Những trang đời mới nhờ báo đài

Trong xã hội còn bao nhiêu số phận bất hạnh mong chờ được sẻ chia, nâng đỡ và cảm thông. Vì vậy, trọng trách của nhà báo là phát huy tốt nhất vai trò làm nhịp cầu nối

Nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, chị Nguyễn Thị Kim Liên đã tìm lại được gia đình sau 19 năm thất lạc

Với mỗi chuyến công tác lần theo những câu chuyện đời, bất cứ nhà báo tâm huyết nào cũng hy vọng sẽ có những số phận được thay đổi, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Nhân ngày tri ân các nhà báo, 21–6, Tiếp Thị Gia Đình mời bạn cùng chia sẻ niềm vui của một số nhân vật “nhờ có báo đài mà ước nguyện mới thành”.

TÌM LẠI GIA ĐÌNH SAU 19 NĂM THẤT LẠC

Ngày cuối tuần, tôi phóng xe máy về Tiền Giang thăm gia đình chị Nguyễn Thị Kim Liên, người phụ nữ may mắn tìm lại được gia đình sau 19 năm thất lạc. Chị Liên đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa. Chị bảo: “Biết chị từ xa về sẽ mệt nên em nấu món cháo vịt ăn cho giải nhiệt. Từ ngày được các anh chị trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly tìm giúp cha mẹ, em mang ơn các anh, chị phóng viên, báo đài lắm”.

Chị Liên lạc mẹ năm 7 tuổi. Đến khi lấy chồng và làm dâu ở Tiền Giang, chị vẫn không nguôi ước mơ tìm lại được gia đình. Nhờ ba chồng động viên, chị đã tìm đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhờ giúp đỡ. “Em mang máng nhớ quê mình ở làng Sông Thượng. Với thông tin mơ hồ đó, các anh trong đội tìm kiếm phải dò tìm ở rất nhiều vùng Cam Ranh, Khánh Hòa, Phú Yên… mà không thấy. Không nản chí, các anh dò tiếp đến những địa danh có tên gần giống với sông Thượng là xã Xuân Thiên Thượng, Huế và cuối cùng đã tìm thấy gia đình cho em”, chị kể.

SONY DSC

Chị Liên hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình

Suốt bữa ăn, chị Liên luôn tay gắp những miếng thịt vịt ngon nhất cho ba chồng và tôi. Cuối bữa, chị lôi ra cả rổ ổi vườn, bảo: “Ổi vườn rất ngon. Em đã dặn mua từ hôm qua để dành cho chị đây”.

Sự niềm nở, chân chất của chị khiến tôi cảm động, thấy yêu nghề hơn, thấy mình cần phải đi nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn… Tôi biết cuộc sống này còn rất nhiều người cần đến tiếng nói và cây bút của anh em làng báo chúng tôi.

ƯỚC NGUYỆN CỦA NHÚM XƯƠNG GẦY LẤP LÁNH

Hai năm trước, giữa những ngày hè bỏng rát, chúng tôi tìm về xóm 1, thôn An Nhân Tây, trị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, để gặp chị Nguyễn Thị Nga. 10 năm bị căn bệnh u tủy sống hành hạ, chị Nga chỉ còn là một “nhúm xương gầy” nặng chưa đến 20kg. Tuy vậy, chị vẫn có một nguyện ước thật đẹp, đó là hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương sau khi qua đời.

Sau khi bài viết Để lại đôi mắt cho đời đăng trên tạp chí Tiếp Thị Gia Đình, số 44–2013 (phát hành ngày 4–11–2013), rất nhiều tấm lòng hảo tâm từ TP. HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng… đã gọi điện động viên, ủng hộ gia đình chị tiền mặt, chăn và gối sưởi. Một phòng khám gần nhà đã nhận lời giúp bà Dụ, mẹ chị Nga, đặt ống thông tiểu cho con gái.

Thương con dù lạnh đến tê tái cũng không thể đắp được một chiếc chăn mỏng vì toàn thân đau đớn, bà Dụ đã dồn tất cả tiền ủng hộ được 16 triệu đồng mua một chiếc máy điều hòa tốt.

Anh Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Tứ Kỳ, đã cầm bài báo đó đến gặp các doanh nghiệp trên địa bàn xin họ chung tay đóng góp xây tặng chị Nga một căn nhà tình nghĩa.

20150512_chuyenbc_cNg

Bà Dụ nghẹn ngào nói chưa có mùa đông năm nào nhà bà lại ấm áp như mùa đông năm 2013 đó: “Tình yêu thương của mọi người đã sưởi ấm cho Nga, cho gia đình chúng tôi. Mừng nhất là Nga nhà chúng tôi không phải chịu cảnh rét mướt, cô độc nữa rồi cô ạ. Với căn nhà mới này, Nga ở được ngày nào hay ngày đó, sau này Nga ra đi thì tôi lấy đó làm phòng thờ con”.

Ở nhà mới được gần hai tháng, chị Nga trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mẹ. Bà Dụ nức nở gọi điện cho chúng tôi, báo tin con gái đã bỏ bà mà đi. Điều an ủi bà khi đó là cho đến những ngày tháng cuối cùng chiến đấu với bệnh tật, con gái bà đã được cộng đồng chung tay sưởi ấm và ước nguyện hiến giác mạc có thể thực hiện.

Bà luôn nhớ lời con gái: “Con hiến giác mạc để ai đó bị mù có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời. Và nếu họ thường xuyên đến thăm mẹ thì cũng coi như là con đang ở bên và nhìn thấy mẹ”.

Hiện cuộc sống gia đình bà đã được tô thêm những gam màu sáng. Bà Dụ có thể làm đủ việc, từ cấy lúa cho đến trông trẻ. Chồng bà được nhận làm bảo vệ tại trường mầm non gần nhà. Họ đã chủ động nhường suất hộ nghèo cho một gia đình khác khó khăn hơn.

MẸ ĐÃ AN LÒNG

“Người mẹ già như tôi giờ có chết cũng an lòng”. Đó là câu nói của bà Trần Thị Hiển, ngụ xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, khi gặp lại cô phóng viên đã đưa bà lên báo.

Tôi còn nhớ hình ảnh anh Sửu dắt mẹ trên chiếc xe đạp cà tàng trong buổi chiều lạnh, trên con đường đất đỏ bùn lầy. Bà lão ngoài chín mươi, mắt mờ, chân yếu, không còn đi bộ được nữa. Anh con trai hơn 50 tuổi, còn sức nhưng bị thiểu năng. Tôi hỏi họ đi đâu. Bà Hiển đáp: “Hai mẹ con ra chợ mua nếp về làm bánh bán. Thằng Sửu đi được nhưng ra tới chợ thì quên hết nên tôi phải đi. Mỗi ngày tôi gói hai ký nếp, nếu may mắn bán hết thì kiếm được 30 nghìn, đủ để hai mẹ con mua gạo, đồ ăn không có cũng được”.

Song, nỗi lo thường trực trong lòng bà không phải là kiếm đủ ba chục nghìn mỗi ngày mà là cuộc sống của con sau này. Mỗi lần nói về ngày mai, anh Sửu luôn bảo: “Má chết, con sẽ chết theo”. Nghe con nói, bà Hiển nuốt nước mắt vào lòng, gõ đầu con: “Cái thằng, khùng hết biết”. Bà mẹ già chỉ mơ ước, sau khi mình chết đi sẽ có người cưu mang con trai. Sau khi bài viết về hoàn cảnh của mẹ con bà Trần Thị Hiển đăng trên Tiếp Thị Gia Đình số ra ngày 25–3–2013, nhiều tấm lòng hảo tâm đã tìm đến với họ.

20150612_chuyenbc_b

Bà Hiển giờ đã có thể yên lòng về anh Sửu

Bà Hiển cho biết: “Tôi như sống giữa một giấc mơ. Chưa nói đến số tiền mẹ con tôi nhận được mà sự quan tâm của nhiều người đã khiến tôi rơi nước mắt”.

Tiền người ta cho, bà không dám tiêu xài một đồng, tất cả để dành cho cho đứa con tội nghiệp.

Hai mẹ con vẫn ngày ngày đi bán bánh. Bà Hiển ra đi trong bình an năm 2014, anh Sửu được một người bà con đón về nuôi, đúng như ước nguyện của bà mẹ già.


GÓP LỜI VỚI BÁO CHÍ

SONY DSCANH NGUYỄN TRỌNG QUANG, HÀ NỘI: XIN ĐỪNG GIẬT TÍT CÂU KHÁCH

Đi làm cả ngày, cứ rảnh là tôi tranh thủ đọc báo mạng để cập nhật tin tức. Nhưng tôi thấy chất lượng tin tức của báo mạng ngày càng thảm hại, chẳng thấy phân tích thuyết phục, chỉ thấy toàn những tít giật gân để câu khách truy cập vào trang của mình. Tôi đã thuộc đến dị ứng với những từ như “rùng rợn”, “cực độc”, “hot nhất”, “hãi hùng”, “bi hài”, “phát sốt”… Nhiều tin nhảm nhí đến nỗi đọc xong tôi muốn… chửi thề. Bây giờ, cứ thấy những tít giật gân là tôi lướt qua, chẳng muốn tin vào những thông tin trong bài nữa. Mong rằng báo mạng đừng giật tít câu khách, hãy đầu tư cho những bài viết ý nghĩa, thuyết phục để chúng tôi đọc cảm thấy đã.

KONICA MINOLTA DIGITAL CAMERA

CÔ VŨ THỊ HUY, TP. HCM: BỚT “CƯỚP, GIẾT, HIẾP”, TĂNG THÊM NHỮNG TẤM GƯƠNG TỐT

Cứ bảo vì sao xã hội ngày càng tệ hại. Tôi nghĩ một phần cũng do thông tin trên báo chí, đặc biệt là báo mạng mà ra. Bây giờ, tôi thấy gương người tốt, việc tốt, hiếu thảo rất ít, nhưng mở báo nào ra cũng thấy nhan nhản chuyện tệ nạn được giật tít khiến người khác tò mò. Những tin tức hãi hùng đó đơn thuần chỉ là đưa tin mà không có phân tích, định hướng hay đưa ra bài học gì. Nếu ngày nào cũng thấy, người đọc sẽ cảm thấy những chuyện dã man là bình thường và có thể hành động tương tự mà không suy nghĩ.

Nhờ có báo đài – Mục Câu chuyện & Con người/ Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua