Kiểm tra nước bọt để phát hiện các vấn đề sức khỏe. Ảnh: Internet
Là chất khử trùng tự nhiên trong miệng, nước bọt góp phần duy trì sức khỏe của răng, nướu; làm sạch các mảng bám, ngăn ngừa sâu răng và các bệnh nhiễm trùng khác. Kimberly Harms, người phát ngôn của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho biết, ngoài vai trò chủ đạo là bảo vệ răng miệng, tình trạng nước bọt cũng có thể là đầu mối để phát hiện ra các vấn đề sức khỏe khác.
Vì vậy, bạn nên lưu ý nếu kiểm tra tình trạng nước bọt có một số biểu hiện sau đây:
Khô miệng vì dùng thuốc
Có trên 300 loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng (ít nước bọt) như thuốc trị nghẹt mũi và chữa dị ứng. Miệng khô có xu hướng tăng lên theo độ tuổi và càng lớn tuổi lại càng uống thuốc nhiều hơn khiến miệng lại càng khô.
Xuất hiện nấm men ở lưỡi
Loại nấm men candida albican xuất hiện dưới dạng đám màu trắng ở lưỡi có thể gây nhiễm trùng gọi là “tưa miệng”. Bệnh tưa miệng hiếm gặp ở người lớn khỏe mạnh, tuy nhiên những người có bệnh tiểu đường thì có nguy cơ bị tổn thương cao hơn vì đường trong nước bọt có thể dẫn đến sự tăng trưởng của nấm men.
Nước bọt có vị chua hoặc đắng
Nước bọt có vị chua tức là tính a-xít cao cũng có thể làm xói mòn răng và gây sâu răng, tiến sỹ Israel Kleinberg − giáo sư và là giám đốc khoa sinh học miệng và bệnh lý ở trường Y nha Stony Brook (Mỹ) cho biết. Ngoài ra, trào ngược có thể khiến a-xít trong dạ dày trào lên tới thực quản, làm nước bọt chua và đắng.
Quá nhiều nước bọt
Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai thường có nhiều nước bọt hơn bình thường do thay đổi nội tiết tố hay tác dụng phụ của cảm giác buồn nôn trong thai kỳ. Điều này không gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe, trừ việc bạn phải nhổ nước bọt nhiều hơn khi nói chuyện.
Cảm giác khô dính trên lưỡi
Khi bạn thở bằng miệng sẽ có cảm giác khô dính trên lưỡi hơi khó chịu. Nghiên cứu đã cho thấy ở trẻ em và người lớn, việc thở bằng miệng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe như chứng ngừng thở khi ngủ.
Tiếp Thị Gia Đình