Những điều cần biết về bệnh sỏi gan

Bạn đã biết về sỏi thận, sỏi mật, nhưng đã biết gì về sỏi gan? Nếu không can thiệp sớm, bệnh này sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn

Độc giả Lê Thị Lượm, ở Phan Thiết, gửi thư về TTGĐ hỏi: “Vừa qua, tôi siêu âm, kết quả có sỏi ở gan. Tôi rất lo. Kính mong bác sỹ tư vấn chi tiết về bệnh này”. Sau khi nhận được thư của chị Lượm, TTGĐ đã nhờ thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thế Sơn, Phòng khám Quốc tế Family Medical Practice, tư vấn về bệnh sỏi ở gan.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Sỏi trong gan thường hình thành sau khi đường mật bị viêm nhiễm do giun sán, vi khuẩn từ đường ruột tấn công. Thành phần sỏi là calcium bilirubinate (90%) và cholesterol (10%). Ngày nay, do thay đổi trong chế độ ăn nên tỷ lệ mắc bệnh sỏi gan do cholesterol ngày càng cao. 50% bệnh nhân bị sỏi gan có sỏi trong cả thùy gan trái và thùy gan phải. 50% còn lại số bệnh nhân bị sỏi bên thùy gan trái nhiều gấp 5 lần người bị sỏi bên thùy gan phải.

PHÁT HIỆN BỆNH

Bệnh sỏi gan có thể có triệu chứng hoặc không. Triệu chứng đầu tiên thường gặp là đau dưới hạ sườn phải hoặc thượng vị. Cơn đau âm ỉ hoặc thành cơn và có thể nhầm với đau dạ dày. Có khi sỏi gan gây đau dữ dội, kèm sốt và rét run. Sốt có thể rất cao, kéo dài. Sau đó, xuất hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu do tắc đường mật.

Làm xét nghiệm máu có thể thấy bạch cầu tăng cao, dấu hiệu của nhiễm trùng. Siêu âm có thể phát hiện 90% trường hợp sỏi gan. Ngoài ra, bác sỹ có thể cho chụp CT, MRI, chụp đường mật cản quang xuyên gan qua da hay chụp cản quang tụy mật ngược dòng qua nội soi để phát hiện và đánh giá tình trạng bệnh.

benh soi gan hinh anh 2

SỎI GAN NGUY HIỂM?

Sỏi gan kết hợp với viêm nhiễm đường mật kéo dài làm tổn thương đường mật, gây hẹp, tắc đường mật và ứ mật. Tình trạng này kéo dài làm tổn thương nhu mô gan gây xơ gan. Một biến chứng nữa là nhiễm trùng có thể lan vào máu gây nhiễm trùng huyết, choáng (sốc) nhiễm trùng. Điều trị rất tốn kém và tỷ lệ tử vong cao.

ĐỂ CHỮA TRỊ

Nếu sỏi nhỏ hơn 5mm và không gây biến chứng thì có thể điều trị bảo tồn. Sỏi có thể di chuyển xuống ruột, nhưng tình trạng sỏi cần được kiểm tra thường xuyên, phát hiện sớm viêm nhiễm đường mật, tắc mật để can thiệp kịp thời, tránh biến chứng. Nếu sỏi lớn hơn 5mm sẽ rất khó đi xuống ruột vì đường kính ống mật chủ chỉ khoảng 5mm. Bác sỹ có thể phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi hay nội soi lấy sỏi đường mật ngược dòng, tán sỏi ngoài cơ thể… Tuy nhiên, phẫu thuật không giải quyết nguyên nhân tạo sỏi, nên tái phát cao. Khoảng 50% bệnh nhân tái phát bệnh sỏi gan sau 5 năm.

Phòng sỏi tái phát

Để phòng bị sỏi tái phát sau khi điều trị, bạn cần tránh các nguyên nhân gây nên sỏi:

♣ Tránh nhiễm ký sinh trùng bằng cách uống thuốc xổ lãi định kỳ hai lần/năm hay xuống cân quá nhanh.

♣ Tránh táo bón bằng cách ăn thức ăn có nhiều chất xơ, uống đủ nước, năng vận động, vì táo bón sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn có hại ở đường ruột phát triển, dễ làm viêm đại tràng, viêm túi mật và ống mật, mật dễ lắng đọng thành sỏi.

♣ Để tránh bị sỏi cholesterol, bạn tránh thức ăn có nhiều cholesterol như mỡ, gan, lòng động vật, lòng đỏ trứng gà.

ĐỊA CHỈ KHÁM BỆNH

♣ Hà Nội: Khoa Tiêu hóa – gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng, Phương Mai, Q. Đống Đa.

♣ Đà Nẵng: Khoa Nội tiêu hóa – gan mật, Bệnh viện Đà Nẵng, 124 Hải Phòng, Thạch Thang.

♣ TP. HCM: Phòng khám Family Medical Practice, tầng trệt, Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, Q. 1.

Mục Sức khỏe − Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua