Những nhóm thực phẩm kỵ nhau mà bạn nên biết!

Trong ăn uống hàng ngày, bạn có thể gây hại cho sức khỏe của mình khi vô tình ăn chung những món thực phẩm kỵ nhau!

thực phẩm kỵ nhau

Ảnh: Shutterstock

Trong dân gian có một số thực phẩm khi ăn cùng nhau sẽ tạo nên các phản ứng không tốt cho sức khỏe con người. Theo ThS. BS Nguyễn Thị Tuyết Nga – Trưởng khoa Y dược cổ truyền Bệnh viện Quận 2 cho biết nếu vô tình kết hợp các thực phẩm kỵ nhau sẽ khiến dưỡng chất có lợi trong món ăn giảm giá trị dinh dưỡng để bổ sung cho cơ thể.

Mặt khác, trong quá trình chế biến còn tạo nên những chất gây hại cho cơ thể. Để tránh nguy cơ tổn hại cho sức khỏe, BS Nga khuyến cáo chúng ta nên cẩn trọng hơn khi kết hợp thực phẩm và tránh dùng chung các loại sau đây:

Nhóm thực phẩm kỵ nhau

Không nấu gan động vật với cà rốt, rau cần, giá đỗ

Không nên dùng các loại giá đỗ, cà rốt, rau cần với gan động vật. Lý do là trong gan động vật, hàm lượng đồng, sắt và một số nguyên tố kim loại khác khá cao nên sẽ dễ làm cho vitamin C có trong loại rau, củ, quả này bị oxy hóa và giảm tác dụng.

Không ăn dưa chuột với cà chua

Trong dưa chuột chứa một loại men phân giải vitamin C. Vì thế, khi ăn dưa chuột với cà chua hay những loại thực phẩm giàu vitamin C sẽ không tốt vì làm giảm khả năng hấp thụ vitamin C của cơ thể.

Không uống sữa đậu nành và trứng gà

Bên trong sữa đậu nành có men protidaza. Nếu cho quả trứng gà vào sữa đậu nành sẽ làm ức chế đi các protein có trong trứng. Từ đó làm cản trở tiêu hóa, gây khó tiêu và đầy bụng.

Viên sắt chỉ uống với nước

Khi bổ sung sắt cần tránh dùng chung với trà, sữa, cà phê vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Ngược lại, viên sắt có thể dùng chung với vitamin C để dễ dàng hấp thụ hơn.

Không dùng sữa kèm nước hoa quả có vị chua

Sữa bò chứa nhiều protein. Trong đó, chất casein chiếm tới 80%. Khi sữa bò pha lẫn hoặc uống cùng với nước trái cây chua sẽ làm cho chất casein kết tủa, lắng đọng lại làm giảm tác dụng của sữa và vitamin C.

Những “cặp đôi” đẹp khi kết hợp chung

Món thịt bò bóp thấu có khế giúp tăng cường hấp thu sắt, bổ máu, tăng cường miễn dịch.

Canh riêu nấu với me hoặc mẻ thường có nhiều acid citric và acid lactic. Hai loại acid này có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa chất đạm, chất béo trong cá và tăng cường hấp thu sắt, canxi.

Mực xào với cà ri cung cấp nhiều hoạt chất kháng khuẩn, tăng sức đề kháng

Gừng có vị cay, ấm, dùng chung các loại ốc có tính hàn để trung hòa và giúp dễ tiêu hóa thức ăn.

Xin cảm ơn ThS. BS Nguyễn Thị Tuyết Nga đã chia sẻ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua