Vui tính, hay đùa, thẳng thật, đó là những điều bạn có thể cảm nhận khi trò chuyện với thầy Lê Quang Diệm. Đó cũng chính là đặc điểm khiến học trò, phụ huynh, đồng nghiệp yêu thương, tin tưởng thầy trong suốt gần 40 năm thầy đứng lớp. Bây giờ, dù thầy đã về hưu nhưng trường Gia Định, TP. HCM, vẫn mời thầy dìu dắt đội tuyển học sinh giỏi. Học sinh vẫn tìm đến nhờ thầy dạy kèm và 1–2 giờ đêm vẫn có học trò lạ hoắc gọi điện: “Thầy ơi, con không tìm ra cách giải bài này. Thầy chỉ giùm con với”.
Thầy Diệm cho rằng, tố chất của nghề nhà giáo bao gồm những điều sau:
NGƯỜI NHẠY CẢM, CÓ TÂM
Đây là đặc điểm đầu tiên trong tố chất của nghề nhà giáo. Trong lớp học, chỉ có 10% học sinh hiểu thấu đáo, số còn lại thường lơ mơ. Nhìn vào ánh mắt học trò, người thầy nhạy cảm sẽ biết em nào chưa hiểu bài và cần thầy giải thích thêm. Bên cạnh đó, học trò rất nhạy cảm. Xem cách dạy và thái độ của thầy, các em sẽ biết bạn thực sự yêu thương chúng hay không. Nếu cảm thấy được yêu thương, chúng sẽ yêu thương và hợp tác với thầy. Ngược lại, chúng sẽ quay lưng.
Giá trị thực của người thầy chính là những điều hay, kiến thức tốt để tương tác với trò, tạo ra hiệu quả giáo dục. Như thế, học trò sẽ cảm được cái tâm của thầy, tin tưởng và tương tác trở lại. Tin rồi thì có khúc mắc gì về bài vở, các em cũng hỏi hết, thậm chí còn “chỉnh đốn” thầy mà không sợ thầy la mắng, để bụng.
THẲNG THẮN
Nhắc đến tố chất của nghề nhà giáo các giáo viên, bạn thường tưởng tượng họ là người điềm đạm và phải thật kiên trì. Song, thầy Diệm bảo: “Bất cứ ai cũng có thể làm nghề giáo, kể cả người nóng nảy. Không ai học xong Sư phạm đã thích ứng được với nghề. Trong quá trình dạy, tiếp xúc với học trò, nhìn vào những đứa trẻ tựa như “suối nguồn tươi trẻ”, người thầy yêu nghề, muốn gắn bó với nghề sẽ biết cách kiểm soát tốt tính cách của mình.
Người nóng nảy có nhược điểm dễ la mắng học trò, khó kiềm chế nhưng bù lại, họ có sự nhiệt huyết, sôi nổi, thẳng thắn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, thích nghi nhanh và có khả năng lôi cuốn người khác. Đó cũng là những tính cách cần có ở người làm nghề gõ đầu trẻ”.
HAM ĐỌC SÁCH
Nghề dạy học tưởng bình thường nhưng hóa ra lại vô cùng nguy hiểm. Khi thầy không trau dồi kiến thức chuyên môn, dạy cho trò kiến thức lạc hậu thì vô cùng tai họa. Nếu thầy không học hỏi kiến thức rộng trong các lĩnh vực khác, tiết dạy sẽ trở nên nhàm chán, không sôi động, không hấp dẫn học trò… Để có kiến thức, thầy cô vẫn phải liên tục đọc sách.
Ở nhà thầy Diệm, ngoài sách tự nhiên, thầy còn đọc cả sách văn học, xã hội để giúp tiết học của mình mềm mại, dễ đi vào lòng người… Thầy chia sẻ: “Nhà tôi có rất nhiều sách, đủ thể loại. Ngoài sách mua, năm nào cũng có cả bao sách mà học trò tốt nghiệp mang đến tặng. Năm nào tôi cũng phải mang bớt sách đã đọc đến cho thư viện trường”.
CÓ SAI CHỊU NHẬN SAI
Nếu bạn không xấu hổ, ngại ngần khi nhận sai về mình, bạn đã sở hữu một ưu thế của nghề giáo. Trong suốt gần 40 năm đứng lớp, thầy Diệm đã nhiều lần nói xin lỗi học sinh. Xin lỗi khi mình đưa kiến thức chưa đúng. Xin lỗi vì trách mắng học trò nhầm.
Theo thầy, nghề giáo không chỉ dạy kiến thức, nhồi nhét hết giáo án mà còn dạy các em cách sống, cách cư xử, làm người. Học trò không thích nghe thầy giáo nói tụi em phải thế này, thế kia. Chúng hấp thu dần dần qua cách ứng xử của chính thầy với mình và những người xung quanh. Nếu người thầy không ngại nhận lỗi, học trò sẽ thoải mái lên tiếng công bằng. Đó là cách rèn luyện tư duy phê phán, kích thích học trò tìm tòi, khơi gợi sự sáng tạo, sắc bén trong tư duy.
KHÔNG HAM LÀM GIÀU
Khi đi dạy học chính đáng, thu nhập của người giáo viên chỉ ở mức đủ sống ổn định. Ngay cả khi đi dạy thêm, cuộc sống của giáo viên cũng chỉ ở mức khá, ít ai có thể làm giàu bằng nghề này. Người giáo viên giàu có hoặc là thật tài năng để có thể mở trường, hoặc là phải làm chuyện gì đó “mánh mung”.
Xác định rõ điều này, bạn sẽ không cảm thấy chán nản, thất vọng khi bước vào nghề. Theo thầy Diệm, ai thích cuộc sống ổn định nên chọn nghề giáo. Ngược lại, ai là người tham vọng, ham quyền lực và tiền bạc, tốt nhất nên chọn nghề khác ngay từ đầu, đừng vào nghề giáo vì sau đó một trong hai chuyện có thể xảy ra:
• Bỏ nghề, phí mấy năm trời ăn học
• Giữ nghề nhưng nảy sinh lòng tham, làm những việc không hợp với lương tâm nghề giáo.
KẾT LUẬN THÚ VỊ VỀ NGHỀ GIÁO
1. Giáo viên là nghề hạnh phúc nhất!
Tờ The Guardian của Anh đã làm 9 cuộc khảo sát để tìm những nghề khiến cho người ta cảm thấy hạnh phúc nhất. Kết quả, các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa thu nhập cao với mức độ hạnh phúc. Điển hình là nghề giáo viên. Mặc dù thu nhập không cao nhưng khảo sát cho thấy đây là nghề khiến người ta hạnh phúc nhất. Điều gì làm cho người giáo viên hạnh phúc? Những người tham gia khảo sát cho biết:
♦ Hạnh phúc vì được tiếp xúc hàng ngày với trẻ em – những thiên thần trong trắng, thông minh, hài hước và muốn làm cho cả thế giới tốt đẹp hơn.
♦ Hạnh phúc vì khi giảng dạy, tôi góp phần làm cho xã hội thay đổi tốt hơn.
♦ Tôi thích cảm giác mình đã làm nên một điều gì đó khác biệt cho các em, thích nhìn thấy các em khám phá ra được tiềm năng của mình…
2. Giáo viên là nghề quan trọng nhất
Giáo sư tâm lý Mỹ Glenn Geher cho biết, giảng dạy là nghề nghiệp quan trọng nhất. Ông phân tích: “Giáo viên có năng lực là người giúp hình thành tư duy và tương lai của nhiều người – bất kể họ là giáo viên mầm non, cấp 1, 2, 3 hay đại học”.
3. Lựa chọn tuyệt vời nếu bạn muốn chuyển nghề
Nếu bạn đã qua 50 tuổi và muốn chuyển nghề, nghề dạy học là một thử thách thú vị và thỏa mãn, có thể cống hiến rất nhiều cho học sinh, trường học. Leo Winkley, hiệu trưởng trường St Peter’s School, Anh, nói: “Giáo viên thường bị đánh giá là người không sống trong thế giới thực. Nếu bạn đến với nghề dạy học muộn sau khi kinh qua các ngành nghề khác, bạn có đầy đủ kinh nghiệm từ cuộc sống thực cần thiết cho học trò và cả các đồng nghiệp của bạn”. Nghề giáo không có giới hạn tuổi tác và bạn có thể đến với nghề vào bất cứ lúc nào.
Bài: THIÊN MINH
Mục Chuyên đề giáo dục / Tiếp Thị Gia Đình