Ngày 14−6, người đứng đầu Nhà Trắng Barack Obama đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia. Ông đã một lần nữa yêu cầu Quốc hội do Đảng Cộng hoà kiểm soát khôi phục lệnh cấm sở hữu súng đạn ở Mỹ sau hàng loạt các vụ xả súng trong suốt thời gian ông làm Tổng thống, mới đây nhất là vụ ca sĩ The Voice Christina Grimmie bị bắn chết hôm 10−6 và vụ thảm sát kinh hoàng tại hộp đêm của người đồng tính tại Orlando hôm 12−6 vừa qua.
Tổng thống Barack Obama cũng đã phát biểu trước báo giới rằng, việc để chuyện mua bán và sử dụng vũ khí tràn lan chính là một phần dẫn đến các vụ xả súng kinh hoàng như vụ ở Orlando. Ông cũng cho biết thêm, với giải pháp khôi phục lệnh cấm sở hữu súng đạn, nước Mỹ có thể hạn chế và ngăn chặn những cuộc xả súng đẫm máu xảy ra với những người dân vô tội.
Vì sao lệnh cấm bán vũ khí cho người dân lại không được tiếp tục ban hành tại Mỹ?
Lệnh cấm bán các loại súng bán tự động cho người dân Mỹ được thực thi từ năm 1994 và đến năm 2004 thì hết hiệu lực do Quốc hội Mỹ từ chối gia hạn. Đồng thời, các thành viên bên phía Đảng Cộng hoà cho rằng việc cấm bán các loại súng đạn cho người dân là không cần thiết bởi sở hữu súng cho riêng mình sẽ giúp người dân có thể tự bảo vệ mình một cách chủ động hơn.
Niềm tin nào cho nước Mỹ khi người dân nước này đang từng ngày sống trong nỗi lo sợ, hồi hộp, khi tính mạng của mình lại được quyết định dưới những miệng súng bán tự động được sử dụng tràn lan, rộng rãi, một cách không kiểm soát? Liệu việc cho người dân Mỹ tự do sở hữu súng đạn đã thật sự hợp lí và thiết thực khi nước Mỹ và cả thế giới đã chứng kiến rất nhiều người dân vô tội của nước này thiệt mạng trong các vụ thảm sát, xả súng xảy ra mà không rõ nguyên nhân?
Hãy cùng chúng tôi nhìn lại những vụ thảm sát, xả súng kinh hoàng nhất tại Mỹ từ năm 2009 cho đến nay để hiểu rõ vấn đề thực tế đang diễn ra và nắm được tình hình an ninh tại Mỹ đã không còn được như xưa:
1. Ngày 5−11−2009, Thiếu tá Nidal Malik Hasan − một bác sĩ tâm thần, đã nổ súng bắn chết 13 người và làm bị thương 30 người khác tại căn cứ quân sự Fort Hood, bang Texas.
2. Ba năm sau đó, ít nhất 12 người chết và 50 người bị thương trong vụ xả súng tại buổi công chiếu bộ phim “Người Dơi” tại thành phố Denver, Mỹ, hôm 20−7−2012.
3. Ngày 15−12−2012, một thanh niên đã dùng súng ngắn bắn xối xả vào những học sinh, giáo viên tại trường tiểu học bang Connecticut, làm 20 trẻ em, 6 giáo viên và một người khác thiệt mạng. Đây có thể là vụ thảm sát thương tâm nhất trong lịch sử nước Mỹ ở thời điểm bấy giờ, vì hầu hết nạn nhân là các trẻ em ngây thơ, trong sáng.
4. Ngày 15−4−2013, cuộc đua marathon diễn ra tại Boston đã trở thành một vụ khủng bố kinh hoàng được thực hiện bởi 2 anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev, người di cư tới Mỹ sinh sống, bằng 2 qua bom phát nổ liên tiếp đã cướp đi sinh mạng của 3 người và làm bị thương hàng trăm người khác.
5. Đầu tháng 12 năm 2015, cặp vợ chồng Syed Farook và Tashfeen Malik, những kẻ lên quan đến tổ chức Hồi Giáo tự xưng IS, đã xả súng vào một bữa tiệc cho các nhân viên Y tế công cộng San Bernardino, bang California, làm chết 14 người và 21 người khác bị thương. 2 nghi phạm đã bị cảnh sát tiêu diệt ngay sau đó.
6. Mới đây nhất, đã có 2 vụ xả súng xảy ra ở thành phố Orlando, bang Florida. Ngày 10−6−2016, nữ ca sĩ The Voice Mỹ Christina Grimmie đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ bởi một phát súng tàn nhẫn do một người đàn ông lạ mặt tên Kevin James Loibl sát hại. Hai ngày sau đó, cũng tại tiểu bang này, đã xảy ra một cuốc thảm sát kinh hoàng tại một hộp đêm dành cho người đồng tính, 49 người chết và 53 người bị thương.
Những chính sách và quy định mới của ông Obama đã thật sự đủ mạnh?
Các quy định mới trong chính sách do Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề ra với mục đính giảm thiểu và ngăn chặn các vụ thảm sát, xả sùng tại Mỹ gồm:
- Kiểm tra bắt buộc nhân thân người mua súng
- Tăng cường hệ thống kiểm tra lý lịch người mua súng.
- Tất cả những người bán súng đều phải có giấy phép.
- Mở rộng việc điều trị tâm lý.
- Thông báo công khai các trường hợp mắc bệnh tâm thần.
- Cải thiện luật kiểm soát súng đạn.
- Nghiên cứu các công nghệ đảm bảo an toàn khi sử dụng súng.
- Ngăn chặn các hành vi bạo lực trong nước.
- Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) là cơ quan thực hiện các biện pháp này.
Nhưng tiếc thay, mọi chính sách và các đề xuất khác của Tổng thống xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn lên Quốc hội đều bị bác bỏ.
Hơn nữa, theo nguồn tin từ hãng CBS hôm 14−6, ông Obama còn chỉ thị cho một nhóm người chuyên vận động hành lang giúp ông thuyết phục các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hoà về vấn đề này.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích thì cho rằng, các kế hoạch, chính sách và biện pháp thực hiện nhằm kiểm soát súng đạn mới của Tổng thống Barack Obama không phải là một sự thay đổi lớn mà chỉ đơn thuần là “những chỉ dẫn rõ ràng hơn” cho những gì mà luật pháp Mỹ liên quan đến việc kiểm soát súng đạn đã quy định, do đó, “bước đi cụ thể này là khá khiêm tốn”.
Những cuộc tranh luận không có hồi kết
Niềm tin nào cho nước Mỹ khi những cuộc tranh luận giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà vẫn tiếp tục diễn ra xung quanh việc khôi phục lệnh cấm bán vũ khí cho người dân nước này trong khi số người chết vì các vụ xả súng ngày một tăng lên?
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, nhân vật có uy tín thứ 2 trong đảng Dân chủ cũng tuyên bố rằng, Quốc hội Mỹ cần nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn những người “đang nằm trong danh sách bị theo dõi có liên quan đến khủng bố” hoặc những đối tượng bị nghi là khủng bố mua súng và đạn vào ngày 13−6 vừa qua.
Ngay sau đó, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Mitch McConnell và cũng là người đứng đầu phe đa số tại Thượng viện lập tức đáp trả: “Không ai muốn những tên khủng bố sở hữu súng” và bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất của giới chuyên gia về các biện pháp giải quyết vấn đề này.
Cũng trong ngày hôm đó, ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ lần này, tỉ phú Donald Trump, đã có dịp chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chương trình “Fox và những người bạn” : “Ông ấy (tổng thống Obama) không hiểu hoặc ông ấy hiểu chuyện hơn bất kỳ người nào khác. Hoặc cái này hoặc cái kia. Và cả hai đều không thể chấp nhận được”. Tỉ phú Trump cũng nói thêm, việc những vụ xả súng liên tiếp xảy ra là do ông Obama không theo Công giáo và có “thiện cảm” với Hồi giáo, cho phép những người Hồi giáo nhập cư và sinh sống trên đất Mỹ.
Trên thực tế, chuyện mất kiểm soát súng đạn từng khiến người đứng đầu Nhà Trắng không ít lần rơi nước mắt, và lần đặc biệt nhất và gây xúc động nhất là khi ông xuất hiện trên truyền hình nói nhắc lại vụ thảm sát ở trường tiểu học Sandy Hook vào năm 2012, ông khóc và nói: “Mỗi khi nghĩ về những đứa trẻ đó, tôi luôn cảm thấy giận dữ. Tình trạng này xảy ra trên những con đường của thành phố Chicago hàng ngày. Các gia đình, họ chưa bao giờ tưởng tượng rằng súng đạn có thể cướp đi mạng sống của những người thân yêu.”
Nguyên nhân là do đâu?
Một số nhà nghiên cứu chính trị đã phân tích và đưa ra những nguyên nhân như sau:
– Mỹ là quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng súng đạn lớn nhất thế giới.
– Từ năm 2012 cho đến nay loại súng AR-15, một loại súng trường bán tự động có thể bắn 30 viên đạn trong 15 giây lại rất quen thuộc trong các vụ xả súng nước này. Chúng được bán với giá thành rẻ với thủ tục rất đơn giản, đặc biệt là tại bang Florida.
– Thời điểm ông Barack Obama đưa ra thông báo này là khi ông đã ở năm cuối nhiệm kỳ, nên nó chỉ mang màu sắc chính trị hơn là hướng tới một chính sách tác động thực sự đến đời sống xã hội.
– Một trong những nguyên nhân quan trọng khác đó là văn hóa súng đạn đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân Mỹ. Súng dường như đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người Mỹ mỗi khi có “việc cần giải quyết bởi họ cho đây là một trong những quyền tự do cơ bản của mình”. Vì thế, những chính sách và việc khôi phục lệnh cấm sử dụng vũ khí cho người dân ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần khó mà thực hiện được.
– Việc kinh doanh súng đạn là một trong những việc làm mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ mỗi năm cho nước Mỹ từ các tập đoàn sản xuất vũ khí ở nước này, được quản lí bởi các thế lực mạnh, có tầm ảnh hưởng lớn tới các lá phiếu của nghị sĩ, ngăn chặn Quốc hội thông qua mọi dự luật hạn chế sử dụng súng.
Niềm tin nào cho nước Mỹ khi bài toán về việc kiểm soát súng đạn vẫn chưa có lời giải đáp?
Người dân Mỹ nói riêng và nhân dân thế giới nói chung vẫn đang e ngại khi uy tín và chất lượng an ninh tại Mỹ đang ngày càng giảm sút sau hàng loạt các vụ khủng bố, xả súng đẫm máu diễn ra với tầng suất ngày càng nhiều và không đoán trước được. Vậy ai có thể trả lời được câu hỏi Niềm tin nào cho nước Mỹ khi chính người dân nước này vẫn chưa hoàn toàn được bảo vệ khỏi những nòng súng được sản xuất và sử dụng tự do ngay trên đất nước được cho là quyền lực nhất Thế giới?
Bài: Mai Lộc
Tiếp Thị Gia Đình