Ăn quá nhiều thực phẩm lên men làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm mũi họng
Nằm trong nhóm bệnh khu vực tai mũi họng, ung thư vòm mũi họng, phía sau của hốc mũi và phần trên của họng, thường dễ bị lầm với các bệnh như ù tai, nghẹt mũi, đau đầu, đau họng, chảy máu mũi… Vì vậy, bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Thông thường, đối tượng dễ mắc bệnh này thường là nam giới ở độ tuổi từ 40 đến 60. Để tìm hiểu thêm về bệnh, TTGĐ đã nhờ bác sỹ Đoàn Văn Hoàng, chuyên khoa I Tai mũi họng, Phòng khám Victoria Healthcare Mỹ Mỹ tư vấn.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
Đây là vấn đề nhiều người thắc mắc. Dù chưa có kết luận cụ thể, nhưng các chuyên gia đã liệt kê được nguy cơ chính, trong đó có di truyền, vi-rút Epstein barr.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân phổ biến như thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, rác thải ô nhiễm, hóa chất độc hại, nơi có không khí lưu thông kém, dưới hầm…
Ngoài ra, những người ăn quá nhiều thực phẩm lên men như dưa cà muối chua, củ kiệu, dưa ngâm giấm hoặc trứng muối… sẽ dễ mắc bệnh hơn. Lối sống thiếu lành mạnh như thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá… sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người không sử dụng.
BIỂU HIỆN
Ung thư vòm mũi họng xuất phát ở vị trí liên quan với tai, mũi, họng, nền sọ… nên biểu hiện rất đa dạng, có thể là:
♠ Chảy máu cam: Máu chảy xuống họng và người bệnh thường khạc ra máu.
♠ Nghẹt mũi: Bệnh nhân có biểu hiện tương tự viêm mũi, viêm xoang. Ở giai đoạn nặng, có thể khó thở do khối u lớn làm tắc nghẽn khoang mũi.
♠ Ù tai: Nếu cảm thấy nghe kém, tai bị nghẹt hoặc đau không thường xuyên chủ yếu ở một bên tai thì nên đi khám.
♠ Nhức đầu: Khi khối u bắt đầu phát triển mạnh, phá hủy nền sọ và dây thần kinh, sẽ sinh ra nhức đầu và đau buốt.
♠ Nổi hạch ở cổ: Cổ là nơi di căn đầu tiên của ung thư vòm mũi họng, vì đây có thể là triệu chứng sớm, có vai trò quan trọng. Thường xuất hiện trước khi có triệu chứng khác.
♠ Hội chứng nội sọ: Đây là biểu hiện bệnh ở giai đoạn gần cuối gây tê họng, hoa mắt, mất cảm giác khi nuốt nước bọt.
♠ Di căn xa: Các tế bào ung thư có thể lan sang gan, xương, phổi…
ÐIỀU TRỊ
Ung thư vòm mũi họng thường kết hợp nhiều phương pháp gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Tùy giai đoạn bệnh, hình thức điều trị sẽ khác nhau:
♣ Xạ trị: Dựa vào hình ảnh 3D, bác sỹ có thể xác định chính xác vị trí khối u để chiếu tia xạ. Điều đó giúp tác động trực diện, loại bỏ khối u chuẩn xác, hạn chế làm tổn thương các mô lành xung quanh.
♣ Hóa trị: Bác sỹ chỉ định vô hóa chất kèm theo xạ trị. Hai phương pháp này sẽ hỗ trợ lẫn nhau để loại bỏ hoàn toàn khối u nhanh chóng.
♣ Phẫu thuật: Tùy thể trạng người bệnh, phẫu thuật nền sọ kết hợp với nội soi giúp bệnh nhân cải thiện tình hình. Phẫu thuật có thể giúp loại bỏ các hạch ở vùng cổ, mở thêm cơ hội chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân ung thư vòm họng kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát.
CÁCH PHÒNG TRÁNH

♦ Về chế độ ăn uống, bạn cần hạn chế các loại thực phẩm lên men (phổ biến tại Việt Nam), các loại thực phẩm ủ muối như trứng muối, cá ngâm… không hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lào.
♦ Hạn chế các loại đồ uống có cồn, bia rượu nồng độ mạnh. Giữ gìn vệ sinh răng miệng mỗi ngày, đặc biệt là khu vực cổ họng (súc nước muối).
ĐỊA ĐIỂM KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÒM HỌNG
Theo các bác sỹ, tỷ lệ sống sót của bệnh này tùy vào thể trạng, chế độ dinh dưỡng, giai đoạn bệnh. Vì vậy, khi có dấu hiệu bệnh, bạn có thể đến các địa chỉ sau để khám
♦ Hà Nội: Bệnh viện K, 43 Quán Sứ, Q. Hoàn Kiếm
♦ Đà Nẵng: Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, tổ 14, Q. Liên Chiểu
♦ TP. HCM: Bệnh viện Ung Bướu, 3 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh.
Nguyên Khánh
Mục Sức khỏe − Tiếp Thị Gia Đình