Vào mùa mưa, dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng mạnh ở nhiều nơi. Mới đây, ở Hà Nội đã ghi nhận 137 trường hợp mắc tại nhiều quận huyện. Đầu tháng 5 vừa qua, TP.HCM cũng vừa ghi nhận thêm 6 ổ bệnh mới phát sinh ở 7 phường; xã thuộc 4/24 quận, huyện. Đứng trước tình hình dịch sắp bùng phát, người dân cần nắm rõ các thông tin về sốt xuất huyết.
Vì sao sốt xuất huyết tăng mạnh vào mùa mưa?
Dịch sốt xuất huyết thường bùng phát vào đầu và cuối mùa mưa; và có khả năng lây lan nhanh thành dịch. Lý do làm cho dịch gia tăng mạnh là vì mùa mưa, muỗi có điều kiện đẻ trứng. Đồng thời, đây cũng là thời tiết cũng rất thuận lợi để trứng muỗi phát triển thành lăng quăng.
Đặc biệt trong trường hợp ngập lụt, nước thải, rác thải, vùng nước đọng là môi trường thuận lợi để muỗi và vi-rút sinh sôi. Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt của người dân cũng là tác nhân tạo điều kiện cho muỗi có nơi trú ngụ, sinh sản.
Mối nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm tại Việt Nam. Trung bình mỗi năm có khoảng trên 100.000 trường hợp mắc. Chỉ riêng năm 2019 cả nước đã ghi nhận 320.331 trường hợp mắc. Trong đó có 53 trường hợp tử vong – số mắc cao nhất trong 32 năm trở lại đây.
Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh chóng trong vòng 5-7 ngày. Các dấu hiệu quan trọng của bệnh cần phải chú ý là sốt cao, buồn nôn, đau bụng; phát ban, chảy máu mũi, chảy máu răng; hoặc xuất huyết tiêu hóa, người mệt mỏi, vật vã, li bì… Khi nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết, phải đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để chuẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu để lâu có thể dẫn đến sốc và tử vong.
Phòng tránh như thế nào?
Hiện tại, TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Đây là thời tiết thuận lợi để bùng phát dịch sốt xuất huyết. Do đó người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, không chủ quan, lơ là ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh đang giảm. Theo Bộ Y tế, bệnh hiện chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chúng ta cần chủ động phòng tránh. Dưới đây là những cách cơ bản được Bộ Y tế khuyến cáo gồm:
Mặc quần áo rộng vì muỗi có thể cắn qua quần áo bó sát.
Ngủ trong màn chống muỗi và nhớ xịt thuốc chống muỗi trước khi giăng màn.
Dọn dẹp, phát quang môi trường xung quanh thường xuyên.
Sử dụng thuốc chống côn trùng – các sản phẩm có chứa chất DEET 50% là hiệu quả nhất, trẻ em dưới 2 tháng tuổi nên sử dụng các chất DEET ít hơn (15-30% DEET).
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh phải chủ động đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị tránh để bệnh diễn tiến nặng có thể gây tử vong.
Tiếp Thị Gia Đình