Những điều cần biết về cơn phát ban ở trẻ

Nếu con bạn xuất hiện các nốt ban hồng hoặc đỏ kèm theo ngứa ngáy, đó chính là biểu hiện của chứng phát ban

Ảnh: Shutterstock

Phát ban là căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Theo thống kê cho thấy, hầu hết các bé đều ít nhất một lần mắc phải phát ban trong đời. Mặc dù bệnh hay gây ngứa ngáy khó chịu, nhưng chúng thường không nguy hiểm đến tính mạng con người. Triệu chứng thường gặp của phát ban là cơ thể xuất hiện những vết mẩn nổi hoặc ban đỏ trên da.

Nốt ban có thể nhỏ bằng đầu đũa và xuất hiện rời rạc, hoặc liên kết lại thành từng mảng lớn. Nếu được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ hoàn toàn biến mất. Bệnh tự khỏi sau 5–7 ngày. Nhưng nếu nhiễm khuẩn, nốt ban có thể để lại vết lở loét và hình thành sẹo. Hầu hết nguyên nhân gây phát ban ở trẻ là do vi-rút lành tính hoặc bị dị ứng.

Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao hơn 39°C kéo dài. Kèm theo đó là các triệu chứng chảy nước mũi, ho và mắt đỏ, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Lúc này, rất có thể trẻ đang mắc bệnh sởi hoặc rubella.

Nguyên nhân gây phát ban

Phát ban thường xảy ra khi trẻ tiếp xúc với một tác nhân nào đó khiến da của trẻ trở nên nhạy cảm hoặc dị ứng. Một số tác nhân thường gặp như:

Nhiễm khuẩn vì sức đề kháng ở trẻ còn yếu. Vi-rút, vi khuẩn, các vật thể lạ dễ dàng xâm nhập qua da hoặc đường hô hấp gây bệnh.

Các thực phẩm như hải sản có vỏ, các loại hạt, sữa và hoa quả cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng.

Do thuốc: một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh và nhóm thuốc giảm đau hạ sốt rất dễ khiến trẻ bị dị ứng phát ban.

Do tiếp xúc với các chất gây dị ứng: phấn hoa, vết cắn của côn trùng, lông động vật, các chất hóa học,…

Do thời tiết: thời tiết thay đổi thất thường hoặc nhiệt độ tăng giảm đột ngột cũng là nguyên nhân khiến da trẻ bị kích ứng.

Cách điều trị phát ban cho trẻ

Loại bỏ chất gây dị ứng: Nếu bé bắt đầu xuất hiện những vết mẩn đỏ trên da, rất có thể vùng da đó đã tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh nêu trên. Vì thế, bạn cần lau người và thay quần áo cho trẻ.

Điều trị cơn ngứa (khi bé không sốt): Cách dễ nhất để mau chóng xoa dịu cơn ngứa ngáy được khá nhiều người sử dụng là cho bé vào bồn nước mát trong 10 phút. Bạn cũng có thể cho thêm yến mạch vào nước. Cách làm này sẽ giảm cơn ngứa hiệu quả. Tuy nhiên, bạn không được dùng các loại sữa tắm tạo bọt. Sau khi ngâm xong, lau khô và thay bằng quần áo rộng rãi cho bé. Nếu xuất hiện phát ban kèm sốt cao, cần cho bé uống thuốc giảm sốt trước.

Hầu hết các loại thuốc trên thị trường đều không có hướng dẫn về liều lượng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Để đảm bảo an toàn và lượng dùng cho bé, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám. Nếu những vết phát ban xuất hiện ở khắp cơ thể, kèm theo ngứa không kiểm soát hoặc sưng quá mức và kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Để ngăn chặn các vết phát ban trở nên tồi tệ hơn, bạn nên:

Tránh để bé gãi hoặc chà xát da. Thay vào đó, bạn nên mặc quần áo rộng và che được vùng da mẩn đỏ.

Không sử dụng xà phòng gây kích ứng trên da. Không dùng nước giặt quần áo có tính tẩy mạnh.

Nếu trẻ nhạy cảm với nhiệt độ thấp, hãy mặc quần áo ấm và tránh tiếp xúc với nước lạnh.

Tránh cho bé hoạt động ngoài trời khi gió lớn hay thời tiết thay đổi.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua