Những điều cần biết nếu chẳng may bạn bị chó dại cắn

Mới đây, một thai phụ bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm phòng nên phát bệnh dại và tử vong. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn cách xử trí khi bị chó cắn

Thai phụ không may bị chó dại cắn dẫn đến tử vong là chị Nguyễn Thị Hà (31 tuổi, ở thị trấn Lang Chánh).

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, tuần trước, con chó của gia đình chị Hà có biểu hiện bất thường, đuổi cắn nhiều người bị thương. Dù cũng bị chó cắn nhưng chị Hà chỉ nghĩ rằng con có dữ vì mới đẻ nên không cho đi tiêm phòng dại. Đến ngày 21−3, chị Hà có biểu hiện co giật, mất kiểm soát, được người thân đưa đi cấp cứu nhưng chị đã tử vong. Chó dại sau đó đã được người dân trong khu phố tiêu hủy.

Sáu nạn nhân còn lại sau khi bị chó dại cắn đã đến Trung tâm Y tế huyện tiêm phòng, nay vết thương lành, sức khỏe ổn định.

Ngay khi nhận được thông tin chó dại cắn nhiều người, Chi cục Thú Y Thanh Hóa đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp về địa bàn kiểm tra, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Cơ quan chức năng cho biết, nhiều năm qua việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn huyện Lang Chánh đạt rất thấp, không đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

CÁCH XỬ TRÍ KHI BỊ CHÓ DẠI CẮN

bi cho dai can hinh anh 2

♣ Nếu chẳng may bị chó dại cắn, bạn hãy xử lý vết thương ngay lập tức bằng cách rửa vết thương bằng xà phòng (chú ý không nên chà xát vết thương quá mạnh), hoặc bạn có thể rửa vết thương bằng nước muối đậm đặc, dung dịch sát khuẩn như cồn…

♣ Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10−15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương bạn không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này bạn nên đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút, nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên nữa lên trên. Không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn. Hãy chờ cho đến khi máu ngừng chảy thì băng lại vết thương.

♣ Nếu vết thương sâu và máu chảy nhiều, bạn dùng dây thun để garô xung quanh vết thương, sau đó cần đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

NHỮNG LƯU Ý KHI TIÊM VẮC XIN PHÒNG DẠI

bi cho dai can hinh anh 3

♠ Cần tiêm ngay vắc xin phòng dại nếu gặp các trường hợp sau:

– Vết cắn sâu hoặc vết cắn nhẹ ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục…nên đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại kịp thời.

– Khi trẻ bị chó dại cắn hoặc chó có biểu hiện dại hay không thể theo dõi con vật sau khi cắn, địa điểm xảy ra tai nạn gần vùng đang có dịch bệnh chó mèo…cũng cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại ngay lập tức.

♠ Lưu ý đối với người tiêm vắc xin phòng dại: Không làm việc quá sức, không uống rượu, không dùng các chất kích thích trong thời gian tiêm; không dùng các thuốc corticoides, ACTH, thuốc làm giảm miễn dịch trong và sau khi tiêm vắc xin dại 6 tháng.

♠ Không tiêm ngay mà cần theo dõi sau 15 ngày với các trường hợp sau:

– Vết cắn nhẹ, xa các vùng nguy hiểm và xa trung tâm thần kinh trung ương.

– Chó không có dấu hiệu bị bệnh dại và ở khu vực không có dịch bệnh chó mèo.

– Trong vòng 15 ngày sau khi bị chó cắn nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì nên đi tiêm vắc xin phòng dại. Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường thì không cần phải đi tiêm phòng dại nữa.

Bài: K. Huyền

Tiếp Thị Gia Đình

Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây

Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.

 

Đừng bỏ qua