan Diệu Huyền. Ảnh: NVCC

“Nghiện” việc nhưng chị vẫn rất bình thản, thoải mái. Bí quyết ở đây là gì?

Lúc ở công ty, tôi là người của công việc. Nhiệm vụ của mình là phải hoàn thành tốt mọi kế hoạch. Khi về nhà, tôi là người phụ nữ của gia đình, luôn quan tâm chăm sóc chồng con.

Và những khi đi chơi tiệc tùng cuối tuần, tôi bung xõa hết mức. Không có ai mặc đồ ngủ đến công ty; và cũng không ai mặc đồng phục đi làm khi ở nhà. Ở trong vai trò nào, mình cứ sống hết mình với nó.

Tôi luôn cầu tiến, muốn vượt qua giới hạn của bản thân. Đặc biệt, tôi càng hăng say hơn; nếu như việc mình làm có thể tác động tích cực đến người khác – Phan Diệu Huyền

Hậu quả sẽ đến sớm hơn thành quả

Được biết, không chỉ “nghiện” việc, chị còn “nghiện” yoga nữa. Xin chị chia sẻ thêm về sự “nghiện ngập” này.

Tôi tìm đến yoga và gắn bó với bộ môn này vì nó đem lại cảm giác cân bằng, hạnh phúc; cũng như bản thân có thêm thời gian để lắng nghe chính mình.

Thú vị hơn là khi ở trong lớp tập yoga; tôi cảm thấy mình trải qua các cung bậc cảm xúc theo trình tự giống như một ngày làm việc. Bắt đầu là cảm giác hơi dùng dằn, lười nhát một tí. Sau vài động tác khởi động nhẹ nhàng bình tâm; tới khúc cao trào tập nặng, tôi mới tự hỏi: “Đâu là giới hạn của mình?”, “Làm sao để vượt qua đây?”… Và rồi cứ thế mà cố gắng.

Sau khoảng 3/4 buổi tập yoga, tôi lại thấy: “Yes. Hôm nay mình “ngon” nè. Hôm trước mình thăng bằng được 10 giây; hôm nay lâu hơn một xíu. Bữa nay mình tập nặng hơn xíu; làm động tác khó hơn…”.

Cuối buổi tập, tôi có khoảng thời gian nằm im. Lúc này tôi cảm thấy tự hào vì bản thân đã làm được.

Phan Diệu Huyền

Chị là người nghiện tập yoga. Ảnh: NVCC

Nhìn thấy mặt tích cực của việc tập luyện; chị có lan tỏa tinh thần tập luyện đó cho gia đình, người thân và bạn bè chứ?

Chắc chắn rồi. Không ai muốn những người thân yêu xung quanh mình bệnh tật; có chất lượng cuộc sống kém. Cuộc đời này, sức khỏe là điều quý giá nhất. Cách dễ nhất để có nó là tập luyện thể thao. Nghiện luyện tập thể thao lại càng tốt; khi đó ta lại càng khỏe mạnh.

“Nghiện tập luyện”, xem chừng khái niệm này đại đa số người Việt không hiểu; hoặc hiểu theo nghĩa tiêu cực không?

Nếu như nghiện những tệ nạn tiêu cực, nguy hại cho bản thân và cộng đồng; thì cần quyết liệt bài trừ. Tuy nhiên, nếu như mình nghiện những điều tích cực như tập chạy bộ; yoga, thiền hoặc gym, boxing… thì đều có ích cho bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vậy thì càng phải vận động để nhiều người cùng thực hiện.

Đây cũng là thông điệp mà tập đoàn CMG.Asia vừa phát động mới đây. Duy trì hoạt động luyện tập giúp cơ thể giải phóng nguồn năng lượng tiêu cực; mang đến sự tươi mới cho tinh thần và thể chất.

Cơn nghiện tích cực theo chị có dễ lây lan như các cơn nghiện tiêu cực khác không?

Tôi nghĩ ai cũng thấy hậu quả thường đến sớm hơn là thành quả. Những kết quả tiêu cực sẽ nhanh chóng phơi bày. Còn kết quả tích cực đôi khi đến chậm hơn một chút; nhưng đó là thành quả mỹ mãn, tốt đẹp mà bạn xứng đáng nhận được. Cái nào cũng dễ lây lan; hãy chọn cơn nghiện giúp cuộc sống mình ngày càng tốt đẹp hơn.

Cảm ơn chị Phan Diệu Huyền đã chia sẻ.

Bài: Alex Vo
Tiếp Thị Gia Đình

Phan Diệu Huyền Phan Diệu Huyền

Đừng bỏ qua