Ô nhiễm không khí khiến chúng ta chết sớm hơn

Thuốc lá vốn là nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu cho hay, không khí ô nhiễm đã “soán” ngôi này, trở thành hiểm họa hàng đầu của sức khỏe con người trên toàn cầu

Ô nhiễm không khí ngoài trời

Nghiên cứu mới do Viện Hóa Sinh Max Planck (Đức) đăng trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu vừa tiết lộ; ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân gây ra gần 8,8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới. Con số này cao gần gấp đôi con số ước tính trước đây. Giáo sư Thomas Münzel, một trong những nhà khoa học đứng sau nghiên cứu nhấn mạnh: điều này có nghĩa là ô nhiễm không khí gây ra các ca tử vong mỗi năm; nhiều hơn so với khói thuốc lá. Hút thuốc lá có thể tránh được nhưng ô nhiễm không khí thì không.

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu mới và ước tính rằng gần 800.000 người chết sớm mỗi năm ở châu Âu vì không khí bẩn. Trung bình, tuổi thọ của con người bị cắt ngắn hơn 2 năm. Thiệt hại về sức khỏe do ô nhiễm không khí ở châu Âu cao hơn mức trung bình toàn cầu. Dân số dày đặc và chất lượng không khí kém dẫn đến tình trạng phơi nhiễm với chất độc hại của người dân nơi đây lọt hàng cao nhất thế giới.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, không khí bẩn xâm nhập vào phổi trước tiên. Chúng có thể ảnh hưởng đến tim và lưu thông máu; theo một số cơ chế khác nhau. Nhưng chủ yếu bằng cách làm hư hỏng các thành mạch máu và khiến chúng trở nên hẹp hơn. Dưới tác động này, không khí bẩn không chỉ gây viêm phổi, ung thư phổi; hen suyễn hay mất trí nhớ. Nó còn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh lý tim mạch đột quỵ. Số ca tử vong vì tim, đột quỵ xuất phát từ không khí ô nhiễm cao gấp đôi so với các bệnh đường hô hấp.

Yếu tố rủi ro quan trọng gây ra vấn đề sức khỏe này chính là các hạt bụi siêu nhỏ; nhỏ hơn 2,5 micromet hoặc 0,0025 milimet trong không khí (hay còn gọi là bụi mịn). Chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi và đi vào hệ thống tuần hoàn. Chúng làm hỏng phổi, tim và não của chúng ta. Ô nhiễm không khí vì thế không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống mà còn cắt giảm tuổi thọ của hàng triệu người, bất chấp nỗ lực gia tăng tuổi thọ của con người khắp thế giới.;

Giáo sư Jos Lelieveld, đồng tác giả trong nghiên cứu; cho biết: “Hầu hết các chất ô nhiễm trong không khí đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta cần phải khẩn cấp chuyển sang các nguồn năng lượng khác. Khi chúng ta sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chúng ta không chỉ thực hiện thỏa thuận Paris nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta còn có thể giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí lên tới 55%“.

Các hạt bụi siêu nhỏ 2,5 micromet hoặc 0,0025 milimet trong không khí xâm nhập sâu vào phổi và đi vào hệ thống tuần hoàn, làm hỏng phổi, tim và não của chúng ta.

Ô nhiễm trong nhà

Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề duy nhất ở châu Âu. Đó là vấn đề của bất cứ quốc gia nào có xe máy, xe hơi. Việt Nam dĩ nhiên không nằm ngoài danh sách này.

Tính trong khu vực Đông Nam Á, mức độ ô nhiễm không khí của Việt Nam xếp thứ hai, sau Indonesia. Thủ đô Hà Nội đứng thứ hai danh sách các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á (sau Jakarta); còn TP. HCM đứng thứ 15 danh sách các thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á năm 2018.

Người Việt Nam không chỉ hứng chịu ô nhiễm không khí ngoài trời như số phận của tất cả các quốc gia khác; mà còn hít thở bầu không khí ô nhiễm ngay trong chính ngôi nhà mình ở mỗi ngày. Nó đến từ việc đốt cháy nhiên liệu như than, gỗ để nấu ăn, sưởi ấm hoặc chiếu sáng.

Một nửa thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch; khiến không khí chúng ta thở rơi vào tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu hết người dân không nắm rõ được hiểm họa này. Chúng ta vẫn vô tư nấu, đốt và hít trọn không khí độc hại. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là trẻ em.

Theo Thejakartapost, ô nhiễm không khí rút ngắn tuổi thọ của trẻ em xuống trung bình khoảng 20 tháng. Ở các nước khu vực Nam Á, cuộc sống của trẻ em có thể bị rút ngắn mất đến 30 tháng do “cuộc tổng tấn công“ của ô nhiễm không khí ngoài trời lẫn không khí trong nhà.

Một nghiên cứu từ Tổ chức Y tế Thế giới phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc với không khí độc hại cả trong nhà và ngoài trời giết chết khoảng 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi mỗi năm. Trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất vì trẻ thở nhanh hơn nên sẽ hấp thụ nhiều chất ô nhiễm hơn người lớn.

Bảo vệ sức khỏe thế nào trước ô nhiễm không khí?

Dân số càng tăng, thế giới đông đúc hơn, thì không khí càng ngày càng bẩn thêm. Không chỉ trông chờ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm của xã hội; mỗi cá nhân cũng có thể tự bảo vệ mình bằng những mẹo đơn giản sau:

– Vào những ngày không khí ô nhiễm mù mịt, bạn nên tránh các bài tập thể dục ngoài trời; đặc biệt là các bài thể dục nặng hoặc hoạt động gắng sức. Khi bạn cố hít thở sâu, thở gấp, các hạt bụi nhỏ càng dễ xâm nhập sâu vào phổi.

– Đeo khẩu trang, kính chắn bụi khi ra đường. Cố gắng chọn những con đường ít kẹt xe nhất có thể. Nếu tuyến đường thuận lợi, bạn nên ưu tiên đi bằng các phương tiện giao thông công cộng.

– Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các loại trái cây giàu vitamin C; magiê, axit béo omega nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

– Hút bụi trong nhà hàng tuần để tránh tích tụ nhiều hạt bụi trong nhà.

– Lắp đặt máy lọc không khí trong phòng để giảm thiểu rủi ro do ô nhiễm không khí tới sức khỏe.

– Nhà bếp cần có ống khói dẫn ra ngoài hoặc bật máy hút mùi khi nấu ăn. Nhà bếp nên được thiết kế gần cửa sổ thoáng gió.

– Loại bỏ cách nấu ăn bằng than. Nấu ăn bằng điện an toàn hơn.

– Không hút thuốc lá trong nhà.

– Vào ngày nắng đẹp, hãy mở cửa sổ nhà trong khoảng 3–5 giờ chiều giúp không khí lưu thông tốt. Đây là thời điểm nồng độ hạt bụi mịn PM 2.5 trong không khí ở mức thấp nhất.

– Trồng các loại cây xanh đã được khoa học chứng minh giúp giảm ô nhiễm không khí trong nhà như cây dây nhện, lưỡi hổ, lan ý, thường xuân, cọ cảnh…

Bài: XOA NGUYỄN 

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua