Phải chăng chúng ta đang tự “giết nhau” trên mạng xã hội?

Chỉ cần có một đoạn clip, hình ảnh hay câu nói đáng chú ý bị tung lên mạng xã hội, nhân vật chính trong đó sẽ phải hứng chịu “hàng tấn gạch đá”

Mạng xã hội là nơi tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Những ngày vừa qua, sau khi đoạn clip về một cô giáo dạy tiếng Anh mắng học viên phát tán trên mạng xã hội, đâu đâu cũng thấy xuất hiện cụm từ “Tao là cung Bọ Cạp!” (một câu nói của cô giáo nọ). Rất nhiều thơ, ảnh chế, những bản rap dựa theo đó đã nhanh chóng tràn ngập trên Internet.

ĐI QUÁ GIỚI HẠN

20150814-xu-huong-ha-nhuc-online-office-womanĐành rằng, cô giáo trong clip đã ứng xử không đúng với học viên và đáng bị lên án. Song, nếu khách quan thì có thể thấy cộng đồng mạng đã “ném đá” vượt quá giới hạn. Quần áo, đầu tóc, cặp kính và thậm chí cả… nốt ruồi trên khuôn mặt cô giáo nọ, những thứ chẳng liên quan đến việc mắng học viên, đều được mang ra làm đề tài giễu cợt. Thỉnh thoảng mới lọt thỏm vài lời bình luận nhắc nhở kiểu như “Đi quá xa rồi đấy!”.

Trước đó, bức ảnh hoa hậu Kỳ Duyên ngủ trên máy bay trong tư thế có phần kém duyên cũng nhận hàng “rổ đá” chê bai gay gắt, đòi hỏi hoa hậu phải có chuẩn mực, kể cả trong lúc ngủ!

Xu hướng hạ nhục online chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại, kể cả khi đã có hậu quả đau lòng xảy ra. Vào tháng 6–2015, một nữ sinh ở Đồng Nai đã uống thuốc độc tự tử sau khi bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng và chính “cơn bão” chỉ trích, mạt sát của cộng đồng mạng đã đẩy em đến chỗ tuyệt vọng không lối thoát.

Ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của mạng xã hội khi các “anh hùng bàn phím” sẵn sàng vùi dập cho nạn nhân “không ngóc đầu lên nổi”?

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Trong các lời bình luận ác ý, ngôn ngữ được sử dụng thật sự không thể chấp nhận được. Chúng ta có cả một kho tàng ngôn ngữ phong phú và tuyệt đẹp. Tại sao chúng ta lại giao tiếp với nhau bằng cách kinh khủng như vậy? Những ngôn ngữ ấy có thể hiện rằng người phát ngôn có văn hóa cao hơn mấy nhân vật bị “ném đá” kia không hay ngược lại? Cách a dua “ném đá” ầm ầm có phải là hướng cư xử đẹp hay không? Có lẽ đã đến lúc tất cả chúng ta nên dừng lại ngẫm nghĩ xem chúng ta cần phải làm gì để thay đổi cái hiện trạng văn hóa ứng xử, khen chê rất lệch lạc này”.

HÃY LÊN TIẾNG KỊP THỜI!

20150814-xu-huong-ha-nhuc-online-people

Vốn yêu thích làm đẹp nên sau 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm một cách nghiêm túc, chị Trà My đã biến trang Facebook cá nhân của mình thành một “kho” kinh nghiệm làm đẹp từ thiên nhiên. Cũng từ những bài viết chia sẻ kinh nghiệm đó mà hơn nửa năm trước, chị trở thành tâm điểm của một “cơn bão” bôi nhọ kiểu như “Nó kinh doanh ngầm đấy chứ ngu đâu mà chia sẻ cách làm kem dưỡng da free”.

Không chịu nổi, có lúc chị đã tuyên bố dừng chia sẻ mọi thứ liên quan đến kem thiên nhiên. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn không dừng lại, chị buộc phải cảnh báo rằng mình sẽ nhờ pháp luật can thiệp để đối phó với những sự thóa mạ vô căn cứ, nhờ đó mới dẹp được “cơn bão” thị phi.

Chị Trà My bộc bạch: “Tôi chẳng trách gì cả, chỉ thấy tiếc là cuộc sống mong manh và ngắn ngủi nhưng con người quá cay nghiệt với nhau. Mạng xã hội là thứ dễ dãi nhất, bởi khi lên án, bới móc, phán xét ai, người ta không phải đối diện với đối phương. Không ai nhìn thấy khuôn mặt, thái độ của người ngồi gõ phím, là khi lương tâm họ lẩn khuất vào trong mấy suy nghĩ nhùng nhằng, họ sẵn sàng cãi nhau, chửi nhau mà không thấy ngượng ngùng hay xấu hổ. Vì thế, đôi khi thấy khó ở một chút, tôi viết điều gì đó rồi lại xóa đi, bởi sợ biết đâu một ngày nào đó, mình sẽ lại là tâm bão vì những sẻ chia vụn vặt?”.

Để tránh phiền phức, chị Trà My đã đề ra một số nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư như có thể rất vô tư chia sẻ về gia đình, tình yêu nhưng không bao giờ tiết lộ lịch sinh hoạt, kế hoạch đi chơi, địa chỉ nhà, số điện thoại hay trường học của con…

“Tôi quan niệm chơi Facebook nhưng không có nghĩa là cái gì cũng phơi bày, bởi mạng xã hội là nơi tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Đừng bao giờ nghĩ tai họa do mạng xã hội chỉ đến với ai đó, chứ nó chừa mình ra. Tôi tuân theo các nguyên tắc đó và vẫn xuất hiện một cách cởi mở, dù có nhiều người biết đến nhưng các rủi ro có thể gặp phải thấp hơn nhiều so với việc sống public 100%”, chị Trà My nói.

Cũng từng bị hiểu lầm vì những ý kiến, quan điểm khác biệt, tiến sỹ Thu Hương tư vấn cách ứng xử khi gặp sự cố: “Trong những lúc khủng hoảng như thế, tôi luôn chia sẻ với bạn bè, gia đình và tìm thấy chỗ dựa ở những người thân, nhờ vậy mà tôi đủ mạnh mẽ để vượt qua “bão” dư luận. Nếu như câu chuyện đơm đặt đó chỉ là tầm phào, không quá ảnh hưởng đến bản thân, gia đình, công việc, con cái thì tôi có thể phớt lờ, im lặng. Song, một khi câu chuyện trên mạng kia ảnh hưởng quá nhiều đến công việc, bản thân, gia đình, khiến mọi người hiểu sai hoặc làm thay đổi cả một quan niệm thì tôi thấy mình cần phải lên tiếng. Cách lên tiếng là nói có sách, mách có chứng, thậm chí mời luật sư vào cuộc”.

Suy cho cùng, chính xu hướng suy diễn và thích “ném đá” của đám đông (trong đó phần lớn không được chứng kiến hay hiểu tường tận câu chuyện) đã tạo ra những “cơn bão” thị phi khuếch đại đến tối đa một câu nói, một hình ảnh… hoặc tùy ý dựng lên những điều không có thật! Vì vậy, khi chuẩn bị gõ phím để tham gia vào một cuộc “ném đá”, bạn hãy dừng lại suy xét: Nếu một ngày nào đó mình trót sơ suất trong lời nói hay hành động và bị đưa lên “tòa” online thì mình sẽ thế nào nhé!

CẦN LẤP LỖ HỔNG KỸ NĂNG ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

20150814-xu-huong-ha-nhuc-online-red-mouse

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, phân tích: “Công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, thông tin tràn ngập nhưng giá trị sống, kỹ năng ứng xử trên Internet lại không theo kịp. Cư dân mạng ở Việt Nam đa phần rất thích “ném đá” những chuyện tầm phào, sinh hoạt tiểu tiết nhưng lại tránh né trước những vấn đề quốc gia đại sự. Hiểu biết kém, tầm nhìn hạn hẹp, thiếu kỹ năng ứng xử là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những cuộc “ném đá”, những comment độc ác trên mạng xã hội.

Để giải quyết thấu đáo câu chuyện này, tôi cho rằng cần phải có sự vào cuộc của các nhà giáo dục và hệ thống luật pháp.

Ngay từ trên ghế nhà trường, học sinh cần được giáo dục về kỹ năng ứng xử, tiết chế cảm xúc khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cần có luật lệ rõ ràng về những hành vi vi phạm trên mạng xã hội để ai cũng hiểu nếu bình luận thiếu văn hóa, đưa ảnh riêng tư của người khác lên mạng là bị phạt, có mức phạt, hình phạt cụ thể và kẻ vi phạm sẽ bị pháp luật truy ra tận gốc, dù là một cái nick ảo trên mạng. Không thể chỉ vì những câu bình luận ác . mà một con người phải thân bại danh liệt”.

NHỜ ĐẾN PHÁP LUẬT

LUẬT SƯ NGUYỄN MINH LONG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY LUẬT DRAGON – CÓ THỂ KIỆN NGƯỜI ĐĂNG TẢI, PHÁT TÁN HÌNH ẢNH!

Theo điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999, người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… sẽ phạm tội làm nhục người khác. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là không đúng sự thật nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ phạm vào tội vu khống (điều 122 Bộ luật Hình sự). Hành vi tung ảnh sex, clip nóng lên mạng để hạ nhục người khác sẽ phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (điều 253, Bộ luật Hình sự).

Pháp luật đã quy định rõ nhưng người vi phạm thường không ý thức được hành động của mình có thể dẫn tới việc vi phạm pháp luật.

Chúng tôi đã từng tiếp nhận một số vụ việc nữ sinh bị người yêu cũ phát tán ảnh riêng tư hoặc sau khi chia tay thì bị đưa hình ảnh, số điện thoại lên trang web đen với mục đích xấu theo kiểu “không ăn được thì đạp đổ”. Chúng tôi củng cố lại chứng cứ, hướng dẫn nạn nhân viết đơn thư tố giác để kẻ vi phạm phải chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ vi phạm.

Thiết nghĩ sự cẩn trọng của mỗi người vẫn là yếu tố quyết định quyền riêng tư, sự an toàn của bạn khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt là nữ giới. Bạn hãy nhớ: Yêu đến mấy cũng đừng bao giờ để người yêu hoặc ai đó chụp ảnh, quay clip chuyện riêng tư. Nếu bị anh ta dọa tung ảnh, clip lên mạng, hãy cảnh báo “Việc làm đó bị liệt vào tội danh làm nhục người khác và pháp luật sẽ trừng trị”. Nếu cần thì nhờ gia đình can thiệp.

Trong trường hợp đã bị tung ảnh, clip, bạn hãy bình tĩnh và tìm đến người thân, bạn bè để có điểm tựa tinh thần. Gia đình thay vì chì chiết, mắng mỏ, hãy mở rộng vòng tay giúp con cái vượt qua khủng hoảng.

Nếu tính chất vụ việc nghiêm trọng, bạn nên nhờ sự trợ giúp của luật sư, trình báo cơ quan công an để có biện pháp xử lý thích hợp. Tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Mục Câu chuyện con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua