Với nhiều ngành hàng, COVID-19 là nguyên nhân đưa họ đến bờ vực phá sản. Song điều này lại không đúng với những người kinh doanh kính chống ánh sáng xanh.
Doanh số bán kính chống ánh sáng xanh tăng vọt giữa đại dịch
Đại dịch bùng phát gần như “đóng băng” cả thế giới. Tình trạng phong toả được thiết lập ở bất kì nơi nào có dấu hiệu của virus. Người dân bắt đầu làm quen với khái niệm cách ly cũng như làm việc, học tập tại nhà. Điều này khiến thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử tăng lên đáng kể. Mọi người có nhu cầu mua thêm nhiều kính chống ánh sáng xanh với tâm lý bảo vệ đôi mắt.
Công ty quang học Zenni (Mỹ) cho biết doanh số bán kính chống ánh sáng xanh Blokz đã tăng 60% mỗi năm tính từ 2019. Chỉ riêng trong năm 2020, đã có gần 2 triệu chiếc kính được bán ra.
“Thật bất ngờ khi một thương hiệu đi lên giữa đại dịch. Đột nhiên cháy hàng và thu hút vô vàn sự chú ý”. Giám đốc sáng tạo Hamish Tame của Zennie phát biểu.
360ResearchReports – công ty chuyên nghiên cứu thị trường chia sẻ với tờ The Business Of Fashion: “Thị trường toàn cầu của kính chống ánh sáng xanh sẽ tăng lên 28 triệu USD (khoảng 645 tỉ VNĐ) trong năm 2024. Hơn 19 triệu USD (khoảng 437 tỉ VNĐ) so với năm 2020.”
Quảng cáo về loại kính này thường mô tả chúng giúp người dùng đỡ mỏi mắt ra sao, cải thiện giấc ngủ và phòng tránh các bệnh về mắt tốt đến thế nào.
Kính chống ánh sáng xanh có thực sự hiệu quả?
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu hỏi này.
Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (American Academy of Ophthalmology – AAO) tuyên bố những người dùng máy tính chẳng cần đến kính chống ánh sáng xanh. Đồng thời không khuyến khích đối tượng này dùng bất kì loại kính đặc biệt nào.
Tổ chức cho biết ánh sáng xanh từ thiết bị kỹ thuật số không phải nguyên nhân chính gây mỏi mắt hay các bệnh về mắt. Những vấn đề mà mọi người phàn nàn đơn giản bắt nguồn từ việc họ dùng thiết bị điện tử quá nhiều.
“Các triệu chứng mỏi mắt do thiết bị điện tử có liên quan đến cách chúng ta sử dụng, chứ không phải do ánh sáng xanh phát ra từ chúng” – AAO.
Trường Cao đẳng Nhãn khoa tại Anh Quốc không ủng hộ ý kiến về lợi ích của thấu kính chống ánh sáng xanh. Những bằng chứng khoa học ở thời điểm này cho thấy chúng không giúp cải thiện hiệu suất thị giác, triệu chứng mỏi mắt hay giảm bớt thoái hoá điểm vàng…
Tuy nhiên, vẫn có những chuyên gia tin rằng kính chống ánh sáng xanh có lợi. Vậy nên không ít người được khuyên dùng loại kính này nếu ngồi hơn 6 tiếng đồng hồ trước màn hình máy tính.
Tranh cãi về kính chống ánh sáng xanh
Loại kính giúp ngừa các bệnh về mắt?
Không hẳn. Bởi chúng ta đã tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi các thiết bị kĩ thuật số ra đời. Hầu hết ánh sáng xanh tự nhiên đến từ mặt trời. Ánh sáng xanh nhân tạo với bước sóng ngắn xuất hiện ở máy tính, TV, điện thoại thông minh…
Susan Primo – giáo sư nhãn khoa tại Đại học Emory chỉ ra rằng việc lạm dụng kỹ thiết bị điện tử, chứ không phải ánh sáng xanh, mới là nguyên nhân gây ra vấn đề về mắt. Song có một số bệnh nhân đeo kính ánh sáng xanh chia sẻ rằng họ ít bị mỏi mắt hơn.
“Nếu bạn muốn đeo chúng vì nhận thấy hiệu quả, thì tốt thôi” – Susan nói.
Điều khiến Susan Primo bận tâm là một số hoạt động tiếp thị không phù hợp. Năm 2017, Boots Ltd. – chuỗi cửa hàng ở Anh Quốc bị phạt 40.000 bảng Anh vì quảng cáo gây hiểu lầm. Họ nói rằng ánh sáng xanh từ thiết bị kỹ thuật số gây tổn thương võng mạc. Và kính mắt đặc biệt bán tại Boots Ltd. có thể bảo vệ người dùng. (Trích từ tờ Optometry Today)
Ít nhất kính cũng giúp ngủ ngon hơn?
Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng ánh sáng xanh từ thiết bị LED ngăn cản quá trình sản xuất melatonin. Đây là hormone gây buồn ngủ cho cơ thể .
Những người tham gia đeo kính chống ánh sáng xanh có mức melatonin vào ban đêm tăng 58%. Theo khảo sát thực hiện năm 2017 bởi Đại học Houston. “Có thể cải thiện giấc ngủ và vẫn tiếp tục sử dụng các thiết bị của mình khi đeo kính”. Lisa Ostrin, giáo sư Nhãn khoa tại Đại học cho biết.
Trong khi đó nhóm nghiên cứu từ AAO nhấn mạnh: “Không cần thiết chi tiền cho kính chống ánh sáng xanh để cải thiện giấc ngủ. Chỉ cần giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử vào buổi tối. Hoặc đặt thiết bị ở chế độ ban đêm.”
Hãy để đôi mắt được nghỉ ngơi
Một cách đơn giản và đỡ tốn kém hơn việc sắm một chiếc kính chống ánh sáng xanh. Hãy dành cho đôi mắt một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ và các tổ chức liên quan đến thị lực khác khuyên bạn nên áp dụng quy tắc 20-20-20. Tức là cứ 20 phút, bạn sẽ nhìn vào một vật cách xa ít nhất 20 feet (6m) trong 20 giây.
Tham khảo một số mẹo hữu ích sau:
- Điều chỉnh chỗ ngồi hoặc vị trí máy tính sao cho mắt bạn cách màn hình khoảng 60cm.
- Sử dụng bộ lọc trên màn hình để giảm độ chói.
- Dùng nước mắt nhân tạo khi mắt bị khô.
- Chú ý đến ánh sáng trong phòng nơi bạn làm việc, hãy thử tăng độ tương phản màn hình.
Tiếp Thị Gia Đình