Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu chất lượng nước, Công ty Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương cho biết, trung tâm này đang thực hiện quan trắc chất lượng nước sông Sài Gòn hàng giờ để kịp thời xử lý tình trạng nước ô nhiễm, do hàng trăm xác heo thối bị vứt ở thượng nguồn.
Việc này nhằm mục đích kiểm tra các thông số, đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho nhà máy nước Thủ Dầu Một, đơn vị có công suất 21.000m³/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho người dân tỉnh Bình Dương.
Ngoài nhà máy này, ở khu vực hạ nguồn sông Sài Gòn còn có nhà máy nước Tân Hiệp, có công suất 300.000m³/ngày đêm, cũng dùng chung nguồn nước này để xử lý và cung cấp cho người dân TP. HCM.
Hiện tại, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là hai nguồn cung cấp nước mặt chính cho TP. HCM. Tuy nhiên các số liệu quan trắc gần đây cho thấy một số chỉ tiêu nước thô được lấy từ hai con sông này không còn đáp ứng được theo quy chuẩn cấp nước.
Đôi lúc, độ mặn vượt quá 25 mg/lít, mức ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh như E. Coli, Coliform ngày càng tăng. Cụ thể, chỉ số ô nhiễm hữu cơ trong nước sông Sài Gòn hiện đã vượt quy chuẩn gấp 10 lần, nhiều chỉ số ô nhiễm khác cũng vượt mức tương tự.
Trong năm nay, đã có thời điểm các nhà máy nước phải dừng hoạt động nhiều giờ đồng hồ vì nguồn nước sông Sài Gòn nhiễm mặn quá nặng và quá bẩn. Nếu không có giải pháp kịp thời, trong một thời gian ngắn nữa, công nghệ hiện có sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu xử lý nước dùng cho sinh hoạt.
Trước đó, người dân khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn đã phát hiện Công ty TNHH Nông sản Việt Phước, trú đóng tại xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, vứt hàng trăm xác heo thối ra sông. Hành vi này đã bị cơ quan chức năng đề xuất mức phạt hơn 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, mối đe dọa về nguồn nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm nặng vẫn còn treo lơ lửng, chực chờ đổ ập vào cuộc sống người dân. Liệu các cơ quan chức năng đã có biện pháp hữu hiệu nào để giải quyết vấn đề đang được cư dân TP. HCM quan tâm nhất hiện nay?
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình