Phạm Đình Tú và ngôi trường Đệ tử quy

Tại Hà Nội, có một ngôi trường mầm non áp dụng phương pháp giáo dục hết sức đặc biệt. Ở đó, hiệu trưởng cũng như giáo viên luôn khoanh tay, cúi chào khi gặp học sinh và phụ huynh

Nhân duyên cuộc đời đã đưa tôi, Phạm Đình Tú – một ông bố của hai đứa con, một người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, rẽ sang công việc giáo dục mầm non. Mất ba năm “thai nghén” để hình thành ngôi trường, tôi vẫn mang rất nhiều tâm tư, trăn trở về phương pháp giáo dục này dù đang đi vào hoạt động.

Câu chuyện của con trai bé nhỏ

Con trai tôi từ khi lên 3 tuổi đã biết đọc, nhớ được khoảng 30 quốc kỳ các nước. Con đặc biệt yêu thích những cuốn sách sinh học, thiên văn, địa lý. Mọi người thường gọi con là “thần đồng” và chúng tôi cảm thấy tự hào về con.

Thế nhưng có một câu chuyện đã xảy ra khiến chúng tôi phải nhìn nhận lại cách giáo dục con. Một lần đi ăn giỗ, khi ra về con nhất định không chịu chào bất cứ ai. Trong khi đó, đứa em họ một tuổi lại chào hỏi cả nhà rất ngoan. Bữa đó, vợ chồng tôi căng thẳng vô cùng. Trong đầu tôi luôn tự hỏi tại sao con là cậu bé tài năng, biết rất nhiều thứ, nhưng việc đơn giản nhất là chào hỏi thì lại không biết? Tôi đã mắc sai lầm gì trong quá trình giáo dục khiến con chỉ nghe lời theo trạng thái tâm lý, thích thì làm, không thích thì thôi?

Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ khi nhận tiền lì xì mừng tuổi, mọi người hay chúc với thứ tự “mau ăn, chóng lớn” rồi sau đó là “học giỏi, thông minh” và vế cuối cùng là “ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ”. Như vậy đối với người lớn hình như giá trị của học giỏi, thông minh được ưu tiên lên trước, sau đó mới là ngoan, vâng lời cha mẹ. Bây giờ khi đã là “bố trẻ con”, tôi nhận thấy giá trị thứ tự này hình như vẫn còn nguyên giá trị. Quan sát những bậc làm cha mẹ xung quanh, họ vất vả chở con đi học thêm các kỹ năng, ngoại ngữ, học vẽ, đàn ca… Chúng ta giáo dục con nhiều thứ nhưng hình như rất ít người chú trọng dạy lễ nghĩa cho con mình. Kết quả những đứa con của chúng ta rất giỏi về chuyên môn, tài năng nhưng chưa phải đứa trẻ nào cũng có văn hóa, biết đạo lý, đạo nghĩa làm người mà bất kỳ ai cũng cần phải có.

Pham Dinh Tu hinh anh 1

Phạm Đình Tú và lối rẽ ở tuổi ngoài 30

Lối rẽ tuổi 30+ của Phạm Đình Tú

Từ lúc nào trong tôi luôn thôi thúc ý nghĩ phải dạy con trẻ nhân cách từ những thứ nhỏ nhất. Học ăn, học nói, học gói, học mở, con cần được dạy đạo đức trước khi được dạy những thứ khác trên đời. Nhân duyên cuộc đời còn cho tôi gặp người anh em am hiểu và tâm huyết với giáo dục trẻ theo phương pháp Đệ Tử Quy – dạy đạo đức, lễ nghĩa và nhân cách.

Tuổi ngoài 30, cái tuổi đánh dấu sự thành công của người đàn ông trong sự nghiệp. Còn với tôi, đó là cái mốc đánh dấu lối rẽ của cuộc đời. Tôi bắt đầu tìm hiểu về Đệ Tử Quy, đứng lớp học dạy trẻ về lễ nghĩa, cùng anh em tổ chức những buổi đại lễ tri ân cha mẹ, vợ chồng trong suốt hai năm 2014 – 2015. Hai năm đứng lớp đã cho tôi biết bao niềm hạnh phúc. Những bó hoa tươi thắm dâng tặng thầy cô, những bức hình gửi tặng cha mẹ đã khiến cho buổi học trở lên ý nghĩa. Ánh mắt các con như dịu lại, lắng đọng khi được nghe cô giáo chia sẻ rằng: “Con ơi, ngày 20–11 không những là ngày tri ân tới các thầy cô đang đứng trên bục giảng, mà còn là ngày các con nên hướng về người thầy vĩ đại nhất của cuộc đời mình, đó là cha mẹ các con. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên và đi bên con nhiều nhất trong cuộc đời, là nơi bến đỗ bình yên mỗi khi con vấp ngã…”.

Pham Dinh Tu hinh anh 2

Khi mọi việc từ tay và từ tâm

Sau hai năm duy trì các lớp học Đệ Tử Quy cho cha mẹ và các con, bằng sự chân thành và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, năm 2016, tôi quyết định tìm những người cộng sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục mầm non để mở ra một ngôi trường mầm non, mà ở đó lấy phương pháp giáo dục Đệ Tử Quy làm gốc. Bên cạnh đó, trường áp dụng song song các chương trình giáo dục của Nhật Bản, tổ chức dạy học sáng tạo, học qua trải nghiệm với bộ giáo cụ theo chuẩn Montessori… để các con được phát triển đồng thời cả về đạo đức, trí tuệ, kỹ năng. Chúng tôi không quên áp dụng mô hình phòng học mở để các con có một ngày học tập tuyệt vời với các phòng chức năng: phòng khám phá khoa học, phòng phát triển nhận thức và tư duy, xưởng nghệ thuật Reggio Emilia, phòng âm nhạc và biểu diễn, phòng ngoại ngữ, rạp chiếu phim, bãi biển nhân tạo… Các phòng học chức năng đó sẽ giúp các con thêm hứng khởi, năng động hơn, sáng tạo hơn thay vì chỉ học tại một phòng học cố định.

Công cuộc tìm kiếm những người thầy cô giáo cộng sự thực sự gian nan. Bởi ngoài yêu mến trẻ, người thầy cô ấy còn cần ham học hỏi, sẵn sàng đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại và đặc biệt là phải có niềm tâm huyết chân thành với phương châm giáo dục đạo đức, lễ nghĩa, nhân cách cho trẻ. Cảm ơn nhân duyên cuộc đời đã cho tôi được gặp những con người như thế! Thậm chí, có người dám từ bỏ mức lương trong mơ để chuyển sang làm giáo dục vất vả, chỉ để đổi lấy niềm hạnh phúc. Chúng tôi cùng nhau vẽ trang phí phòng ốc, cắt chai lọ, trồng cây rồi chọn từng chiếc ghế, cái bàn và những dụng cụ học tập tuyệt vời nhất để các con hiểu thầy cô xung quanh mình tự tay làm được thì con cũng sẽ làm được điều đó.

Sau bao ngày tháng gian nan, tháng 12–2016, trường mầm non Giáo dục nhân cách Khai Trí với phương pháp giáo dục Đệ Tử Quy lần đầu tiên ra mắt phụ huynh và các em nhỏ. Mọi việc đều làm từ tay và từ tâm nhiệt huyết, chân thành. Tôi tin đất nước sẽ đi lên và phát triển từ những đứa trẻ được vun bồi đạo đức, lễ nghĩa từ tấm bé!

Pham Dinh Tu hinh anh 3

Thông tin thêm

√ Anh Phạm Đình Tú, sinh năm 1981, chủ tịch HĐQT trường mầm non Giáo dục nhân cách Khai Trí (Biệt thự song lập số 2, Khu LICOGI 13, số 164 Khuất Duy Tiến, Q. Thanh Xuân, Hà Nội).

√ Fanpage: www.facebook.com/mamnonkhaitrihn/.

√ Điện thoại: 097 304 8472.

√ Mặc dù được đầu tư rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng nhưng anh Phạm Đình Tú cho hay trường Khai Trí chỉ có mức học phí 2,5 triệu đồng/tháng (chưa gồm các bữa ăn).

√ Hiện lớp học thử phương pháp Đệ Tử Quy của Phạm Đình Tú miễn phí cho phụ huynh và học sinh vẫn được duy trì. Bạn và con có thể đến tham dự lúc 19 giờ 30 thứ Bảy hàng tuần tại trường mầm non Kim Liên (Hà Nội) và 19 giờ 30 thứ Ba hàng tuần tại trường mầm non Giáo dục nhân cách Khai Trí.

Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua