Nông dân lao đao vì tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL

Tổng cục Thủy sản vừa đưa ra kết luận về tình trạng tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái vì nắng nóng và hạn mặn kéo dài

Kết quả này được Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố tại hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL vào hôm qua (19−5) tại tỉnh Bạc Liêu. Con số thống kê cụ thể cho tình hình tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL cho đến ngày 17−5 trên 8 tỉnh là 81.413ha.

Tỉnh có diện tích bị thiệt hại nặng nề nhất là Cà Mau với trên 52.467ha. Đứng thứ hai là Kiên Giang với 13.776ha và Bạc Liên xếp thứ ba với 12.322ha tôm nuôi bị chết. Hầu hết diện tích tôm nuôi chết bất thường đều thuộc các mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa và nuôi tôm quãng canh.

Chỉ tính riêng Cà Mau, nông dân đã mất trắng 260 tỷ đồng cho hơn 52.000ha diện tích tôm nuôi bị chết. Đánh giá về tính nghiêm trọng của tình trạng tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đã đề nghị Cà Mau xem xét đến việc công bố thiên tai đối với thủy sản, để nhà nước kịp thời hỗ trợ cho người dân.

Chia sẻ về khó khăn hiện nay, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết hiện nay tôm nuôi theo mô hình tôm – lúa còn khoảng 3 tháng nữa mới thu hoạch. Trong khi tình hình thời tiết lại diễn biến theo hướng phức tạp. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, dự báo diện tích tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên khoảng 100.000ha.

Tom chet hang loat o ĐBSCL hình ảnh 2

Vuông tôm bị bỏ hoang ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau

Bàn về nguyên nhân của hiện tượng tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL, Tổng cục thủy sản cho rằng xuất phát từ thời tiết nắng nóng và độ mặn tăng cao. Qua khảo sát tại địa phương có tôm chết bất thường, cơ quan chức năng nhận thấy độ mặn dao động từ 40−60 phần ngàn, thậm chí có nơi lên đến 70 phần ngàn. Trong khi độ mặn lý tưởng để tôm sinh trưởng tốt chỉ từ 15−30 phần ngàn. Bên cạnh đó, chất lượng con giống và việc kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương chưa được thực hiện tốt nên xảy ra tình trạng trên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng tỉnh Cà Mau cần thống kê tình trạng thiệt hại của người dân để nhà nước có kế hoạch hỗ trợ. Đồng thời, các cơ quan phụ trách chuyên môn cần đưa cán bộ kỹ thuật về địa phương để giúp người dân giải quyết khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, tích cực rà soát lại nguồn cung cấp tôm giống để người dân không phải dùng nguồn giống kém chất lượng đưa vào chăn nuôi.

Bài: Hân Thái

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua