Phần lớn loài ong đều có nọc độc, tuỳ loài mà độc tính ít hay nhiều − Ảnh minh họa
Chiều 4−11, trong giờ ra chơi tại trường tiểu học Yên Sở, khoảng hơn 50 học sinh bất ngờ bị ong tấn công. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do một học sinh khóa trên đã dùng đá ném tổ ong trong khuôn viên trường khiến tổ vong vỡ, cả đàn ong bủa ra xung quanh đốt tứ tung.
Đến 15 giờ 30 phút chiều, 51 em học sinh bị ong đốt được đưa tới Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, sau đó được chuyển xuống khoa Nhi.
Một bác sỹ tại bệnh viện cho hay, đa phần các em chỉ bị nhẹ nhưng vì bị ong đốt tập thể nên các em tinh thần hoảng loạn. Chỉ có ba em buộc phải giữ lại ở viện để theo dõi, còn các trường hợp khác đều được cho về nhà vì nốt đốt ít, không nguy hiểm.
Đặc biệt, hai học sinh bị ong đốt khoảng 10 nốt ở đầu và tay được bác sỹ chỉ định làm xét nghiệm thử máu và nước tiểu ngay lập tức. Tuy nhiên, đến 23 giờ cùng ngày, tất cả các học sinh đều đã được xuất viện.
Theo các bác sỹ tại bệnh viện Bạch Mai, gần đây có khá nhiều người bị ong đốt. Trung tâm chống độc của bệnh viện hiện đang điều trị cho năm bệnh nhân bị ong đốt, còn khoa Cấp cứu cũng có một bệnh nhân ong đốt phải nhập viện điều trị.
Phần lớn loài ong đều có nọc độc, tùy theo loài mà độc tính ít hay nhiều. Ngoài những loài cực độc như ong vò vẽ, ong đất, có loài ong tuy ít độc nhưng vẫn có thể gây ra sốc phản vệ cho người bị ong đốt dẫn đến tử vong tùy thuộc cơ địa mỗi người.
PHẢI LÀM SAO KHI TRẺ NHỎ BỊ ONG ĐỐT?
Hầu hết ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, trừ ong vò vẽ. Vì vậy, khi trẻ bị ong đốt, người lớn cần tiến hành các bước sau:
♣ Kiểm tra vùng da bị ong đốt ở trẻ xem còn vòi chích của ong hay không, nếu có phải nhổ vòi chích ra ngay. Tốt nhất là lấy vòi chích bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp kẹp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
♣ Dùng xà phòng và nước ấm để rửa sạch vùng da bị đốt.
♣ Cứ hai cho tới ba giờ lại chườm đá lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
♣ Trẻ bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.
♣ Với ít nốt đốt, trẻ có thể bôi các thuốc chống dị ứng ngoài da.
KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐẾN BỆNH VIỆN GẤP?
Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các biểu hiện sau:
♠ Trẻ bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng;
♠ Trẻ có các biểu hiện khó chịu như: Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn đỏ, khó thở, sốt;
♠ Khi có bất kỳ triệu chứng mới và tình hình của trẻ ngày càng xấu đi.
PHÒNG TRÁNH BỊ ONG ĐỐT CHO TRẺ
Cha mẹ có thể giúp con phòng tránh bị ong đốt bằng các biện pháp sau:
♦ Dạy trẻ tránh tiếp xúc với ong và không chọc phá tổ ong. Trẻ em là đối tượng thường bị ong đốt bởi tính tò mò, hay chọc tổ ong.
♦ Dạy trẻ đứng hoặc ngồi im và không cử động khi ong bay tới.
♦ Khi đi dã ngoại hay đi vào rừng, cần tránh cho trẻ mặc quần áo sặc sỡ hay dùng nước hoa có mùi thơm, ngọt, dễ thu hút ong.
♦ Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.
Tiếp Thị Gia Đình