Cá trê nướng, nước mắm gừng/Canh rau tập tàng, cá bống kho tiêu/Cơm khuya, cơm sáng, cơm chiều/Cơm bao nhiêu hạt, bấy nhiêu nồng nàn – ca dao.
Chỉ có vài thứ thôi mà một mâm cơm hấp dẫn đã hiện ra, nói theo ngôn ngữ bình dân là: “Ngon chết đi được!”. Trong số đó, con cá trê đặc biệt có thịt thơm, dai và bùi không chỉ ngon miệng mà còn có nhiều bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời.
NGUỒN GỐC VÀ TÍNH VỊ
Cá trê thuộc họ cá da trơn, có thân dài, da trần nhẵn và bóng. Đầu dẹt bằng, thân và đuôi dẹt bên, mang cá là một bộ phận đặc biệt gọi là hoa khế giúp cá có thể sống lâu dù ở trên cạn. Miệng rộng, hướng ra phía trước, có răng sắc nhọn, có bốn đôi râu dài, mắt nhỏ, lỗ mũi cách nhau khá xa.
Theo Viện Dược liệu Việt Nam, cá trê có nhiều công dụng trong y học, là một vị thuốc phổ biến. Thịt cá trê dùng để làm thuốc có tên dược vị là đường sất ngư. Thịt cá có vị ngọt, tính bình và không độc. Trong y học cổ truyền, cá trê có công dụng bổ huyết, giảm đau, tráng dương và chống viêm.
THÀNH PHẦN
Cá trê có chứa a-xít béo omega-3. Đây là dưỡng chất cần thiết trong việc giúp bạn duy trì một trái tim khỏe mạnh.
Một phát hiện của Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã chỉ ra rằng, việc ăn các loại cá da trơn thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim. Nguyên nhân là do thịt của các loại cá này chứa một lượng chất béo có lợi cho cơ thể.
Theo nghiên cứu, 85g thịt cá da trơn có chứa khoảng 122kcal và hơn 55% trong số đó là chất béo.
Còn theo trung tâm y học thuộc đại học Maryland, các a-xít béo omega-3 có khả năng chống viêm nhiễm, giảm nguy cơ ung thư vú và các chứng bệnh liên quan đến viêm khớp.
Hơn nữa, cá trê là một trong những loại cá có chứa lượng protein dồi dào. Chỉ cần tiêu thụ khoảng 100g thịt cá trê, bạn đã bổ sung 16,5g protein cho cơ thể. Lượng protein này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu protein hằng ngày cho một người đàn ông và 34% đối với một phụ nữ.
Bên cạnh đó, thịt cá trê cũng là nguồn cung cấp vitamin B12 dồi dào. Đây là một dưỡng chất tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu để nuôi cơ thể và ổn định sức khỏe thần kinh. 100g cá trê chứa khoảng 2,3 microgram vitamin B12, gần đủ để đáp ứng được 100% lượng vitamin B12 mà cơ thể một người trưởng thành cần.
Bên cạnh đó, trong 100g thịt cá trê còn có 0,1mg vitamin B1 và cung cấp 13% lượng niacin cần trong ngày. Đây là loại vitamin giúp duy trì cảm giác ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ sức khỏe thần kinh và dạ dày, đồng thời còn giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng.
BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ CÁ TRÊ
• Giải nhiệt, trị cảm: Cá trê ướp với nước củ riềng, nghệ, bột nêm, nước mắm vừa ăn. Phi thơm hành tỏi, cho cá vào chiên sơ rồi cho nước sôi ngập cá và om đến khi thịt cá chín. Ăn nóng với cơm.
• Mất ngủ, kém ăn, chân tay tê nhức: 200g đậu đen xanh lòng, 400g cá trê, một miếng trần bì, 20g ý dĩ, 20g gạo nếp và hành củ, rau mùi, tiêu. Đun sôi gạo nếp, đậu đen trong nước cho mềm thì thêm cá trê, ý dĩ, trần bì vào nấu nhừ, nêm gia vị rồi tắt bếp. Dùng 3—5 lần/tuần.
• Tăng tiết sữa ở sản phụ sau sinh: 2 quả trứng gà, 250g cá trê, vài lát gừng. Phi gừng để chiên sơ cá trê rồi cho cá vào nồi nước xăm xắp, đun sôi rồi hạ lửa cho tới khi nước sánh, thêm trứng gà vào khấy đều, tắt bếp. Ăn vào bữa sáng, liên tiếp 5—7 ngày.
• Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: 250g cá trê nấu cháo, ăn 1 lần/ngày.
• Cá trê kết hợp cùng đậu đen còn hỗ trợ khả năng tình dục
Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình