Những người mẹ đáng được tôn vinh

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Dù ở thời đại nào, người mẹ vẫn như thân cò lặn lội, sẵn sàng làm tất cả để mang lại cho con những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời

Đằng sau tấm huy chương vàng cậu học sinh đạt được trong kỳ thi quốc tế là mồ hôi nước mắt của bà mẹ nghèo làm nghề phụ hồ. Con mắc chứng tự kỷ có thể hòa nhập với cuộc sống nhờ có mẹ chấp nhận nghỉ việc chăm con. Thậm chí, đằng đẵng bao nhiêu năm sống lây lất trong bệnh viện để giúp con giành lại sự sống cũng là chuyện nhỏ đối với nhiều bà mẹ.

NHỌC NHẰN NUÔI ƯỚC MƠ CON

“Dì biết tin gì chưa? Hoàn đoạt huy chương vàng rồi đấy!”. Nghe tin đứa cháu báo qua điện thoại, chị Nguyễn Thị Thảnh bủn rủn hết chân tay. Vợ chồng chị bỏ dở bữa cơm tối, lật đật chạy ra điểm dịch vụ Internet gần công trường anh chị đang làm để đọc báo mạng. Mấy ngày sau, tin Nguyễn Thế Hoàn giành huy chương vàng được chính thức công bố, vợ chồng chị Thảnh mừng trào nước mắt.

Đi thi quốc tế mà trong va-li của Hoàn chỉ có vài ba bộ quần áo. Trò chuyện với chúng tôi, ký ức của người mẹ nghèo đong đầy hình ảnh cậu con trai gầy gò đạp xe cà tàng đi học mỗi ngày hơn chục cây số. Khi Hoàn học cấp hai, các bạn trong lớp thường ở lại trường và ăn cơm quán, riêng em vẫn lóc cóc đạp xe về nhà ăn trưa.

“Tôi hỏi lý do tại sao cháu không ở lại trường ăn cơm cùng các bạn, cháu trả lời hồn nhiên rằng 12.000 đồng mẹ có thể mua thức ăn cho hai anh em con ăn cả ngày, nếu mình con ăn hết một bữa 12.000 đồng thì lãng phí”, chị Thảnh nhớ lại.

Học hết lớp 9, Hoàn thi đỗ cả ba trường chuyên danh tiếng: THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT chuyên Thái Bình.

Chị Thảnh tâm sự: “Khi cháu nói sẽ lên Hà Nội, chúng tôi rất lo. Cháu quả quyết nếu không theo kịp các bạn thì sau một năm, cháu sẽ về Thái Bình học. Thấy được ước mơ của con, chúng tôi đã quyết định lên Hà Nội mưu sinh nuôi con ăn học”.

20151303_tieudiem_NguyenThHoan

Nguyễn Thế Hoàn và gia đình trong ngày em nhận giải quốc tế

Dù đã quen xốc vác làm đồng áng nhưng những ngày mới lên Hà Nội, đã có lúc chị Thảnh cảm giác mình bị kiệt sức vì công việc phụ vữa nặng nhọc cộng với trời tháng Năm nóng như đổ lửa. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng chị không thuê nhà trọ mà công trình đi đến đâu thì dựng lán trại ở đó. Chồng làm thợ xây, vợ làm phụ hồ, mỗi tháng họ kiếm được 6–7 triệu đồng để nuôi Hoàn và cậu em út đang học trường chuyên ở quê.

Những ngày này, Hoàn đang ra sức luyện tiếng Anh và chuẩn bị cho kỳ thi Olympic toán quốc tế 2015. “Dự định của em là kiếm học bổng toàn phần đi du học Mỹ cho thỏa niềm đam mê với toán học và cũng để bố mẹ vơi bớt nỗi lo”, Hoàn chia sẻ.

MÃI LÀ CHỖ DỰA CHO CON

Buổi ký tặng quyển sách đầu tay Con đến như một phép màu của nhà văn trẻ Lê Hữu Nam diễn ra đông vui với sự góp mặt của nhiều văn nhân, bạn đọc. Ngồi lặng lẽ một góc, chị Nguyễn Thị Minh, mẹ của Nam, luôn dõi theo cậu con trai cả vóc dáng nhỏ như học sinh cấp hai với nụ cười ấm áp.

“Nó sống được tới lúc này đã là một phép màu. Tôi không bao giờ tưởng tượng được tới lúc con mình trở thành nhà văn, nhà báo và được xuất bản sách”, chị Minh không giấu được vẻ hạnh phúc.

19 tuổi, chị Nguyễn Thị Minh lấy chồng. 25 tuổi, chị theo chồng lên Đà Lạt lập nghiệp và hân hoan đón đứa con đầu lòng ra đời. Vui chưa được bao lâu, chị lo thắt lòng khi thằng bé thường có biểu hiện khó thở, mặt tím tái. Chị bế con đi đến các bệnh viện, phòng khám lớn, nhỏ, chẳng ai xác định được thằng bé mắc bệnh gì, chỉ lờ mờ phỏng đoán là bệnh tim, chị Minh chỉ biết khóc thầm mỗi khi con khó thở. Nhiều đêm chị thức trắng, ôm cho Nam ngủ ngồi vì đặt nằm xuống là cậu không thở được.

 

Một người mẹ biết yêu thương con đúng mực sẽ tạo cơ hội cho con phát triển toàn diện và trưởng thành

 

Năm 1991, Viện Tim được thành lập. Vợ chồng chị thu xếp đưa con xuống Sài Gòn khám, kết quả là sổ bệnh án dày đặc: triệu chứng tâm thất độc nhất (tim không có vách ngăn), dư ống động mạch, tăng áp lực động mạch phổi… Lê Hữu Nam nhanh chóng được phẫu thuật nhưng thất bại. Em không thể vui chơi như chúng bạn và không được quá xúc động. Cách giải trí duy nhất của Nam chỉ là học, đọc sách.

Nam trầy trật học tới lớp 5 thì bệnh trở nặng, tim suy loại 3, bầu không khí loãng xứ Đà Lạt không đủ ô-xy cho Nam thở. Chị Minh chọn giải pháp đưa con xuống TP. HCM sinh sống và chữa bệnh. Cậu con trai nhỏ và vườn tược, nhà cửa, chị trao phó hết cho chồng.

Tuổi thơ của Lê Hữu Nam là khoa Tim, Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tiền thuốc thang, tiền chạy chữa cho Nam đều do các bác sỹ hỗ trợ. Gần 10 năm chạy chữa cho con là từng ấy năm chị Minh “tạm cư” ở gầm giường bệnh viện.

Suốt thời gian Nam nằm điều trị ở bệnh viện, chị Minh chỉ ăn cơm từ thiện với củ cải và đậu phụ. Để có chút tiền dành dụm phòng khi phải mua thuốc đắt ngoài danh mục cho con, chị nảy ra ý nấu nước sôi (bằng bếp lò dầu) và bán cho các bệnh nhân, mỗi phích nước giá 1.000 đồng. Không ít lần, chị cắn răng chịu cảnh nhiếc móc của người bán cạnh tranh và lẩn tránh khi lực lượng bảo vệ đi kiểm tra. Thỉnh thoảng, người mẹ quê ấy lại nhín ra chút tiền và đi bộ mấy cây số để mua sách cho cậu con ham học của mình.

20151303_tieudiem_LeHuuNam

Lê Hữu Nam và mẹ trong buổi ký tặng sách

“Dường như mẹ tôi chưa bao giờ có giấc ngủ trọn vẹn. Những đêm bệnh trở nặng, tôi không thở được, tưởng đã chết, mẹ luôn ở bên tôi, chụp ô-xy cho tôi thở, lấy thuốc cho tôi uống, thao tác thuần thục chẳng thua gì hộ lý”, Nam chia sẻ.

Bệnh tình của Nam không thể điều trị hoàn toàn, nhưng nhờ sự tiến bộ của y học và tình thương của mẹ, Nam có thể duy trì cuộc sống và tự học tập để trở thành nhà báo, nhà văn.

Lê Hữu Nam đang có kế hoạch viết sách kể về những vất vả nhọc nhằn của mẹ trong hành trình giành giật con khỏi tay thần chết. Nam xúc động: “Mẹ đã tái sinh ra tôi không biết bao nhiêu lần. Tôi còn sống, còn thở đến ngày nay là nhờ mẹ san sẻ hơi thở và sức sống của mình”.

 

BƯỚC VÀO “TIỂU THẾ GIỚI” CỦA CON

Cậu bé Nem, tên thật là Hà Đình Chí, năm nay 10 tuổi và đang theo học tại một trường tiểu học công lập ở Hà Nội. “Thật khó khăn khi chúng tôi phát hiện đứa con đầu lòng mình đặt biết bao kỳ vọng lại “đeo án” tự kỷ. Không chỉ vậy, Nem còn mắc hội chứng Turner trẻ trai. Những điều đơn giản nhất đối với một đứa trẻ bình thường như ăn, ngủ nghỉ, đi vệ sinh, cắt tóc, đánh răng… đều trở thành trận chiến. Nhu cầu cơ bản là nói, chia sẻ trở thành điều xa xỉ. Tôi đã thất vọng và từng có ý nghĩ tiêu cực rằng nếu con biến mất thì mẹ cũng được giải thoát”, nhật ký của mẹ Nem, chị Nguyễn Lan Phương, ghi lại cảm xúc trong những tháng ngày mà chị gọi là giai đoạn thất vọng nhất.

Từ bỏ công việc yêu thích để dành nhiều thời gian cho con, người mẹ trẻ cố làm sao cho con giống con người ta: học cách ngồi trong lớp, xếp hàng, làm bài tập… Năm Nem lên 6 tuổi, chị Phương cho con đi học bình thường. Hôm tổng duyệt khai giảng, nhìn thấy con biết hướng mắt về phía sân khấu, chị xúc động nghẹn ngào: “Hóa ra con mình cũng biết hướng mắt về nơi phát ra tiếng ồn”.

20151303_tieudiem_Nem

Mẹ con Nem cùng nhau tập yoga, vẽ tranh, đạp xe, học đàn mỗi ngày

Nem tới trường, có tiến bộ nhưng chị Phương phát hiện ra sự phát triển của con là không đồng đều. Cậu bé hầu như không có nhu cầu chia sẻ và chơi với bạn bè, nhưng lại đặc biệt yêu thích những nét vẽ trên tờ giấy trắng. Bố Nem, một kiến trúc sư, đã khơi gợi được niềm yêu thích của con. Chẳng hạn, anh vẽ quả táo, cái núm và một cái lá, Nem sẽ vẽ thêm một chiếc lá. Sau này, bố vẽ viên thuốc, cốc nước, kim tiêm, còn Nem vẽ thêm bác sỹ, ống nghe. Bố vẽ cửa sổ thì Nem vẽ thêm mặt trăng bên ngoài cửa sổ…

Vẽ như một chiếc cọc cho cuộc đời Nem bám trụ vào. Nhờ các nét vẽ, chị Phương hiểu được những gì con đang suy nghĩ mà không thể thốt ra tròn vành rõ chữ. “Nem cho tôi niềm tin ai sinh ra cũng có một sứ mệnh nào đó, không phải sinh ra là để vô nghĩa, thành gánh nặng cho gia đình, để mọi người nhìn thấy mà quay mặt đi. Qua lăng kính của Nem, thế giới xung quanh thật lộn xộn, bất an nhưng cũng đầy màu sắc và ngẫu hứng”, chị Phương bộc bạch.

Tích cóp những bức tranh quý giá đó, vào tháng 5–2014, chị Phương đã mạnh dạn tổ chức triển lãm Câu chuyện của Nem tại trung tâm Kai Art, Hà Nội. Mẹ Nem hy vọng có thể truyền cảm hứng cho nhiều phụ huynh thêm tích cực, lạc quan trên con đường chăm sóc giáo dục con tự kỷ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm kết nối với con, bước vào “tiểu thế giới” của con và đưa con hòa nhập cùng thế giới rộng lớn.

Theo chị Phương, cách hữu hiệu để trị liệu hội chứng tự kỷ không chỉ là can thiệp lên con mà còn phải can thiệp lên những người xung quanh để mọi người hiểu và giúp đỡ con. Chị tâm niệm: “Mỗi trẻ em là một hạt giống chứa đựng tiềm năng, được nảy nở nhờ tình thương yêu. Câu hỏi đặt ra là điều kiện nào để những hạt giống được nảy mầm xanh tươi?”.

20151303_tieudiem_minhhoaVAI TRÒ NGƯỜI MẸ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG
Ý kiến của thạc sỹ tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Phòng khám nhi đồng thành phố – TP. HCM): Người bố thường giáo dục, chăm sóc con một cách khoáng đạt. Trong khi đó, mẹ lại là người thấu hiểu, theo sát mọi nhu cầu hàng ngày của con. Mẹ có thể biết tất cả mọi điều con cần hỏi, bởi mẹ quan sát và thấy được nhu cầu đó. Mẹ cũng là người đầu tiên nhận ra sự thay đổi của con cho dù nhỏ nhất và cũng là người điều chỉnh, thích nghi với sự thay đổi đó. Nếu người mẹ suy nghĩ tiêu cực thì đứa con cũng trở nên nhút nhát. Những ca tư vấn tâm lý mà tôi từng tiếp nhận hầu hết đều xuất phát từ cách giáo dục “có vấn đề” của người mẹ. Có người mẹ nuông chiều con đến mức cơm bưng nước rót, đứa trẻ biến thành “ông vua con” trong nhà, nhưng thực chất con đã bị tước đi quyền làm chủ bản thân, sống phụ thuộc và nhút nhát. Có người mẹ quá thờ ơ khiến con có cảm giác bị bỏ rơi.

Nếu người mẹ có sức khỏe tinh thần tốt, luôn khuyến khích con, thổi vào con sự lạc quan và chăm sóc, giáo dục con dựa trên nền tảng tôn trọng thì con sẽ cảm thấy tự tin, biết mình được làm gì, thay vì phải làm và phát triển độc lập.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua