Yêu và kết hôn với người bệnh bạn phải hết sức vững vàng và tâm lý.
Vừa qua trên trang web www.dailymail.co.uk đăng câu chuyện về Michael Hoskin, một cựu cảnh sát đã từ bỏ công việc để có thời gian chăm sóc cho vị hôn thê của mình, Turia Pitt. Turia gặp tai nạn khi bị kẹt ở đám cháy trong rừng trong một cuộc chạy marathon 100km ở Úc. Turia bị bỏng đến 65% cơ thể, nhưng cô dần lấy lại được tự tin với tình yêu và sự chăm sóc của Michael Hoskin.
LÀM ĐIỂM TỰA LÀ MỘT SỰ HY SINH BẢN THÂN
Câu chuyện về Turia Pitt được nhiều người chia sẻ trên Facebook mấy ngày nay một phần bởi mọi người cảm phục nghị lực của Turia Pitt. Dù trải qua cú sốc vì ngoại hình bị biến dạng, cô vẫn có được suy nghĩ tích cực. Turia Pitt luôn thấy mình may mắn vì có người yêu, người thân thương yêu mình. Đặc biệt, cô vẫn rất tự tin. Hiện Turia Pitt tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ những người bị bỏng. Phần khác, người ta ngưỡng mộ tình cảm của vị hôn phu của Turia Pitt khi anh đã không quay lưng lại với ngoại hình bị hủy hoại của bạn gái. Trái lại, Michael Hoskin còn luôn bên cạnh chăm sóc cô. Anh chính điểm tựa tuyệt vời giúp người yêu vượt qua giai đoạn khó khăn.
Câu chuyện về cuộc đời của nhà vật lý học, nhà khoa học vũ trụ nổi tiếng của thế kỷ XXI, Stephen Hawking, cũng là một ví dụ điển hình. Những năm đầu của lứa tuổi 20, Stephen phát hiện mình bị bệnh teo cơ. Căn bệnh phát nặng khiến ông gặp khó khăn trong vận động. Đồng thời, bác sỹ cho biết thời gian sống của ông không còn bao nhiêu. Stephen đã vô cùng khổ sở và chủ động chia tay, nhưng người yêu Jane Wilde đã vực ông dậy bằng tình yêu của mình.
Khi bà quyết định gắn bó cuộc đời của mình với Stephen, bà đã biết trước những khó khăn nào đang chực chờ mình, thế nhưng người phụ nữ mê văn chương cổ đó đã không ngại đương đầu. Chính tình cảm và sự chăm sóc của Jane Wilde đã giúp Stephen vượt lên bệnh tật để thực hiện những công trình nghiên cứu vĩ đại.
Khi gắn bó cuộc đời với một người vừa trải qua tai nạn, bệnh tật… ngoài tình yêu, người ta còn phải hy sinh bản thân và chịu nhiều thiệt thòi.
NGƯỜI RA ĐI LUÔN LUÔN CÓ LỖI?
Thế nhưng trong hành trình đồng hành đó, vai trò của họ không được chú trọng, ai ai cũng cho rằng sự gắn bó và hy sinh đó là hiển nhiên, là nhiệm vụ. Trong trường hợp, sau thời gian dài mệt mỏi, họ không thể tiếp tục đồng hành thì hầu như mọi cố gắng, nỗ lực của họ sẽ bị phủi bỏ. Người đời chỉ quan tâm đến người bị nạn và tội lỗi đều dành cho người ra đi. Họ luôn bị lên án, bị người khác nhìn bằng cái nhìn đầy ác cảm.
Người quen, bạn bè sẽ không tiếc lời chỉ trính người ra đi là “kẻ bội bạc”, “vô hậu”, “thấy người yêu hoặc bạn đời bệnh tật thì rời bỏ”. Ít ai biết, khi có người yêu hoặc bạn đời mắc bệnh hiểm nghèo hoặc gặp tai nạn, người còn lại cũng trải qua rất nhiều áp lực:
• Người bị nạn tâm tính khó khăn: Sau tai nạn hoặc đang trong giai đoạn chữa bệnh, người bệnh mệt mỏi về thể chất đồng thời tinh thần cũng trở nên yếu đuối, mặc cảm, lúc nào cũng tỏ ra gắt gỏng, khó chịu và không hài lòng. Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra hằn học với bạn đời một cách vô lý. Trong trường hợp đó, người còn lại vẫn phải cố gắng an ủi, vực dậy tinh thần người bệnh.
• Tất cả công việc đè nặng lên vai người còn lại: Nếu đã đọc qua cuốn tự truyện Travelling to Infinity: My Life with Stephen của Jane Wilde, chúng ta sẽ có cái nhìn thông cảm hơn với những người có vợ hoặc chồng gặp tai nạn, bệnh tật. Bởi họ gần như bị kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần vì chăm sóc và an ủi bạn đời.
Stephen Hawking đã từng trải qua thời gian mất tự tin vào bản thân. Việc này tạo nên áp lực đè nặng lên đôi vai của vợ ông là Jane Wilde. Nếu nhìn câu chuyện từ khía cạnh gia đình, bạn sẽ thấy sự hy sinh lớn lao của Jane. Một mình bà phải chăm sóc ba đứa con nhỏ, chồng không thể chia sẻ gánh nặng này với bà. Thậm chí, bệnh tật khiến ông cũng không thể tự phục vụ bản thân trong những sinh hoạt thường ngày như ăn uống, đi lại, vệ sinh cá nhân… Tất cả mọi việc Jane đều phải đảm trách, bà không còn thời gian để nghỉ ngơi hoặc thụ hưởng những thú vui tinh thần.
Áp lực về kinh tế: Ngoài gánh nặng công việc nhà và chăm sóc người bệnh, vợ hoặc chồng người bị nạn còn phải nỗ lực kiếm tiền. Gánh nặng lo toan về kinh tế đè nặng khiến họ không khỏi mệt mỏi.
Nỗi lo về thế hệ tiếp theo: Với những người chỉ mới là người yêu hoặc đã kết hôn nhưng chưa có con thì còn thêm một nỗi lo về thế hệ con cái. Việc người yêu hoặc bạn đời bị tai nạn cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng có thai hoặc sinh nở. Nếu trường hợp người kia bị bệnh nan y thì người còn lại cũng sẽ lo lắng con cái của mình có thể sẽ mắc bệnh di truyền…
Không nhận được sự chia sẻ: Càng không có sự chia sẻ thì càng dễ trở nên yếu đuối hơn và khi nhận được sự quan tâm, chăm sóc dù là nhỏ của bất cứ một người khác phái nào cũng khiến họ dễ mủi lòng và rung động. Nếu họ có bất cứ biểu hiện thân mật với người khác phái nào cũng sẽ bị dị nghị.
Nếu đã cố gắng hết sức trong một thời gian dài làm điểm tựa cho người bệnh mà bản thân cảm thấy quá sức chịu đựng, bạn nên tìm giải pháp giải thoát cho mình. Bởi nếu bạn không hạnh phúc thì bạn cũng không thể làm điểm tựa vững chãi và cũng không thể mang lại niềm vui cho ai. Hãy dừng lại trước khi những mệt mỏi, hằn học, dằn vặt len vào tình cảm của bạn.
DỄ DÀNG HƠN KHI SỐNG VỚI NGƯỜI BỆNH
Dù không ai muốn nhưng nếu lỡ gặp chuyện chẳng may, đừng quá bi quan, hãy cùng nhau nỗ lực.
♦ Hãy tìm sự giúp đỡ của gia đình để được an ủi về mặt tinh thần. Đồng thời, người thân cũng có thể chia sẻ cùng bạn gánh nặng việc nhà và chăm sóc người bệnh.
♦ Nếu người thân không thể giúp đỡ lâu dài, hãy chọn phương án nhờ người giúp việc, đừng để bản thân rơi vào hoàn cảnh suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần.
♦ Người bị nạn cảm thấy mất mát có thể họ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, hãy an ủi họ nhưng bạn cũng nên tìm sự cảm thông ở chính người gặp nạn bằng việc chia sẻ những khó khăn của mình. Bạn đời sẽ hiểu hơn và không tạo những áp lực không đáng có lên bạn. Hãy chia sẻ, đừng âm thầm chịu đựng một mình bạn nhé.
Mục Gia đình – Tâm lý/Tiếp Thị Gia Đình