Những điều cần lưu ý khi cho con đi bơi mùa nắng nóng

Trẻ con nghịch ngợm sẽ rất dễ xảy ra sự cố nếu bạn không chuẩn bị kỹ càng và theo sát bé ở hồ bơi. Sau đây là một vài điều cần lưu ý khi cho con đi bơi để đảm bảo an toàn cho bé

Bơi lội là một trong những hoạt động thể chất tốt cho sức khỏe và cơ hội cho trẻ thư giãn cùng gia đình. Tuy nhiên bạn nên lưu ý khi cho con đi bơi để đảm bảo an toàn nhé.

CHUẨN BỊ ĐI BƠI 

• Trước khi xuống hồ, bạn không nên cho trẻ ăn quá no hoặc để trẻ quá đói. Các chuyên gia khuyên rằng nếu bạn cho trẻ ăn no, hãy chờ sau 2 – 3 giờ rồi hãy bơi. Nếu trẻ ăn nhẹ, thời điểm thích hợp nhất để bơi là sau 30 phút.
• Cho trẻ tắm rửa, đi vệ sinh trước khi xuống hồ.
• Chuẩn bị khăn bông, đồ bơi, kính bơi, mũ trùm đầu, nút bịt tai, tăm bông, nước muối sinh lý, phao tay hoặc áo phao.

nhung dieu can luu y khi cho con di boi mua nang nong hinh anh 1
Lưu ý khi cho con đi bơi vào mùa nắng nóng là bạn nên thoa kem chống nắng cho trẻ. Nên dùng loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 hoặc hơn trong khoảng 15 – 30 phút trước khi bơi để da kịp thẩm thấu (bạn nên thoa cho bé ở nhà rồi xuất phát đến hồ bơi là vừa).
• Bạn chú ý thoa kỹ các vùng đùi trong, ngực, mu bàn chân, sau gối… đặc biệt là vùng trên mắt (nhớ thận trọng khi thoa gần mắt để tránh dây vào mắt bé).

KHI ĐẾN HỒ BƠI 

nhung dieu can luu y khi cho con di boi mua nang nong hinh anh 2

Bạn cần giới hạn thời gian bơi cho bé. Đối với trẻ mới tập bơi, thời gian ở dưới nước vào mùa hè khoảng 30 phút. Nếu vào mùa lạnh thì thời gian bơi nên rút ngắn lại còn 20 phút. Hướng dẫn trẻ khởi động kỹ trước khi bơi cho cơ thể bắt đầu quen với việc vận động và làm nóng trước khi xuống hồ để tránh cảm lạnh. Dặn trẻ chỉ được bơi trong vùng có độ sâu phù hợp với khả năng, xem kỹ các biển hướng dẫn an toàn và chỉ bơi khi có các huấn luyện viên trực cứu hộ trên bờ.

SAU KHI BƠI

• Nhanh chóng choàng khăn để giữ ấm cho trẻ ngay khi ra khỏi hồ bơi.
• Yêu cầu trẻ xì mũi thật sạch, đẩy nước ra khỏi tai, nhỏ mũi và mắt, súc họng kỹ bằng nước muối sinh lý.
• Tắm gội ngay lại bằng nước sạch, dùng dầu xả để hạn chế ảnh hưởng của nước hồ bơi lên da và tóc.
• Cho trẻ uống nước hoặc nước trái cây để bù lại năng lượng, nhưng khoan vội ăn no.

BẠN NÊN LƯU Ý ĐIỀU GÌ?

nhung dieu can luu y khi cho con di boi mua nang nong hinh anh 3

• Dù có nhân viên cứu hộ nhưng lưu ý khi cho con đi bơi là bạn không nên rời mắt khỏi trẻ và nguyên tắc đầu tiên cần dạy cho trẻ là phải thật bình tĩnh. Dạy trẻ cách đứng nước hoặc yêu cầu huấn luyên viên dạy kỹ năng này cho trẻ.
• Thống nhất với trẻ về cách ra hiệu khi gặp sự cố hoặc cần giúp đỡ. Không cho bé chạy nhảy trong khu vực hồ bơi để tránh trượt ngã và chỉ được bơi ở khu vực có độ sâu an toàn cho trẻ em.
• Thời điểm bơi tốt nhất là sáng sớm và chiều tối, tránh đi bơi trong khoảng thời gian từ 10 giờ – 16 giờ, trừ khi hồ bơi của bạn có mái che.
• Trẻ đang bị bệnh về mắt, viêm tai mũi họng… nên chờ khỏi hẳn mới đi bơi. Nếu bé mắc các bệnh hen suyễn, viêm đường hô hấp, viêm da, tim mạch… thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa trẻ đi bơi. x Nếu đang vào mùa đau mắt (từ khoảng tháng 6–8), bạn không nên cho trẻ đi bơi.
• Dặn trẻ không được uống nước hồ bơi, nhai kẹo cao su hoặc ăn vặt khi đang bơi để tránh tình trạng sặc hoặc ngạt thở cấp.
•  Khi trẻ bị ngạt nước: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt chỗ khô thoáng. Kiểm tra khả năng thở của trẻ và tiến hành hô hấp nhân tạo ngay lập tức.

Chọn đồ bơi cho bé

• Đồ bơi phải vừa vặn, đảm bảo trẻ vận động thoải mái và cũng không quá rộng.
• Nên chọn đồ có độ hở vừa phải để bảo vệ da trẻ.
• Bạn có thể chọn loại đồ bơi thấm nước chậm, giúp giữ nhiệt, có khả năng cản tia cực tím. Chú ý chỉ số UPF (chỉ số bảo vệ chống tia cực tím) từ 50 trở lên là phù hợp cho trẻ.

Bài: HÂN THÁI

Mục Kỹ năng sống / Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua