Cho đến thời điểm này, 7 năm sau ngày chính thức khởi nghiệp; thương hiệu Nấm Tươi Cười có chỗ đứng trên thị trường; nữ CEO Phạm Hồng Vân mới tự tin nói về hành trình mà chị đã đi qua.
“Thương hiệu Nấm Tươi Cười cũng là câu chuyện chân thực của cả gia đình tôi. Là câu chuyện của người mẹ tần tảo vì mọi người, của người con chân thành, đầy hoài bão. Là câu chuyện của tình thương, sự gắn kết giữa người khuyết tật, người nông dân, người có hoàn cảnh khó khăn. Và là câu chuyện của mọi người khi thưởng thức bữa ăn ngon bên người thân mà không lo về sức khỏe”, Phạm Hồng Vân bộc bạch.
Bén duyên với nấm từ biến cố lớn
Thuở nhỏ, khi bố mẹ còn làm kinh tế thu nhập tốt, Hồng Vân được sống trong nhung lụa. Nhưng đến khi gia đình làm kinh tế thất bại, chị ruột đau ốm, cuộc sống của Phạm Hồng Vân sang một trang khác. Chị phải đương đầu với cuộc sống cơm áo gạo tiền từ khi còn học cấp ba.
Tốt nghiệp trung học và thi đỗ đại học. Nhưng thứ chị nhận được sau giấy báo trúng tuyển là cái lắc đầu chua chát của mẹ vì không có tiền cho con đi học. Chị đành ngậm ngùi gác lại chuyện học hành.
Giấc mơ đại học chưa bao giờ tắt, chị vừa ôn luyện vừa đi làm kiếm tiền. Mùa thi năm sau, Phạm Hồng Vân đã thi đỗ vào khoa Marketing Thương mại của trường Đại học Thăng Long Hà Nội.
Cơ duyên cuộc đời đưa đẩy Phạm Hồng Vân đến với một khóa học thiền tịnh. Suốt quãng thời gian đó, chị được sinh hoạt với sư phụ; và các anh chị học viên, cùng tìm hiểu về các món ăn chay và công dụng của chúng, trong đó có món ruốc nấm.
Thời điểm đó, ruốc nấm vẫn còn là một món ăn lạ, chưa hề phổ biến. “Phải lòng” món ruốc nấm, chị xin sự phụ bày cho cách chế biến. “Về nhà, tôi cùng mẹ làm ngay món này cho bà ăn thử. Bà bắt đầu ăn ngon miệng hơn và bớt mệt mỏi, huyết áp ổn định hơn”; CEO Phạm Hồng Vân nhớ lại.
Năm 2010, dư chấn của việc mẹ chị làm kinh tế; nhưng không thành công để lại vết thương rất sâu trong gia đình. Trong cơn khó khăn, Phạm Hồng Vân nảy ra ý tưởng làm ruốc nấm để bán. Ban ngày, chị là một nhân viên bình thường cho một tập đoàn chuyên quản lý khách sạn. Rời khỏi văn phòng; chị lại cùng mẹ làm ruốc nấm để giải quyết bài toán cơm áo gạo tiền trước mắt.
Nhớ hoài lời dặn dò của mẹ
Cô Hòa 34 Bát Sứ là thương hiệu đầu tiên mà Phạm Hồng Vân thử sức gây dựng. Bằng sự từng trải của một người làm kinh doanh; mẹ chị thường xuyên động viên con gái: “Biết sẽ còn nhiều khó khăn nhưng cứ kiên trì với nó thì nó sẽ không phụ mình”.
Câu nói của mẹ đã trở thành động lực giúp Phạm Hồng Vân vượt qua thời khắc khó khăn cũng như nhiều chông gai trên hành trình kinh doanh sau này. Nhiều khi, chị cảm giác mình như một lao động cửu vạn thứ thiệt. Chị không nề hà bất cứ việc gì, từ chở 180kg hàng trên chiếc xe cà tàng, hàng nặng đến nỗi xe như muốn… bốc đầu, cho đến việc tự đi giao hàng dù trời mưa tầm tã.
Có nhiều lần chị chở hàng qua cầu, gió thổi quá mạnh, mưa như tát vào mặt làm bao hàng đổ xuống giữa đường trong khi các luồng xe đang chạy tới tấp. Nếu tâm trạng hôm đó tốt, chị vui vẻ buộc lại hàng và đi tiếp.
Nhưng có những ngày “cả thế giới quay lưng lại với mình”, chị chỉ biết đứng đó, nhìn đống hàng đổ tràn ra đường và khóc vì bất lực. Tuy nhiên, khóc xong rồi vẫn buộc hàng lên xe.
Phạm Hồng Vân kể số lần chị vừa chở hàng vừa khóc trên xe máy chẳng thể đếm xuể. Chị khóc vì áp lực tứ phía trong tình cảnh chạy ăn từng bữa mà không biết chia sẻ cùng ai. Tuy nhiên, sau những phút giây yếu đuối đó, chị cho rằng “tất cả mọi sự đều là do mình chưa tốt, xem mình sai ở đâu thì sửa ở đó và đứng lên đi tiếp”. Đi lên từ con số “âm” của việc làm kinh tế thất bại trong gia đình đã tạo cho Phạm Hồng Vân tính cách quyết đoán và không ưa sự màu mè.
CEO không phải là người “chỉ tay năm ngón”
Năm 2013, trong một dịp tham gia cuộc thi khởi nghiệp giữa các doanh nghiệp nhỏ lẻ tại Hà Nội; thương hiệu Cô Hòa 34 Bát Sứ đã lọt vào mắt xanh của Tổ chức Thriive. Đây là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu kinh tế phát triển; trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và tổ chức Thriive Hoa Kỳ.
Ấn tượng về sự quyết đoán, đam mê với công việc đã giúp Phạm Hồng Vân chinh phục được những nhà đầu tư khó tính. Thương hiệu ruốc nấm Cô Hòa 34 Bát Sứ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bao; gồm cơ hội tăng trưởng doanh thu tốt; cơ hội tạo thêm nhiều việc làm mới cho xã hội; và kế hoạch thiết thực với cộng đồng; quỹ Thriive đã đầu tư số tiền 10.000 USD để chắp cánh cho nấm.
Điều thú vị trong chương trình đầu tư của Thriive là cho vay không lấy lãi; tiền nợ được trả bằng chính sản phẩm của doanh nghiệp để làm từ thiện cho cộng đồng. Và như thế, phần sơ chế nấm khô; Phạm Hồng Vân đã giao cho những người khuyết tật tại Trung tâm khuyết tật Vì ngày mai (Hà Nội) thực hiện. Nhờ vậy, một nhóm học viên của trung tâm được tạo điều kiện kiếm thu nhập 20.000 đồng/kg nấm tươi.
Năm 2013, ruốc nấm Cô Hòa 34 Bát Sứ chính thức đổi sang thương hiệu Nấm Tươi Cười. Cái tên mới đã tự nhiên bật ra sau ba tiếng đồng hồ “bão não” với người bạn chí cốt. Đặt cái tên “nghe đã thấy vui”; Phạm Hồng Vân mong muốn gửi gắm thật nhiều niềm vui, sức khỏe cho gia đình Việt.
Nấm Tươi Cười đã trải qua nhiều cuộc “tiến hóa” để có diện mạo và chất lượng như ngày hôm nay. Từ việc chỉ có ruốc nấm đơn thuần; thương hiệu đã ra mắt nhiều vị khác nhau.
Tết cổ truyền năm ngoái, Nấm Tươi Cười đã ghi điểm trong lòng bà nội trợ, các công ty; doanh nghiệp bởi một giỏ quà Tết với món giò nấm và năm món ruốc nấm dành cho người ăn chay, ăn kiêng; hoặc phối trộn với thịt, hải sản để làm phong phú mùi vị. Tất cả sản phẩm đều không hóa chất, chất bảo quản.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, nữ CEO cho rằng kinh doanh không phải là màu hồng. Muốn thương hiệu sống sót trong vòng năm năm đầu tiên; CEO càng không phải là người “chỉ tay năm ngón”. Thay vào đó, họ phải kinh qua tất cả để có kinh nghiệm; đủ tầm thuyết phục với người dưới trướng; và đủ tâm để sản phẩm có thể vươn ra biển lớn.
Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình