Nước rửa tay khô như thế nào mới là đạt chuẩn?

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thận trọng khi chọn mua nước rửa tay khô để phòng dịch an toàn và đúng cách

nước rửa tay khô đạt chuẩn

Làm sao để nhận biết nước rửa tay khô đạt chuẩn? (Ảnh: Shutterstock)

Kể từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt sản phẩm gel và nước rửa tay khô xuất hiện trên thị trường. Nhiều thương hiệu lạ đi kèm với dòng quảng cáo “đảm bảo diệt khuẩn 99,9%” hoặc “tiêu diệt được virus corona”. Nhưng sự thật có phải như vậy? Người tiêu dùng cần cách nhận biết để chọn mua được nước rửa tay khô đạt chuẩn, tránh rước thêm bệnh vào thân.

Thành phần của nước rửa tay khô

Thành phần chính của các loại nước rửa tay khô đạt chuẩn hiện nay bao gồm:

  • Cồn 60 hoặc 70 (Ethanol)
  • Nước tinh khiết
  • Chất hút ẩm
  • Chất tạo mùi hoặc tinh dầu
  • Chất diệt khuẩn
  • Glycerol (giúp da không bị khô)
  • Các chất oxy hoá

Nước rửa tay khô đạt chuẩn có khả năng sát trùng thì nồng độ cồn phải từ 60 – 70 độ trở lên. Và phải đảm bảo các chỉ tiêu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nếu nồng độ cồn quá cao (90 độ) cũng không được. Bởi nó sẽ làm đông, vón cục lớp protein trên bề mặt. Hình thành lớp vỏ cứng ngăn không cho cồn thấm vào bên trong, làm giảm tác dụng diệt khuẩn. Đồng thời có hại cho da tay.

Do đó, muốn mua nước rửa tay khô đạt chuẩn, bạn cần phải xem xét các yếu tố có trong thành phần. Từ loại chất đến nồng độ. Hơn nữa gel khô kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến tất cả vi sinh vật nằm dưới nhiều vết bẩn hữu cơ trên tay. Vì thế không có tác dụng làm sạch toàn bộ bàn tay.

Cách nhận biết nước rửa tay khô đạt chuẩn

Nước rửa tay khô đạt chuẩn là loại được các doanh nghiệp, cơ sở uy tín sản xuất. Trên bao bì sản phẩm có địa chỉ, nguồn gốc, tem, nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng, được kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế.

Một số cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận đã sản xuất các loại nước rửa tay khô không tuân thủ nguyên tắc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Họ chỉ dùng hai thành phần là ethanol và gel. Bỏ qua các thành phần quan trọng và giá thành khá cao là glycerol và các chất oxy hoá. Do đó, nếu bạn thấy nước rửa tay khô nào có nồng độ cồn cao hơn 70 và không chứa glycerol, các chất oxy hoá thì không nên chọn dùng.

Trái với nước rửa tay khô đạt chuẩn, các sản phẩm kém chất lượng thường in thông tin sơ sài. Không rõ thành phần, cơ sở sản xuất và đơn vị phân phối. Không có mã vạch hoặc mã vạch mờ, lem mực. Khi kiểm tra mã vạch không hiển thị được thông tin của sản phẩm.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách diệt khuẩn hiệu quả nhất vẫn là rửa tay bằng xà phòng và nước. Do đó, bạn không nên lạm dụng nước rửa tay khô mà nó nên được xem là phương án diệt khuẩn cuối cùng khi không thể rửa bằng xà phòng.

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: NƯỚC RỬA TAY KHÔ CÓ HẾT HẠN SỬ DỤNG?

Đừng bỏ qua