Việc tập thể dục hàng ngày có thể giúp bạn khỏe mạnh, giữ vóc dáng cân đối. Thế nhưng, nếu đột nhiên bị cảm lạnh, cảm cúm với các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi liên tục, bạn có nên tiếp tục tập hay ngừng lại?
Thực tế, một số bài tập có thể giúp tình trạng bệnh của bạn tốt hơn, nhưng một số khác lại không tốt khi duy trì tập luyện. Vậy, việc tập thể dục khi bệnh như thế nào sẽ giúp bạn vượt qua cơn cảm lạnh nhanh chóng và tránh làm bệnh nặng thêm?
MÔN THỂ THAO KHÔNG NÊN TẬP LUYỆN KHI BỊ BỆNH
Chạy bền: Bạn không nên tập luyện môn này khi mệt mỏi do cảm lạnh. Tập thể dục thường xuyên sẽ kích thích hệ miễn dịch và giúp bạn khỏe mạnh, nhưng các bài tập với cường độ cao có thể gây phản tác dụng. Một nghiên cứu trên tạp chí Khoa học Ứng dụng 2007 cho biết, chức năng miễn dịch có thể bị tổn hại đến 24 giờ sau khi tập thể dục kéo dài (trong 1,5 giờ hoặc lâu hơn).
Tập gym: Nếu đến phòng gym để tập, bạn sẽ tiếp xúc gần với những người khác khiến họ bị lây bệnh. Virus gây bệnh còn lan truyền trên máy tập. Do đó, tốt nhất, bạn không nên tập luyện khi bị bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, da…
Hoạt động ngoài trời lạnh: Tập luyện trong thời tiết lạnh có thể gây bất lợi cho một số người đang chiến đấu với cảm lạnh. Không khí lạnh, khô có thể gây kích ứng hoặc hạn chế đường hô hấp gây chảy nước mũi, ho hoặc các triệu chứng như hen suyễn.
Bơi lội: Bơi lội có thể giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn và có thể làm thông đường hô hấp. Tuy nhiên, có một số người có thể khó thở do bị nghẹt mũi hoặc bị kích thích do nước clo.
MÔN THỂ THAO NÊN TẬP LUYỆN KHI BỊ BỆNH
Đi bộ: Khi bị bệnh, việc đi bộ 20 phút có thể giúp cải thiện triệu chứng cảm lạnh. Nếu các xoang bị nghẹt, đi bộ sẽ kích thích bạn hít thở sâu và có thể giúp mũi thông. Tuy nhiên, nếu thấy đi bộ khiến bạn mệt hơn thì hãy dừng lại.
Yoga: Cơ thể tiết ra hormone căng thẳng cortisol khi bị nhiễm virus cảm cúm thông thường. Nghiên cứu cho thấy bài tập giúp giảm căng thẳng như yoga và tập thở có thể tăng cường khả năng miễn dịch. Theo nghiên cứu của Thụy Điển, nói “um… um…” khi tập là cách hay để thông xoang mũi bị nghẹt.
Nhảy với nhạc: Nhảy zumba hoặc nhúng nhảy theo giai điệu mà bạn yêu thích có thể giúp giảm căng thẳng và cơ thể có nhiều kháng thể chống lại cảm cúm.
THUỐC VÀ SỨC KHỎE
Thuốc chống dị ứng
Bạn có thể dùng một trong các thuốc sau: Clarityne, Zyrtec, Deslornine, Aerius, Telfast.
• Cách uống: Uống 1 viên/ ngày. Các triệu chứng sẽ giảm sau 30 phút và hết sau 2 giờ, tác dụng kéo dài cả ngày nên không cần uống 2 viên một ngày vì như vậy cũng không làm tăng công dụng của thuốc.
• Tác dụng phụ: Thuốc gây buồn ngủ và giảm tính linh hoạt của thần kinh. Vì vậy, tốt nhất nên uống chè hoặc cà-phê trước 30 phút uống thuốc và uống với nước lọc.
• Thận trọng: Người bị tăng huyết áp và bệnh tim mạch cần thận trọng vì thuốc tương tác với một số thuốc tim mạch gây biến chứng cho tim của bạn.
Hắt hơi, sổ mũi có thể do dị ứng
Đôi khi, người có các triệu chứng như hắt hơi, nhức đầu, nghẹt mũi không phải do cảm lạnh mà là do dị ứng. Nếu có những triệu chứng trên cùng một thời điểm mỗi năm, bạn có thể đến bác sỹ kiểm tra xem có phải mình bị dị ứng không.
Nếu bị dị ứng phấn hoa, các triệu chứng này sẽ xuất hiện khi tập thể dục ngoài trời vào mùa xuân và thu. Trong khi dị ứng với bụi, nấm mốc hoặc chất tẩy rửa, các triệu chứng sẽ xuất hiện khi tập thể dục trong phòng kín. Nếu có thể tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng, việc dùng thuốc kháng histamine sẽ giúp bạn khỏe mạnh lại.
Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình