Những kịch bản lừa đảo cướp giật cần cảnh giác

Một lời đề nghị giúp đỡ, một câu hỏi thăm đường, một sự va chạm ngỡ như vô ý... tất cả đều có thể mở màn cho những kịch bản lừa đảo cướp giật mà chúng ta không ngờ đến

Để phòng tránh cướp giật, mỗi người cần nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân và xử lý tình huống

Các chiêu thức lừa đảo ngày càng táo bạo và có thể diễn ra ngay giữa nơi đông người. Nạn nhân trong các kịch bản lừa đảo cướp giật này đều là phụ nữ chân yếu tay mềm.

ĂN VẠ VỚI KIM TIÊM

Khoảng 1 giờ trưa, đang trên đường về quê, bạn Hà Thanh (mới tốt nghiệp Học viện Báo chí & Tuyên truyền) đã trở thành nạn nhân của một vụ cướp ngày trắng trợn khi đi qua khu vực gần ngã tư Xuân Đỉnh – Phạm Văn Đồng (hướng đi lên Cầu Thăng Long).

Khi ấy, đường Phạm Văn Đồng quá nhiều ô-tô nên Thanh phải đi sát vỉa hè. Gần đến ngã tư đèn đỏ, Thanh đi khá chậm, bất ngờ một người phụ nữ tóc ngắn, da đen, trên người có nhiều nốt nổi mẩn rất đáng sợ lao từ trên vỉa hè xuống, ngã ngay trước bánh xe. Thanh phanh gấp xe lại, lập tức người đàn bà kia lao vào ôm đầu xe rồi nhanh tay rút chìa khóa.

Người đàn bà ấy bắt đầu chửi như tát nước vào mặt Thanh: “Mắt mù đi kiểu gì đấy? Mày thích đâm chết tao à?” rồi gạ gẫm: “Đưa một triệu đây thì trả chìa khóa xe”. “Lúc ấy, tôi không còn đủ một triệu. Bà ta liền giơ cái kim tiêm có ít máu đỏ chìa ra gần tay tôi bảo: “Muốn sida hay mất tiền?”. Tôi vội xin lỗi vì không mang đủ một triệu, thế là bà ấy bắt tôi mở từng ngăn ví lấy hết tiền. May mắn là hôm ấy tôi chỉ mang gần 500.000 đồng. Tôi đưa tiền, bà ấy trả lại chìa khóa rồi chạy vào con ngõ gần đấy lẩn mất. Phải mất một tuần sau tôi mới thôi ám ảnh về việc bị chặn cướp bằng kim tiêm như vậy”, Thanh kể.

Thanh chia sẻ, nếu quay trở lại lúc bị cướp, cô vẫn sẵn sàng đưa hết tiền chứ không mạo hiểm đôi co vì biết đâu kim tiêm kia thực sự chứa máu nhiễm HIV. Thêm nữa, Thanh cũng ngó nghiêng xung quanh, hét thật to để tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng xe ôm, người đợi xe buýt và những người chờ đèn đỏ đều ngó lơ. Sau đó, ông xe ôm gần đó mới nói bà ấy bị sida thật nên không ai dám lại gần, hay cướp phụ nữ đi một mình vào trưa và tối.

ĐÁNH VÀO LÒNG THƯƠNG NGƯỜI

Đang thong dong xe đạp điện đoạn chân cầu vượt Trường Chinh – Giải Phóng, Huyền My (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) thấy một thanh niên da hơi ngăm đen, đầu cua, mặc áo kẻ ca-rô đen trắng đi xe đạp song song với mình. Đi cùng anh thanh niên đó là một bà lão tóc bạc trắng, bà đeo cái bị rách màu nâu, ăn mặc rách rưới. Đến ngã tư, cả hai dừng chờ đèn đỏ. My đứng chờ sát vào vỉa hè. Bỗng nhiên, chiếc xe đạp của anh kia xẹp lốp bẹp dí. Bà cụ lên cơn ho như thể sắp ngã ra. Anh ta dìu bà ngồi lên vỉa hè, sát chỗ My đang đứng rồi mở lời: “Chị làm ơn đèo giúp mẹ em về nhà được không? Chị gái em đang ở nhà đợi, mẹ em vừa từ dưới quê lên chơi. Mà giờ bà đang sốt và ho nhiều quá!”.

Đã từng đọc nhiều lời cảnh báo về các vụ lừa đảo cướp xe, nhưng bộ dạng tội nghiệp của bà lão khiến My động lòng. “Nhà bạn ở đâu? Xe mình không còn nhiều điện nên không đi xa được…”, My ngập ngừng. “Xe chị còn bốn vạch thế kia chắc đủ đấy ạ. Em nhờ chị chở mẹ em về trước, còn em sẽ dắt xe về mai sửa sau, nhà em cũng gần đây mà”, cậu thanh niên ra sức thuyết phục.

Trời tối, mưa bay bay, My quay ra nhìn thấy bà lão ho, mệt như sắp ngất. Cô không nghĩ nhiều nữa, đồng ý chở bà về nhà. Bà lão lên xe, thều thào nói: “Cháu cứ đi đi, bà chỉ cho. Cảm ơn cháu nhiều lắm!”. Đi được một đoạn ngắn, My thấy bà lão rút tay phải ra sau. Cảm giác có gì đó không an toàn, My bèn với cái túi để lên trên đùi. Đi qua mấy cái ngõ rồi mà bà lão vẫn chỉ đường lung tung. My thấy sợ, cô đề nghị bà hoặc nói rõ địa chỉ hoặc là thả bà ở đầu ngõ để bà gọi con gái ra đón. Lúc này, bà lão chợt đổi giọng: “Mày có tin mày không chở sẽ chết ngay ở đây không? Cấm la lên và đi đi! Biết điều đưa hết đồ và xe đây!” rồi dí dao lam vào đùi My. “May sao đến ngã tư, cách đó khoảng một mét có chú xe ôm, tôi đỗ xe đúng chỗ chú xe ôm. Bà lão sợ bị phát hiện liền rút dao lam ra khỏi đùi tôi. Thấy có cơ hội thoát, tôi bèn nhanh chân nhảy phốc xuống, giữ chặt lấy đầu xe và kêu cứu. Bà lão lập tức xuống xe rồi chạy biến vào cái ngõ bé tí”, My nhớ lại.

DÀN CẢNH ĐỂ CƯỚP

Trong một lần dừng xe mua hoa trên đường Nguyễn Trãi, đoạn gần trường Đại học Hà Nội, chị Thu Hà (Q. Hà Đông, Hà Nội) đã trở thành nạn nhân của một màn dàn cảnh và cướp tài sản trong chớp mắt. “Tôi vừa dừng xe mua hoa thì có người phụ nữ đâm sầm vào đuôi xe. Cùng lúc đó, có một người đàn ông nữa tới hỏi mua hàng. Tôi quay lại đằng sau để xem ai đã đâm vào mình. Thế rồi không hiểu họ dùng thủ thuật thôi miên gì khiến tôi tự động đưa ví cho người đàn ông mà không hề hay biết. May mắn là trong ví không có nhiều tiền và giấy tờ quan trọng”, chị Hà cho biết.

Ngày hôm sau, chị Hà quay lại đó dò hỏi, mấy người bán hàng cho biết, họ gặp rất nhiều trường hợp bị dàn cảnh cướp tương tự như vậy: “Có người cẩn thận để ví trong cốp. Vậy mà chị ấy vừa bước xuống chọn hàng, chúng đã ập tới bật cốp xe, lấy toàn bộ tiền lương vừa lĩnh”. Sợ bị trả thù nên những người bán hàng ở đây hầu như đều im lặng khi sự việc diễn ra ngay trước mắt.

XIN ĐỪNG THỜ Ơ

Hầu hết những nạn nhân trong các tình huống trên đều có điểm chung là bị cô lập, gần như không thể kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Ai cũng có cảm giác tìm kiếm một chàng Lục Vân Tiên trong thời hiện đại thật khó.

Anh Ngọc Tuấn, một thầy dạy võ thuật tại TP. HCM, nhận định: “Những cái bẫy cướp giữa đường ngày càng rộ lên phần lớn là do sự thờ ơ, dửng dưng của cộng đồng. Ai cũng muốn sự an toàn cho bản thân mình. Để giải quyết vấn đề này, cần phải quay lại câu chuyện giáo dục ý thức tự bảo vệ bản thân cho tới trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Hệ thống giáo dục của chúng ta thời nay chỉ chú trọng kiến thức, mà rất yếu ở vấn đề thực hành. Các kỹ năng mềm cần thiết như bị bắt cóc thì nên làm thế nào, gặp tình huống dàn cảnh cướp xe thì làm sao… đều bị thiếu hụt. Thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân và cả kỹ năng xử lý tình huống nên đến khi gặp cướp thật, mọi người đều sợ không dám can thiệp. Theo tôi, mọi người nên học và thực hành thường xuyên vài thế võ để tự vệ, tập hít thở sâu hàng ngày, điều đó giúp bản thân thêm tự tin, bình tĩnh và quyết đoán khi xử lý tình huống. Nếu cộng đồng cùng chung tay, mọi thứ sẽ khác. Khởi đi từ mỗi cá nhân, rồi dần dần lan tỏa ra mọi người xung quanh và tạo nên sự bao bọc của cộng đồng. Trong 10 người chứng kiến vụ lừa đảo, cướp giật mà có tới 8 người sẵn sàng giúp đỡ nạn nhân thì tên cướp chắc chắn phải dè chừng, không dám manh động”.

1.001 CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO

???????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????
Các chiêu trò lừa đảo ngày càng muôn hình vạn trạng, từ vờ hỏi đường rồi ép xe xin đểu cho đến dàn cảnh bắt vợ theo trai để đẩy nạn nhân vào thế bị động, hoảng hốt để cướp tài sản.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Trung tâm Tư vấn và phát triển sức khỏe cộng đồng kiêm Giám đốc Học viện Taichi dưỡng sinh và Khoa học tâm thức Việt Nam, phân tích: “Phụ nữ trở thành đối tượng của chúng vì tay lái của chị em thường yếu, tâm lý ngại ngùng, hay động lòng trắc ẩn và thích đeo túi xách, nữ trang khi ra đường. Nếu bị cướp giật, phụ nữ không thể phản xạ nhanh và không mạnh mẽ như nam giới”. Theo ông Dũng, cơ quan an ninh nên đưa ra những kịch bản lừa cụ thể để dư luận biết mà có cách ứng xử phù hợp, đồng thời cung cấp những đường dây nóng của từng địa bàn để nạn nhân và những người xung quanh có thể gọi điện nhờ ứng cứu.

BẠN CÓ THỂ PHÒNG NGỪA CƯỚP GIẬT BẰNG CÁCH

1. Không nên phô trương nữ trang, đeo túi xách chéo, cầm ví trên tay… khi ra đường. Bạn có thể cho túi xách vào cốp xe, đeo ba lô hai quai chắc chắn. Sự hớ hênh sẽ làm bọn cướp chú ý.

20150717-Cau-chuyen-Lua-dao-cuop-giat-2715-03

2. Nên để riêng tiền và giấy tờ ra hai chiếc ví. Chuẩn bị sẵn trong túi một chút tiền có mệnh giá thấp để đổ xăng và mua đồ, như thế bạn không phải mở ví.

20150717-Cau-chuyen-Lua-dao-cuop-giat-2715-06
3. Hãy luôn tập trung, tỉnh táo khi đi đường. Nhiều chị em có thói quen vừa đi đường vừa nhắn tin, gọi điện, ngó nghiêng các cửa hàng thời trang. Điều đó gia tăng nguy cơ bị cướp.

20150717-Cau-chuyen-Lua-dao-cuop-giat-2715-02
4. Hãy hô to: “Tôi bị oan, giúp tôi, chúng dàn cảnh…” khi bị ngã xe, bị dàn cảnh. Khi bạn tỏ ra gan dạ và nói cho mọi người biết đó chỉ là dàn cảnh thì bọn cướp cũng không có đường nào mà dàn cảnh tiếp.

20150717-Cau-chuyen-Lua-dao-cuop-giat-2715-05
5. Nên tham gia một lớp học võ để có kỹ năng phản xạ, tự vệ và có thể giúp đỡ người khác khi cần. Việc tập luyện võ thuật, như môn Aikido, còn giúp bạn rèn luyện khả năng giữ bình tĩnh.

20150717-Cau-chuyen-Lua-dao-cuop-giat-2715-04

Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua