Những lưu ý khi cho trẻ đi bơi bố mẹ cần nắm chắc

Con trẻ sắp đi học bơi và bạn cần làm gì để bé tuyệt đối an toàn khi xuống nước? Trước hết hãy nắm chắc những lưu ý khi cho trẻ đi bơi này

nhung luu y khi cho tre di boi bo me can nam chac hinh anh 2

Mới đây, anh Lê Xuân Nông (Nghệ An) đưa hai con trai đến bể bơi để học bơi, khi quay lại đón con, anh hoảng hốt phát hiện một trong hai con đã đuối nước tử vong dưới hồ bơi. Cái chết thương tâm tại hồ bơi của con anh Nông không phải là trường hợp đầu tiên trong mùa hè này và không ai đảm bảo sẽ là trường hợp cuối cùng. Song không thể vì sợ nguy hiểm mà bạn không cho con học bơi. Vấn đề đáng báo động chính là bạn cần phải lưu ý khi cho trẻ đi bơi ở điều gì và tiêu chí nào cần được ưu tiên trước nhất để đảm bảo sự an toàn cho con?

CHỌN HỒ BƠI ĐẠT CHUẨN

Từ thông tin bé đuối nước ở Nghệ An một phần là do nước hồ bơi đục, chuyển màu làm cho việc nhận biết và cứu hộ khó khăn, tiến sỹ Nguyễn Thị Mỹ Linh, trưởng bộ môn Bơi lội, Đại học Thể dục Thể thao TP. HCM, chia sẻ về những điều cần lưu ý khi cho trẻ đi bơi: Khi cho con đi học bơi, bạn nên xem nơi đó có giấy chứng nhận hồ bơi đạt chuẩn hay chưa. Giấy chứng nhận này do cơ quan có thẩm quyền cấp (ở TP. HCM là Liên đoàn thể thao dưới nước thành phố).

Các trung tâm thường niêm yết giấy này ở khu vực ghi danh. Trên giấy chứng nhận, bạn lưu ý các tiêu chuẩn về nước, cơ sở vật chất và trình độ cứu hộ. Đồng thời, bạn cần quan sát, nước hồ bơi phải có độ trong tự nhiên, xanh màu trời và có thể nhìn thấu đáy hồ, mùi clo ít. Ngoài ra, hồ bơi đạt chuẩn cần phải có các vật dụng phục vụ cho công tác cứu hộ như phao, sào, phao phân định mực nước.

CHỌN HUẤN LUYỆN VIÊN VÀ ĐỘI NGŨ CỨU HỘ

Một phụ huynh có con bị đuối nước tại một hồ bơi ở TP. HCM cũng đã bức xúc nói: “Tôi không hiểu lúc đó thầy giáo và nhân viên cứu hộ hồ bơi ở đâu”. Thật vậy, huấn luyện viên và đội ngũ cứu hộ là đối tượng bạn cần cân nhắc khi chọn hồ bơi cho con. Huấn luyện viên và đội ngũ cứu hộ cần có tinh thần trách nhiệm, tận tâm và có trình độ chuyên môn cao. Cụ thể như tốt nghiệp đại học thể dục thể thao chuyên ngành bơi, có chứng chỉ cứu đuối hoặc bằng hướng dẫn viên bơi lội.

Các trung tâm, câu lạc bộ thường sẽ niêm yết thông tin về trình độ bơi lội của các huấn luyện viên ở phòng ghi danh để bạn tham khảo. Tiếp theo, bạn cần quan sát, đánh giá trình độ bơi lội, cách giao tiếp với học viên, cách xử lý tình huống… của huấn luyện viên mới quyết định có cho học bơi ở đó hay không. Một cứu hộ viên Câu lạc bộ bơi lội Nhật Quang (Q. 12) chia sẻ, người cứu hộ phải có nhiệm vụ đến trước khi có người vào bơi và ra về sau khi mọi người đã ra về hết. Đặc biệt, thông thường trong một ca trực ở hồ bơi mini (25m x12,5m) phải có ít nhất 4 người cứu hộ. Mọi người chia đứng ở 4 góc hồ, gồm cả quan sát từ trên ghế cao và tuần tra quanh hồ.

Bác sỹ Nguyên Anh (Phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2) lưu ý khi cho trẻ đi bơi

Để tình trạng sức khỏe của trẻ tốt nếu chẳng may bị đuối nước, công tác sơ cứu đầu tiên tại hồ bơi của các cứu hộ viên là quan trọng nhất. Trong khoảng thời gian vàng 5–6 phút, trẻ bị ngạt nước phải được cấp cứu ngay, tránh cho não thiếu ô-xy quá lâu, gây ra những biến chứng nặng nề.

THÔNG TIN THÊM

Tiến sỹ Mỹ Linh cho biết, bạn không nên ỷ lại khi thấy trẻ có thể di chuyển được trong nước mà lơ là. Trẻ chỉ được xem là biết bơi khi có thể đứng, di chuyển trong nước và bơi.

Lưu ý khi cho trẻ đi bơi, bố mẹ và huấn luyện viên phải luôn ở bên cạnh để hướng dẫn trình tự trước khi xuống hồ và tuân thủ quy định của hồ bơi. Trẻ cần khởi động thật kỹ trước khi xuống nước, tuyệt đối không chạy nhảy, đùa giỡn trong khu vực hồ. Thời gian học dưới nước chỉ từ 30–45 phút/lần. Trẻ mới tập bơi chỉ được phép hoạt động ở khu vực có độ sâu trung bình từ 0,3m đến 1,2m.

Phụ huynh cần biết các hướng dẫn về an toàn bơi và hô hấp nhân tạo để có thể xử lý kịp thời khi con gặp sự cố.

Điều tiên quyết là bạn phải luôn túc trực ở hồ bơi và dõi theo con để có thể quan sát và kịp thời hỗ trợ khi con cần giúp đỡ.

Bài: Hân Thái

Mục Mẹ và con / Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua