Những điểm hấp dẫn không thể bỏ qua của phố đi bộ Nguyễn Huệ

Ngày 20–4, phố đi bộ Nguyễn Huệ, một trong những công trình trọng điểm của TP. HCM chào mừng 40 năm ngày thống nhất đất nước, sẽ chính thức vận hành

Hệ thống nhạc nước được xem là hạng mục nổi bật nhất của phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thanh Niên Online

Với kinh phí đầu tư hơn 430 tỉ đồng, công trình không chỉ là một điểm nhấn đặc biệt ở khu vực trung tâm thành phố TP. HCM mà còn được xem là phố đi bộ quy mô, hiện đại nhất Việt Nam.

Tuyến đi bộ gồm 2 phân đoạn: Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đường Lê Thánh Tôn (trước trụ sở UBND TP. HCM) đến đường Lê Lợi và quảng trường Nguyễn Huệ từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng. Tổng chiều dài của công trình hơn 600m. Chiều rộng mặt đường 60m bao gồm vỉa hè (6m mỗi bên), trục chính giữa là quảng trường đi bộ rộng 27m và 2 làn đường dành cho phương tiện lưu thông (10,5m mỗi làn).

Nhằm mang đến những tiện ích tốt nhất cho khách đi bộ, công trình nhà vệ sinh đặt ngầm dưới mặt đất gồm 4 phòng toilet rộng được lắp đặt trang thiết bị hiện đại, có cả hệ thống phòng cháy chữa cháy tiên tiến, sàn và vách được ốp đá granit thiên nhiên và có cả hệ thống thông gió.

Tuyến phố được phủ xanh mát với hơn 200 cây xanh có kích thước khá đồng đều, gồm các loại như cây dầu, sứ đại, giáng hương, cây lộc vừng… Hệ thống chiếu sáng nghệ thuật (trung tâm điều khiển, vận hành được xây ngầm bên dưới quảng trường) được bố trí suốt chiều dài phố đi bộ nhưng nổi bật nhất là 2 hồ nhạc nước kết hợp trình diễn ánh sáng nghệ thuật được bố trí tại ngã tư Nguyễn Huệ − Lê Lợi và Nguyễn Huệ – Mạc Thị Bưởi.

Dự kiến, trong thời gian đầu vận hành phố đi bộ, hệ thống nhạc nước, chiếu sáng nghệ thuật sẽ được trình diễn phục vụ người dân và du khách vào mỗi tối cuối tuần, sau đó trình diễn liên tục các ngày trong tuần. Song song đó, thành phố cũng dự định tổ chức thêm một số hoạt động văn hóa – văn nghệ trên phố đi bộ nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của người dân, du khách.

Trước mắt, các loại phương tiện giao thông chỉ được phép lưu thông 24/24 (kể cả xe buýt) theo chiều dọc của phố đi bộ, không được chạy cắt ngang quảng trường. Khi phố đi bộ đã vận hành ổn định và tiến tới đi bộ hoàn toàn, phương tiện chỉ được phép lưu thông vào một số thời điểm nhất định.

Hôm qua, 17–4, Công ty Chiếu sáng công cộng TP. HCM cũng đã lắp đặt thử nghiệm các bộ đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây là những bộ đèn tín hiệu giao thông có phát ra âm thanh đầu tiên được đưa vào sử dụng ở TP. HCM. Đặc điểm của các bộ đèn này là khi đèn xanh sáng có phát kèm theo âm thanh tít tít tít từ chậm đến nhanh.

Tổng hợp

Đừng bỏ qua