PGS–TS. Lê Thị Luân và hành trình 14 năm đi tìm vắc-xin

Hành trình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin ngừa vi-rút Rota của PGS–TS. Lê Thị Luân kéo dài đến mười bốn năm với biết bao khó khăn, vất vả

Chuyện trò cùng chúng tôi về vấn đề này, PGS–TS. Lê Thị Luân không khỏi bùi ngùi khi hồi tưởng về những ngày đầu tham gia giám sát bệnh tiêu chảy do vi-rút Rota tại Việt Nam.

ÁM ẢNH VI-RÚT

Cháu bé nôn trớ dữ dội, sốt cao, tiêu chảy, mệt lả, mất nước, mắt trũng, nằm thở từng nhịp yếu ớt… Cảnh tượng ấy khiến tôi trăn trở. Oái oăm thay các bé bị tiêu chảy do nhiễm vi-rút Rota thường không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh. Sự sống còn của những sinh linh nhỏ bé chỉ trông mong vào việc bù nước qua truyền dịch.

Lúc này, Việt Nam là một trong những nước tham gia mạng lưới giám sát bệnh tiêu chảy do vi-rút Rota của Tổ chức Y tế Thế giới. Vốn là bác sỹ nội trú chuyên ngành vi sinh học, tôi cũng được tham gia chương trình giám sát.

Từ năm 1998, hệ thống giám sát bệnh đã được thiết lập ở ba miền đất nước tại các bệnh viện lớn. Kết quả giám sát cho thấy bệnh tập trung chủ yếu ở trẻ từ 6–24 tháng tuổi, 90% trẻ em bị tiêu chảy do vi-rút Rota. Một chuyên gia nước ngoài trong đoàn giám sát nói: “Cách hữu hiệu nhất là chế ra vắc-xin phòng bệnh”. Lời nói đó xoáy vào tâm can tôi. Tôi cũng là bà mẹ có hai con nhỏ, cũng sợ con nhiễm bệnh. May mắn, tôi được lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm y tế tin tưởng đưa vào nhóm tiến hành chọn chủng vi-rút và tạo chủng giống.

CÔNG TRÌNH CẢ ĐỜI

20150323_guongthanhcongVN_Vacxin

Đến nay, Rotavin–M1 đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước với giá thành bằng 1/3 vắc-xin ngoại nhập

Chủng vi-rút lưu hành chủ yếu tại nước ta là P[8] và G1. Vì thế, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là phải sản xuất ra vắc-xin sống giảm độc lực, uống phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em dưới 5 tuổi, được sản xuất từ chủng vi-rút Rota G1 P[8] trên tế bào vero. Có  lúc chúng tôi bế tắc tưởng chừng không lối thoát vì vi-rút rất khó mọc trên tế bào. Tôi đưa ra hàng nghìn mẫu nhưng đều không thành công, phải nhờ chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.

Được sự hỗ trợ của cơ quan, tôi mang mẫu sang Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhưng phải mất hai năm để tìm ra quy trình phù hợp cho việc nuôi cấy miễn dịch khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Thử thách lớn nhất là khi thử nghiệm trên trẻ thực sự vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Suốt một tuần lễ thử nghiệm, chỉ một số điện thoại lạ cũng khiến các thành viên trong nhóm giật thót người. May mắn thay, hiệu quả của Rotavin–M1 tương đương vắc-xin Rotarix của Bỉ đang lưu hành lúc bấy giờ. Đến nay, Rotavin–M1 đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước với giá thành bằng 1/3 vắc-xin ngoại nhập.

Hiện nhóm của tôi đang tiến hành nghiên cứu vắc-xin ngừa bệnh tay chân miệng. Vẫn biết con đường không trải hoa hồng nhưng tôi luôn có niềm tin sẽ thành công.

20150323_guongthanhcongVN_TSLeThiLaunTHÔNG TIN THÊM
PGS–TS. Lê Thị Luân hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế. Chị là một trong hai người đoạt giải Kovalevskaia năm 2013. Công trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin Rotavin–M1 vừa đoạt giải Nhân tài đất Việt 2014 trong lĩnh vực y dược. Việt Nam là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc-xin Rota.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua