Gặp gỡ họ, những “nội tướng” đáng được phong tặng anh hùng, bạn sẽ thấy gian nan thử thách chỉ làm cho tình vợ chồng thêm son sắt. Các cô, các chị đã nỗ lực vượt qua gian khó và thầm lặng hy sinh cả đời mình cho chồng con.
QUA GIAN KHỔ CÀNG TRÂN TRỌNG NHAU
Tôi tới nhà của cô Thân Thị Cự và chú thương binh Phan Văn Hằng khi cơn mưa chiều vừa ngớt. Cô Cự bị suy giảm sức khỏe trong những năm ở tù. Chú Hằng đã hỏng hoàn toàn mắt phải và trên người vẫn còn ít nhất 7 viên đạn chưa được lấy ra.
Nhớ lại chặng đường đầy gian nan sau khi hòa bình lập lại, mắt cô Cự đỏ hoe: “Sau năm 1975 là thời điểm cực khổ nhất. Lúc đó, ông xã làm việc ở Thủ Đức, mỗi tuần về một lần, được một tối rồi lại đi ngay. Một mình cô vừa lo sinh kế vừa nuôi dạy năm đứa con.
Có lần, con gái đầu bị sốt xuất huyết, phải nhập viện. Cô chạy vào bệnh viện một lúc rồi lại về lo việc nhà. Khi quay lại, cô hoảng hồn vì con đã được vào phòng cấp cứu do bị sốc thuốc. Bác sỹ kê đơn bảo cô đi mua thuốc về tiêm để kịp cứu con. Lúc ấy trong người không có xu nào, cô chạy về phòng vay mượn nhưng không ai cho. Đến khi cô tủi thân bật khóc, tháo đôi bông tai năm phân vàng vốn là quà kỷ niệm để làm tin thì một cô mới thương tình cho vay tiền đi mua thuốc”.
Chú Hằng về hưu năm 1983, cô Cự mới có người san sẻ, đỡ đần. “Chú ấy chẳng ngại bệnh tật, sức khỏe yếu, vẫn phụ cô mưu sinh, nuôi con”, cô kể.
Hồi đó, cứ có lương, chú Hằng lại đạp xe đi lấy trứng vịt lộn về cho cô đẩy xe ra chợ Tân Hương bán. Không biết bao nhiêu lần mắt kém, chú Hằng ngã xe, trứng vỡ hết. Để kiếm gạo nuôi con, cô Cự làm đủ nghề, từ trồng rau, chăn nuôi đến đi giặt túi ni-lông ô nhiễm. Cứ thế, cuộc sống dần ổn định, năm người con lớn khôn rồi lập gia đình.
Cô chia sẻ: “Mỗi người có quan điểm khác nhau về hạnh phúc. Với cô, chỉ cần con cái lớn khôn, hai vợ chồng sống bên nhau đến đầu bạc răng long là đủ rồi. Ngày trước, cô chứng kiến các cặp đôi vừa tuyên bố kết hôn, chưa kịp về chung một nhà thì một nửa đã hy sinh. Đơn vị của cô có 20 người thì mất 15 người và cô là một trong năm người may mắn sống sót. Trải qua những ngày tháng vào sinh ra tử, cùng chung lưng đấu cật xây dựng gia đình, lo lắng cho các con mà tình cảm vợ chồng càng keo sơn gắn bó, biết nhường nhịn, thông cảm, chia sẻ cùng nhau. Có lẽ vì vậy mà các cặp bạn bộ đội như cô ít ai ly hôn, vẫn sống chung thủy đến già bên nhau”.
VỢ CHỒNG LÀ PHẢI HY SINH CHO NHAU
Tôi đến gặp cô Lê Thúy Lộc, vợ của chú thương binh Lê Thanh Song, đúng lúc cô dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà để đi chợ. Cô đã gồng gánh gia đình suốt bao năm nay, nuôi bốn người con ăn học thành tài.
Thời ấy, cô Lộc hoạt động trong hội Việt kiều Campuchia, còn chú Song là bộ đội đóng quân ngay trong nhà cô Lộc. Nên duyên vợ chồng năm 1973, chú Song lại lên đường đi chiến đấu, mấy tháng mới ghé qua nhà một lần.
Cô Lộc tâm sự: “Ngày đó, sinh con xong, cô hầu như không có một ngày nghỉ ngơi, phải lao đi giặt giũ, khai hoang, trồng mía, trồng rau, nuôi gà… Tối đến, khi các con ngủ, cô lại may gia công.
Cô nhớ nhất là hồi mang thai đứa con thứ hai. Do làm quá sức, cô bị sảy thai. Chồng vắng nhà, một mình cô đi nhờ xe gắn máy vào bệnh xá. Bác sỹ đi họp nên cô phải nằm chờ đến tận chiều. Máu ra nhiều, cô đói và mệt lả, may có anh kia chăm vợ ở kế bên cho uống ké nửa ly sữa, cô mới có sức chờ đến khi bác sỹ lấy thai hư ra giùm”.
Đến tận năm 1982, khi con gái út được một tuổi, vợ chồng cô mới chính thức ở chung nhà. Cô vẫn lo làm kinh tế và dạy dỗ bốn đứa con để chồng yên tâm công tác.
“Chú Song bị bom cắt hết phần cơ ở hai bên đùi và bị đạn xuyên qua đỉnh đầu nên sức khỏe không tốt, tính khí hay bốc đồng. Nhiều lúc giận chồng, cô thấy chán nản, đuối sức nhưng nghĩ đến những vết thương chú mang trong mình, cô lại lặng lẽ bỏ đi chỗ khác rồi chủ động làm hòa”, cô kể.
Năm 1987, khi các con đã lớn, có thể phụ mẹ việc nhà, cô Lộc vừa làm vừa học lấy bằng tốt nghiệp cấp hai, cấp ba, Đại học Luật và cả bằng trung cấp tài chính kế toán. Cô bảo: “Cô học để phục vụ công việc, giúp đỡ được bà con xung quanh khi cần, để trí tuệ minh mẫn và quan trọng nữa là làm gương cho các con. Cô muốn các con thấy rằng, dù hoàn cảnh vất vả thế nào, nếu cố gắng hết mình, việc gì cũng có thể làm được”.
Hỏi cô: “Làm vợ bộ đội là phải hy sinh cả đời cô nhỉ?”, cô Lộc cười: “Vợ chồng là hy sinh cho nhau cháu ạ. Lúc chú đi chiến đấu, làm công tác, cô hy sinh. Lúc cô đổ bệnh viêm gan C, tiểu đường, chú lại một lòng giúp vợ, bán cả nhà để cứu vợ qua cơn hiểm nghèo. Vợ chồng nào cũng cần hy sinh cho nhau, chỉ là người thường hy sinh 5, vợ thương binh phải hy sinh 10”.
PHỤ NỮ CÓ THỂ MẠNH MẼ HƠN ĐÀN ÔNG
Không cùng trải qua những năm tháng chiến tranh như vợ chồng cô Lộc nhưng sự đồng cảm, thương yêu đã khiến chị Đào Thị Năm tự nguyện buộc chặt đời mình với anh thương binh Nguyễn Văn Lực.
“15 tuổi, tôi một mình từ Nam Định vào Sài Gòn làm giúp việc cho bà cô, rồi đi làm thuê ở xưởng inox, sau đó mở một cửa hàng inox. Chẳng hiểu vì sao tôi không có ý định lập gia đình dù cũng có không ít người quan tâm, hỏi han. Thế rồi qua người quen, tôi gặp anh Lực. Thấy anh thương binh đi chiếc chân giả, gương mặt hiền khô, tính tình thật thà, chất phác, con tim sắt đá của tôi bỗng nhiên rung động, thương cảm. Thấy anh mặc cảm, hay nhốt mình ở trong nhà, tôi rủ anh ra phụ bán hàng với tôi”, chị Năm nhớ lại buổi đầu họ gặp gỡ.
Chị về làm vợ anh năm 2002 mặc cho nhiều người ngăn cản: “Lấy chồng thương binh thì nhờ được gì?”.
Chị Năm tự hào khoe: “Lúc bụng to kềnh sát ngày sinh, tôi vẫn chạy xe đi lấy hàng, chở anh đi công việc. Khi có hai con, tôi tải cả bốn người trên xe khiến nhiều người nhìn ngao ngán. Nhìn tôi mang khoan, mang thước, leo lên cao để lắp đồ gia dụng theo yêu cầu của các gia đình, có người còn tưởng tôi là đàn ông. Vì chồng con, việc gì tôi cũng làm. Có lẽ bản năng phụ nữ là chỉ biết bảo vệ cho người mình thương yêu”.
Mạnh mẽ bươn chải nhưng khi về nhà, chị Năm vẫn làm tròn vai trò một người vợ. Chị tất bật nấu ăn, giặt giũ, lấy giùm anh ly nước, bóp chân cho anh những lúc anh bị đau buốt do thời tiết thay đổi.
“Tính tôi thẳng thắn, lạc quan lắm. Tôi chẳng biết buồn đâu. Giận thì có giận nhưng 5 phút sau hết liền. Tôi cũng không có thói quen lên mặt, ra dáng trụ cột với chồng. Mọi thứ có được, tôi đều để anh đứng tên, từ cửa hàng đến ngôi nhà đang ở. Tôi muốn anh tự tin, cảm thấy mình vẫn là trụ cột của gia đình”, chị bộc bạch.
Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình