Những hàng cây vô giá

Nếu hỏi những người già ở Hà Nội, họ yêu gì nhất ở thành phố ngàn năm văn hiến này, có lẽ hầu hết đều kể cho bạn nghe về những hàng cây kỷ niệm...

Ở Hà Nội, những hàng cây đại diện cho mỗi con phố. Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú xanh rì lá sấu. Xuân về trong mưa phùn lây rây, những chồi xanh nõn nà bật lên đẹp đến nao lòng, cả khu phố như vào thuở xuân thì. Lò Đúc thì kiêu hãnh với hàng sao đen cao chót vót. Lý Thường Kiệt mỗi độ Thu về khiến người ta muốn trở thành thi sĩ vì những hàng cây cơm nguội vàng. Hoàng Diệu um tùm ba hàng xà cừ như vườn Luxembourg Pháp quốc. Mùa hè có nắng nóng đến đâu, thì những hàng cây đó vẫn cho người dân bóng mát êm dịu.
Là thế, những cây lộc vừng, cây gạo, cây mõ, xà cừ, hàng liễu rủ ven hồ, hoa phượng, bằng lăng… đều là những chứng nhân của đất rồng kim cổ, lưu giữ bao nhiêu câu chuyện của Thăng Long Hà Nội, lưu giữ cả linh khí hồn thiêng Hà Nội.

IMG_5234

Những hàng cây – tài sản vô giá

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể về hàng sấu ký ức: “Năm chiến tranh, hành quân ngồi trên ghế pháo 37 từ Hoà Lạc về qua Hà Nội. Mưa rào rào quất vào mặt. Đường phố loang loáng sau xe. Những đứa trẻ Hà Nội hôm nào còn như con sáo nhảy trong mưa, giờ đây im lặng ngồi trên súng, giữa trùng trùng mưa hè đổ xuống ướt nhượt tràn qua phố mà rưng rưng nhớ mẹ… Mẹ ơi, mẹ ở đâu, ngôi nhà cách con có mấy chục bước chân… Xe tới gần tháp nước Hàng Đậu, chợt trong ánh đèn xe, thấy rõ trong mưa sáng lên, bay bay như thủy tinh, đôi trai gái nép bên nhau dưới hiên, dưới những tàng sấu xanh đen mùa cho trái. Ánh đèn soi tỏ cô gái đang ngửa mặt lên đón nụ hôn của cậu trai trong mưa. Xe qua cầu Long Biên rồi mà lòng cứ ngơ ngẩn gọi thầm: Hà Nội ơi”.
Có ai không nao lòng khi đi qua con đường trải đầy lá vàng lóng lánh sau cơn mưa Hè. Ai từng tha hương mà không thắt lòng khi đứng dưới gốc sấu già trú mưa đêm, ngắm những hạt mưa lấp lóa bay bay trên hàng lá cùng ánh đèn vàng hiu hắt, đẹp đến không từ ngữ nào diễn tả nổi. Người Hà Nội cũng muốn dành những ký ức đó cho thế hệ con cháu và chẳng có lợi ích kinh tế nào đáng giá hơn thế. Đó là tình cây.
Biến đổi khí hậu ngày càng dữ dội, đó là di sản ta thừa hưởng từ chính những tàn phá của nhân loại, trong đó có chúng ta. Khi những cánh rừng cuối cùng gục xuống, những sông hồ nhiễm bẩn, đại dương hết cá, chúng ta tận diệt cùng đất mẹ. Rất nhiều nơi trên thế giới đã coi việc phủ xanh đô thị, bảo tồn rừng là chiến lược quốc gia. Và hơn bao giờ hết, Việt Nam cần coi việc phát triển bền vững, một nền kinh tế xanh đi đôi với việc bảo vệ môi trường là thiết yếu.
Trận nóng lịch sử mùa hè năm 2017 vừa qua đã cho người Hà Nội càng thêm yêu và trân trọng những hàng cây lịch sử của mình. Không chỉ những người già mà cả những bạn trẻ đã hiểu vì sao người ta có thể chảy nước mắt khi những hàng cây biến mất. Mới đây, Hà Nội khẳng định sẽ ưu tiên bảo tồn, di chuyển cây xanh dù có phát sinh chi phí, trường hợp không thể dịch chuyển mới chặt hạ. Những thông tin thay thế cây quanh hồ thiêng tuy chỉ mới rộ lên đã khiến nhiều người dân trăn trở, phản ánh và may thay điều đó không xảy ra. Có người mừng đến chảy nước mắt.
Không chỉ Hà Nội, người dân Sài Gòn cũng sẽ phải chia tay hàng cây cổ thụ đẹp nhất thành phố trên đường Tôn Đức Thắng để làm cầu vượt Thủ Thiêm 2. Trong tháng 8–2017, Sở GTVT sẽ xử lý 63 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Nguyễn Hữu Cảnh đến bờ sông). Trong đó, sẽ di dời 20 cây, đốn hạ 43 cây để thi công cầu. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. HCM, cũng nhắn nhủ người dân hiểu và chia sẻ việc đốn, di dời cây xanh ở đường Tôn Đức Thắng để xây dựng hạ tầng, đô thị thành phố.
Những hàng cây trăm năm cứ thế biến mất, người ta tiếc và rồi người ta cũng quên. Ký ức không được ưu tiên khi phát triển kinh tế. Đây là thời của những con số biết nói.

Đừng bỏ qua