Khi làm dự án dành cho trái tim, các bạn trẻ thường nhận được thắc mắc kiểu như “Rỗi hơi hay sao mà làm việc này?”. Với họ, món quà lớn nhất từ các dự án thiện nguyện là bài học về sống chân thành.
NHỮNG TIẾT HỌC VUI Ở BỆNH VIỆN NHI
Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi chiều thứ Ba, thứ Tư rộn vang tiếng cười với lớp học Hy Vọng. Hơn một năm nay, nơi đây là “đại bản doanh” của Chạm, một nhóm thiện nguyện sinh viên. Họ đến đây với mong muốn đem lại tiếng cười cho các bệnh nhi.
“Có con chim vành khuyên nhỏ. Dáng trông thật ngoan ngoãn quá! Gọi dạ, bảo vâng, lễ phép ngoan nhất nhà…”. Buổi học nhạc hôm đó tìm hiểu về các loài chim. Lê Huyền Thanh (sinh viên năm ba, Đại học Ngoại thương Hà Nội) đã bắt nhịp cho các bé ngân nga bài hát Con chim vành khuyên. Bài hát vừa dứt, Thanh bật máy tính, chiếu một đoạn clip về sự sống của các loài chim. Sau đó, cô trò cùng say sưa với những câu chuyện ngụ ngôn, bức tranh, bài hát quen thuộc về chủ đề. Buổi học diễn ra từ 3 giờ đến 4 giờ 15 phút chiều, nhiều khi cô trò mải miết trò chuyện, vẽ vời, hát hò đến nỗi quên cả giờ về. Kết thúc buổi học, các em nhỏ đều đứng lên nghiêm trang “Cảm ơn chị ạ”.
Những ngày đầu mới bước chân vào Chạm, Thanh thầm nghĩ: “Chỉ ở đây khoảng 6 tháng rồi sẽ tìm cho mình một lối đi khác”. Vậy mà giờ đã hơn một năm, buổi nào không lên lớp được Thanh lại thấy nhớ lớp đến khắc khoải. Các tiết học về hội họa, âm nhạc kèm theo kỹ năng mềm của Chạm thu hút rất nhiều bệnh nhi tham dự. Đến lớp, các bé được cùng các anh chị sinh viên vui chơi, đọc truyện tranh, làm đồ thủ công, múa, hát… Lớp học đặc biệt này xuất phát từ ý tưởng của Lê Minh Huyền, cô sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Mùa hè năm 2013, bố của Huyền phải vào Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để điều trị bệnh. Ngày ngày ra vào viện chăm bố, Huyền không khỏi ám ảnh trước những bệnh nhi da dẻ xanh xao, gương mặt buồn xo và cổ tay chi chít vết tiêm truyền. Huyền nảy ra ý định dành thời gian vào viện chơi cùng các bé và rủ rê được hai cô bạn thân nữa, Chạm thành lập chỉ với ba thành viên.
Mỗi tuần một buổi, họ mang theo đồ chơi, bánh trái tới viện chơi cùng các bệnh nhi. Dù là hoạt động tình nguyện nhưng nhà Chạm cũng có đầy đủ “ban bệ” để vận hành trơn tru: ban chuyên môn (soạn giáo án, lên kế hoạch bài vở), ban truyền thông (phụ trách Fanpage, xây dựng và truyền thông hoạt động), ban đối ngoại (liên hệ với bệnh viện, vận động gây quỹ), ban tổ chức (chăm lo hậu cần, tổ chức sự kiện). Giờ học mỹ thuật, làm thủ công do các bạn sinh viên trường kiến trúc, mỹ thuật đứng lớp. Các bạn sinh viên học viện âm nhạc dạy các bé đàn, hát, múa…
“Ở viện lâu nên các bé rất buồn, căng thẳng, chúng tôi coi những tiết học như một hình thức giúp các bé vui tươi, lạc quan hơn, để vượt qua bệnh tật”, Lan Chi, một thành viên của Chạm, chia sẻ. Một em bé tên Vy, 6 tuổi, mắc bệnh gan và nhút nhát nhất lớp, đã nhờ Chi dạy đàn bài Chú chim nhỏ dễ thương trên đàn organ. Em tập trung học và nhớ bài rất nhanh. Sau đó, Vy níu tay Chi thủ thỉ: “Cảm ơn chị về món quà sinh nhật, chính là bài nhạc chị vừa tặng em đấy”.
Cũng từ lớp học Hy Vọng, em Tùng bị bệnh thận, mặt phù, hay chui xuống gầm bàn và phá phách trong giờ học, đã bộc lộ năng khiếu vẽ rất đẹp. Bé Hưng ở Long Biên (Hà Nội) tính hay cáu gắt đã biết tự làm đồ chơi tặng mẹ. Những nụ cười và sự mong đợi của các bé đã trở thành động lực để Chạm hăng hái hoạt động.
CHUYỆN KỂ CHO BẠN VÀ TÔI
Lê Võ Thùy Dương (hiện đang công tác tại Chương trình Phát triển cá nhân, Đại học FPT), người sáng lập Chuyện Kể đã dành hàng giờ để giải đáp những thắc mắc của phóng viên TTGĐ về dự án.
“Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi hay kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Tôi thích nhất câu chuyện Bánh chưng gio về người mẹ lấy cơm trộn khoai làm bánh cho con. Nhờ câu chuyện, tôi biết rằng có những người nghèo như thế. Bước vào tuổi thiếu niên, tôi thấy mỗi người đều mất mát điều gì đó. Đến khi tôi nghe Quick and Snow, một chương trình phát thanh mà thính giả gửi bài hát kèm lời nhắn cho những người thân yêu, tôi thầm nghĩ nếu những người đó xuất hiện ngay trước mặt tôi, kể tôi nghe họ đã trải qua những gì hay thực hiện được ước mơ ra sao thì thật tuyệt”, Dương chia sẻ.
Dương tin rằng mỗi người đều có ít nhất một câu chuyện cần được lắng nghe. Cụm từ “storytelling”, ngồi quây quần lại và kể chuyện thật của mình, rất quen thuộc với nhiều bạn trẻ ở những đất nước mà cô từng đi qua, nhưng với bạn trẻ Việt thì thật lạ lẫm. Từ suy nghĩ đó, cô đã thành lập nhóm Chuyện Kể vào tháng 1–2014, nhằm khích lệ mọi người kể chuyện của mình.
Nhóm tổ chức buổi gặp hàng tháng tại quán cà-phê theo từng chủ đề khác nhau. Sau một trò chơi để tạo không khí gần gũi, tất cả mọi người ngồi bệt, quây quần thành một vòng tròn, không có khoảng cách giữa người kể và người nghe để các bạn có thể trải lòng. Nhân vật chính sẽ chia sẻ trải nghiệm của họ, có thể hay hoặc không tùy theo quan điểm của từng người nhưng khán giả sẽ chỉ lắng nghe một cách tôn trọng.
“Buổi kể chuyện đầu tiên về chủ đề Chuyến đi xa đầu đời , hôm đó quán càphê mất điện bất ngờ, phải đốt nến khiến cả ba nhân vật và khán giả đều chìm đắm trong không khí rất storytelling”, Dương thích thú nhớ lại.
Hiện Chuyện Kể đã đi qua 7 tập với các chủ đề như Thử thách bản thân, Một vé đi tuổi thơ, Cứ sống rực rỡ đi, Hình xăm … “Mỗi tập đi qua, tôi và mọi người đều có dịp được gặp những người bạn mới, được chạm đến một phần ký ức của họ, được ngồi cạnh nhau trong một căn phòng yên tĩnh, lắng nghe và nhận diện lại chính mình. Kể Chuyện không quá quan trọng kỹ thuật kể, cứ để cảm xúc tự nhiên đi trước, thông tin nối tiếp theo sau. Tôi cho rằng điều đó thật quý giá trong thời điểm cuộc sống diễn ra luôn gấp gáp và con người giao tiếp nhiều với nhau qua mạng, thiếu đi những kết nối thực sự gần gũi”, Dương đúc kết.
SỐNG CHÂN THÀNH ĐỂ GẦN NHAU HƠN
Mới đây, trang Fanpage Humans of Hà Nội đã đăng tải bức ảnh và câu chuyện của một anh bán xôi trên đường phố Hà Nội. Điều đặc biệt nhất trong bức ảnh này chính là sự thú vị trong câu chuyện của anh bán xôi, vẻ hóm hỉnh trong từng câu nói, xuề xòa trong cách bán hàng. Nhiều bạn trẻ gọi anh là “người bán xôi dễ thương nhất Hà Nội”.
Lấy cảm hứng từ Humans of New York, một blog nổi tiếng, Humans of Hà Nội đang dần trở thành một trong những Fanpage ý nghĩa nhất với giới trẻ. Ở đó lưu giữ những câu chuyện giản dị mà bất cứ ai cũng có thể gặp trong cuộc sống đời thường. Đằng sau những tấm ảnh mang đậm hơi thở cuộc sống đó là những ngày tháng lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm của những bạn trẻ 9X.
“Để có được một bức ảnh và không quá 200 chữ nội dung chia sẻ đi kèm, chúng tôi phải học một điều: Sự chân thành”, Trần Quang Tuấn, trưởng dự án Humans of Hà Nội, lý giải: “Cứ nghĩ mà xem, tự nhiên có mấy đứa thanh niên cầm máy ảnh tiến lại gần hỏi: “Điều gì khiến anh/chị hạnh phúc?”, người ta sẽ vô cùng dè chừng. Công việc này không sinh ra lợi nhuận nhưng thỏa mãn được thú vui chụp ảnh và tình cảm chúng tôi dành cho Hà Nội. Cả nhóm mong muốn sẽ lưu giữ lại đây những khoảnh khắc giản dị về cuộc sống, về từng người đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội hoặc chỉ ghé qua mảnh đất này. Chúng tôi ước vọng từng câu chuyện nhỏ sẽ phá bỏ những bức tường vô hình ngăn cách giữa bạn và tôi, giữa bạn và cuộc sống xung quanh mình. Chia sẻ cho chúng tôi câu chuyện của bạn và chúng tôi sẽ mang nó đến với mọi người. Cứ thế chúng ta bước vào thế giới của nhau để sống với nhau chân thành và ấm áp”.
THÔNG TIN THÊM:
Bạn có thể đăng ký tham gia Chuyện Kể tại địa chỉ www.facebook.com/chuyenkevn.
Dự kiến sắp tới, Humans of Hà Nội sẽ thực hiện dự án phát hành cuốn sách ảnh với tựa đề Bước vào thế giới của nhau. Truy cập www. facebook.com/humansofhanoi để xem ảnh và cập nhật thông tin.
Theo Tiếp Thị Gia Đình