Quá trình nội soi đại tràng có thể khiến bệnh nhân đau đớn, khó chịu. Để hạn chế tình trạng này và không phải kiểm tra nhiều lần, bạn cần tuân thủ các lưu ý trước – sau khi nội soi qua sự tư vấn bác sỹ Lê Kim Sang, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Trưng Vương, TP. HCM.
Tiếp Thị Gia Đình: Thưa bác sỹ, khi có vấn đề đường tiêu hóa, tại sao phải nội soi đại tràng mà không là các xét nghiệm khác? Nếu mới nghi ngờ bệnh có cần nội soi?
BS. LÊ KIM SANG: Hiện có nhiều phương pháp để chẩn đoán như siêu âm, chụp CT hoặc MRI nhưng chi phí thường cao và không mang lại kết quả trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa. Trong quá trình nội soi, bác sỹ có thể phát hiện được tổn thương dù rất nhỏ, có khi chỉ vài milimét. Ngoài ra, còn có thể sinh thiết tìm tế bào ung thư.
Một ưu điểm nữa của nội soi là bác sỹ có thể cắt polyp để phòng ngừa ung thư đại tràng. Với trường hợp đang xuất huyết, nội soi giúp cầm máu, hạn chế phẫu thuật. Phương pháp này hiện được áp dụng rộng rãi. Trường hợp nghi ngờ cũng có thể chỉ định nội soi.
Tiếp Thị Gia Đình: Khi có chỉ định nội soi đại tràng, bệnh nhân thường rất lo lắng và không biết chuẩn bị thế nào trước và sau khi nội soi?
BS. LÊ KIM SANG: Ngoài việc nhịn ăn trước sáu giờ (có thể uống một ít nước), bệnh nhân không nên ăn thực phẩm có nhiều chất xơ trước khi nội soi khoảng ba ngày. Hai giờ trước khi uống thuốc làm sạch ruột, chỉ ăn nhẹ và uống thuốc vào khoảng 17 – 21 giờ của ngày trước khi nội soi. Các bước này giúp lòng đại tràng sạch phân, bác sỹ thấy rõ lòng đại tràng nên ít đau hơn. Sau khi nội soi, bệnh nhân có thể về nhà ngay, nhưng cần có người nhà chở về. Nếu cảm giác đau không giảm, bụng căng trướng hoặc đi tiêu tiểu ra máu, bệnh nhân cần quay lại cơ sở y tế để được xử lý sớm nhất.
Tiếp Thị Gia Đình: Bác sỹ vừa nhắc thuốc làm sạch ruột. Xin bác sỹ nói rõ hơn về cách dùng thuốc này và quy trình nội soi là thế nào?
BS. LÊ KIM SANG: Bạn có thể làm lạnh thuốc để dễ uống hoặc uống thuốc chung với nước hoa quả nhưng không được dùng chung với sữa, bia hay rượu. Nếu bị suy tim, suy thận, mang thai, cho con bú, bị tắc ruột, chướng bụng không đi cầu được, bạn nên thông báo với bác sỹ khi được yêu cầu dùng thuốc. Việc nội soi đại tràng sẽ được thực hiện ở vùng hậu môn. Để giảm bớt khó chịu,
bệnh nhân sẽ được dùng thuốc tê tại chỗ cũng như có tác dụng bôi trơn. Bệnh nhân nằm nghiêng bên trái. Nếu khó chịu, chướng bụng hãy thông báo với bác sỹ để được điều chỉnh phù hợp.
Tiếp Thị Gia Đình: Cảm ơn bác sỹ.
Các trường hợp cần nội soi đại tràng
Các đối tượng bệnh cần nội soi đại tràng thường gặp là:
• Xuất huyết tiêu hóa dưới, bệnh lý viêm loét, u đường tiêu hóa dưới.
• Bệnh đường tiêu hóa không tìm ra nguyên nhân khiến bệnh nhân tiêu chảy, đau bụng kéo dài, đa polyp.
• Tiền sử gia đình ung thư đại tràng.
• Viêm loét đại trực tràng, tổn thương hẹp đại tràng, điều trị ung thư đại tràng.
• Sau khi phẫu thuật cắt ruột. Nội soi điều trị được chỉ định khi có các vấn đề cần can thiệp sau:
• Cắt polyp đại tràng qua nội soi.
• Nong các tổn thương hẹp đại tràng, đặt ống thông — stent (do ác tính, do tia xạ, do viêm mạn…).
• Cầm máu một số tổn thương như loạn sản mạch máu, chảy máu từ cuống polyp sau cắt polyp…
• Lấy dị vật đường tiêu hóa dưới.
• Trong trường hợp đã xác định được bệnh như viêm, loét hay u… Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định nội soi đại tràng để lấy mẫu xét nghiệm tìm vi trùng hay ung thư.
Bạn cần biết
Bạn có thể nội soi đại tràng ở một số địa chỉ sau:
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa
Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng: 124 Hải Phòng, Thạch Thang
Bệnh viện Trưng Vương: 266 Lý Thường Kiệt, Q. 10, TP. HCM.
HUỲNH CHÂU
Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình