Mùa hè, mùa thiên lý, những mẹt hoa được bày bán tại khắp các khu chợ to, chợ nhỏ. Từng chùm dạ lý hương màu xanh nhạt, khẽ tỏa ra một mùi hương thơm dịu, như xua đi cái nắng nóng oi ả. Loài cây mang nhiều tên gọi đẹp như thiên lý, dạ lài hương này còn là một món ăn quen thuộc của nhiều gia đình: Thương chồng nấu cháo le le/Nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen.
Cây thiên lý có vị ngọt, tính bình. Các thầy thuốc đông y dùng thiên lý như một bài thuốc có công dụng giải nhiệt, mát gan, kháng viêm, tiêu độc, an thần, chữa đau lưng, mệt mỏi và bồi bổ cơ thể.
Mỗi bộ phận của cây như rễ, lá, hoa thiên lý đều có thể sử dụng được và có công dụng khác nhau. Mời bạn tham khảo các bài thuốc chữa bệnh từ hoa thiên lý sau nhé!
BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ LÁ VÀ RỄ CÂY
Lá và rễ cây chứa các chất kháng sinh tự nhiên, có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, kích thích mọc da non. Trong lá cũng có một hàm lượng nhỏ chất ankaloid, có tác dụng giảm đau. Lá thiên lý dùng để chữa bệnh trĩ ngoại hay chữa mụn nhọt, lở loét hiệu quả. Rễ cây thường dùng cho những người bị mắc bệnh về tiểu tiện.
• Chữa trĩ ngoại: 100g lá thiên lý rửa sạch, giã nhỏ, cho thêm 5g muối hạt, 30ml nước cất, lọc qua rây, lấy nước cốt. Dùng bông sạch thấm nước cốt, đắp vào vùng hậu môn, băng kín lại. Mỗi ngày làm từ một đến hai lần, trong ba đến bốn ngày liên tục. Lưu ý, khi làm bài thuốc này, cần phải dùng lá thiên lý tươi, chọn loại lá non hoặc lá bánh tẻ để sử dụng.
• Chữa mụn nhọt: Với các vùng da bị mụn nhọt, có mủ, dùng 50g lá thiên lý tươi, giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, băng kín, mỗi ngày thay một lần, trong khoảng ba ngày, mụn nhọt sẽ khỏi.
• Trị giun kim ở trẻ em: 30g lá thiên lý non nấu canh, cho bé ăn liên tục khoảng 7–10 ngày.
• Chữa tiểu buốt, tiểu ra máu: Dùng 10–20g rễ cây thiên lý, sắc cùng 1 lít nước, chia làm hai lần, uống trong ngày, liên tục năm ngày.
BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ HOA THIÊN LÝ
Trong 100g hoa thiên lý chứa 2,9g chất đạm; 2,8g bột đường; 3g chất xơ; 52mg can-xi; 53mg phốt-pho; 1,2mg sắt; 1,17mg carotene (vitamin A); 0,19mg vitamin B1; 1,1mg PP, 45mg vitamin C và hàm lượng kẽm rất cao.
Đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên, dễ tiêu hóa, phù hợp với mọi lứa tuổi.
• Thanh nhiệt cơ thể trong những ngày nắng nóng: Dùng 50g hoa thiên lý nấu thành canh, ăn hàng ngày giúp mát gan, giải nhiệt.
• Phòng tránh mẩn ngứa ở trẻ em: 30g hoa thiên lý băm nhỏ, nấu cùng cháo hoặc bột giúp các bé phòng tránh rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt.
• An thần: Sắc 30g hoa thiên lý, 10g hoa nhài, 5g tâm sen cùng 1 lít nước, uống trong ngày, liên tục trong một tuần giúp giảm chứng mất ngủ, tạo giấc ngủ sâu và yên giấc.
• Giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt: 50g hoa thiên lý, 50g thịt lợn nạc, xào chín tới, nêm gia vị vừa đủ có tác dụng giảm các triệu chứng đau nhức ở người già, người lao động nặng.
• Bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng: 50g hoa thiên lý, 50g tôm nõn, xào hoặc nấu canh, ăn ba bữa mỗi tuần giúp cung cấp đầy đủ các vitamin, giúp cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt có tác dụng khôi phục sinh lực cho nam giới.
LƯU Ý KHI DÙNG LOẠI HOA NÀY
Trong hoa và lá thiên lý có chứa chất kẽm. Khi dùng thiên lý như một món ăn – bài thuốc, bạn không nên ăn cùng lúc hay chế biến thiên lý với các loại thức ăn giàu chất sắt như tiết, gan, thịt bò, rau muống. Kết hợp thiên lý với các loại thực phẩm này sẽ làm mất công dụng của bài thuốc vì sắt cản trở sự hấp thu kẽm.
Bạn cũng chú ý không được xào, nấu quá chín vì sẽ làm giảm các chất dinh dưỡng của thiên lý. Bạn cũng không nên ăn quá 50g mỗi bữa.
Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình