Đã có nhiều trường hợp điện thoại cháy nổ, gây thương tích cho người dùng xảy ra trong thời gian qua. Ngoại trừ khả năng tai nạn bắt nguồn từ lỗi kỹ thuật ở máy không thể lường trước được, vẫn còn nhiều tai nạn do người dùng sử dụng không đúng cách. Kỳ này, TTGĐ đưa ra những hiểm họa từ điện thoại di động, cách sử dụng để bạn có thể phòng tránh.
HỌA TỪ PIN
Không nên thường xuyên sạc pin khi đã sử dụng cạn kiệt hoặc lượng pin còn quá thấp (khoảng 5–10%). Điều này ảnh hưởng đến tuổi thọ pin. Nên sạc ngay khi điện thoại thông báo mức pin yếu, cần cắm sạc (thông thường là 15%). Bạn cũng không nên nghe điện thoại khi pin quá yếu vì lúc này lượng bức xạ tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe. l Thay pin mới ngay khi thấy các biểu hiện: bị phồng, vỏ pin có các vết rạn, nứt, biến dạng, tắt đột ngột… Nên chọn pin chính hãng, không dùng pin trôi nổi. Pin kém chất lượng có lớp vỏ mỏng, dễ bị biến dạng, khi ấy chất lithium bị rò rỉ, tiếp xúc với không khí dẫn đến cháy nổ.
ĐIỆN THOẠI ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE NHƯ THẾ NÀO?
Bức xạ từ điện thoại có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của người dùng. Các nghiên cứu tiến hành tại Đại học Essex (Anh) cho thấy, những người tiếp xúc với điện thoại di động thời gian dài dễ cáu gắt, thiếu niềm tin, lạc lõng, nguy cơ bị căng thẳng cao hơn so với những người không hoặc ít dùng. Bạn nên giữ khoảng cách tối thiểu 20cm với điện thoại di động khi không dùng đến để giảm tiếp xúc với các bức xạ, tránh mang bên người liên tục. Không nên đặt điện thoại ở túi quần, túi áo hoặc gần các bộ phận nhạy cảm của cơ thể, tránh để điện thoại trong cốp xe vì dễ gây cháy nổ.
ĐIỆN THOẠI ĐANG SẠC: QUẢ BOM NỔ CHẬM
Tại Mỹ, mỗi năm có rất nhiều vụ tai nạn cháy nổ do điện thoại di động gây ra. Ủy ban An toàn Sản phẩm cho khách hàng Hoa Kỳ (CPSC) cũng nhận định, ở trạng thái đang sạc, điện thoại di động ví như quả bom nổ chậm.
Các chuyên gia cho rằng hầu hết những sự cố khi sạc điện thoại đến từ dây sạc. Khi dùng sạc không đảm bảo hoặc đầu sạc có vấn đề, điện áp đầu ra sẽ là 220V thay vì 5V như thông thường. Bên cạnh đó, trong khi sạc, điện thoại di động sẽ nóng lên, các vi mạch dễ bị chạm dẫn đến cháy nổ.
Để hạn chế rủi ro, bạn tránh sử dụng thiết bị kém chất lượng. Khi thấy dây sạc, cục sạc có vấn đề (không ăn điện, nóng bất thường, đèn chớp tắt…), bạn nên thay thiết bị khác ngay. Không dùng tay ướt cầm điện thoại khi đang sạc vì có thể gây điện giật.
NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
♣ 1,6 triệu là số vụ tai nạn giao thông xảy ra mỗi năm có liên quan đến việc sử dụng điện thoại lúc lái xe. Nhắn tin khi lái xe là một hiểm họa từ điện thoại di động làm tăng nguy cơ tai nạn lên gấp 6 lần so với say rượu.
♣ 92% các mẫu điện thoại di động khi xét nghiệm đều có chứa vi khuẩn. Trong số đó, 16% mẫu điện thoại di động và tay của bạn có chứa vi khuẩn E. coli.
♣ 70% người Mỹ không biết hoặc phủ nhận họ bị mệt mỏi mắt do các tác động từ điện thoại di động.
Bài: Vương Huy Khôi
Mục Bí quyết − Tiếp Thị Gia Đình