Những điều cần biết về tiêm chủng vắc xin

Thời gian qua xảy ra một số trường hợp trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắc xin khiến nhiều gia đình và phụ huynh lo lắng, nhất là với trường hợp vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Cùng tìm hiểu về hiệu qủa phòng bệnh, nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau khi tiêm

Tiêm chủng đủ và đúng giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nguy hiểm

Vắc xin là gì? Tại sao lại cần tiêm chủng vắc xin?

Vắc xin là một chế phẩm sinh học đặc biệt có khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh.

Vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu qủa nhất hiện nay. Khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể, hạn chế mắc bệnh, khó tử vong hay bị di chứng do bệnh dịch gây ra.

Tiêm chủng giúp bảo vệ sức khỏe của cả người lớn và trẻ em khỏi các bệnh như phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung… Bên cạnh đó, vắc xin còn có tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau.

Phản ứng sau tiêm chủng vắc xin

Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng sức khỏe bất thường sau tiêm chủng, bất thường này có thể liên quan đến tiêm chủng hoặc không.

Về nguyên tắc, tất cả các vắc xin đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực, phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, dù tốt đến đâu cũng không có loại vắc xin có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối 100% như mong muốn bởi vì tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể.

Thông thường, mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc xin, nhất là với trẻ em như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc và tử vong. Đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin.

Nên kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm vắc xin để tránh những phản ứng không mong muốn

Nên kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm vắc xin để tránh những phản ứng không mong muốn

Các nguyên nhân gây tử vong sau tiêm chủng

♦ Do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác: đây là nguyên nhân hay gặp nhất khi tiêm phòng, đặc biệt là ở trẻ em do trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh.

♦ Do phản ứng quá mẫn cảm đối với vắc xin: một số người phản ứng rất mạnh với vắc xin dẫn đến sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.

♦ Do chất lượng vắc xin không đạt yêu cầu: trường hợp vắc xin không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra các tai biến và tử vong hàng loạt với các chùm ca bệnh liên quan mật thiết với cùng một loại và cùng một lô vắc xin. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.

♦ Do sai sót trong tiến hành tiêm chủng: nguyên do chủ yếu là do cán bộ tiêm chủng không đảm bảo quy trình như không tiêm đúng vắc xin, tiêm sai chỉ định, sai liều lượng,… Hầu hết các sai sót này có thể gây biến chứng cho trẻ nhưng khó dẫn đến tử vong, trừ trường hợp tiêm nhầm vắc xin.

♦ Cuối cùng là trẻ tử vong không rõ nguyên nhân: rất nhiều trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng, tiến hành điều tra kỹ lưỡng nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân.

Cervical Cancer Vaccine

Tác hại khi trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn

Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ.

Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng

Vì vậy, để bảo vệ trẻ tránh khỏi các bệnh nguy hiểm, các gia đình hãy đưa con đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua