Hội đồng Nhân dân TP. HCM vừa thông qua đề nghị của UBND thành phố sẽ cho triển khai Sữa học đường. Dự kiến kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2018-2020 là 1.134 tỷ đồng. Nhiều phụ huynh các tỉnh khác đều quan tâm theo dõi bởi chương trình có thể mở rộng hơn. Vậy lý do nào khiến nhiều người lo ngại trước một chương trình đậm tính nhân văn như vậy?
Nhân văn quá cũng ngại
Đầu đuôi câu chuyện đến từ lúc UBND Hà Nội phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng; góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2018–2020.
Các em sẽ được uống sữa 5 lần/một tuần, mỗi lần 1 hộp 180ml; có giá 6.800 đồng. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.
Với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách; ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%. Đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc. Các trường đều đã gửi phiếu đăng ký đến từng phụ huynh nhưng có nhiều phụ huynh không ký giấy tham gia chương trình.
Có thể dễ lý giải vì sao một số phụ huynh băn khoăn không ký.
Thứ nhất, họ chưa biết sữa con mình sẽ uống là gì.
Thứ nhì, phụ huynh sợ sữa cận sắp hết hạn; các em có thể bị ngộ độc thực phẩm.
Thứ ba, nhiều gia đình muốn tự mình mua cho con thứ sữa tốt; phù hợp mà họ tin tưởng.
Cuối cùng, ngoài lý do sức khỏe, một số e ngại chương trình này làm lợi cho trẻ thì ít mà làm lợi cho doanh nghiệp thì nhiều.
Cuộc chiến chống tham nhũng của nhà nước đang dần lấy lại niềm tin trong dân nhưng đồng thời cũng khiến người dân cảnh giác. Có thể nói niềm tin là điều mà ngành giáo dục cần phải lấy lại trong lòng người dân sau một số lùm xùm vừa qua.
Đây là lúc mà ngành giáo dục và các bộ ban ngành khác cần nỗ lực ghi điểm thì người dân mới toàn tâm hưởng ứng những chương trình lớn, nhân văn như Sữa học đường.
Sữa học đường có khác sữa thị trường?
Trước những nghi ngại, băn khoăn của phụ huynh; ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay; phụ huynh hoàn toàn có thể không đăng ký và cho con tự mang sữa ở nhà đến trường uống. Tuy nhiên, Sữa học đường khác sữa trên thị trường vì được bổ sung vi lượng và khoáng chất để tăng chiều cao cho các em.
Sữa học đường ngoài đảm bảo dinh dưỡng còn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội; đảm bảo quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế. Sẽ không có chuyện sữa cận hay quá “đát”. Vỏ hộp sữa sẽ có nhãn mác riêng, không bán trên thị trường.
Được biết, Sữa học đường sẽ chỉ do một đơn vị cung cấp; phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng sữa. Ngoài ra đơn vị đó cũng phải đủ năng lực để đáp ứng hàng triệu hộp mỗi ngày.
Có thể nói, với lượng cung rất lớn mỗi ngày như thế thì chỉ những hãng lớn mới có thể cung ứng nên chúng ta có thể yên tâm về chất lượng sữa. Vấn đề ở đây là công tác tư tưởng và hành động liêm chính để người dân có thể yên tâm tin tưởng về mọi quyết sách từ những cơ quan có thẩm quyền.
Phản biện về chương trình sữa học đường cho thấy những hy vọng trong tương lai khi người dân đã nỗ lực yêu cầu sự minh bạch,;rõ ràng và chất lượng tin cậy. Đây chính là điều mà chính phủ kiến tạo đang nỗ lực hướng đến nhằm thúc đẩy đời sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài: NGUYỄN HẬU
Tiếp Thị Gia Đình