Thời gian gần đây, trong và ngoài trường học ở nhiều tỉnh thành liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, được phát hiện do chính học sinh quay clip và phát tán trên mạng. Hẳn nhiên đây chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm về vấn nạn bạo lực học đường. Song trước tình hình đó, một số trường tại TP. HCM đang tăng cường lắp camera để giám sát học sinh.
Trường THCS Ba Đình (quận 5) đã lắp hơn 10 camera từ năm 2008. Thời gian gần đây, trường lắp thêm một số nơi khác nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường bao gồm hành lang phía sau lầu hai, cổng trường, hành lang đi vào nhà vệ sinh…
Trường THCS Lý Phong (quận 5) gắn 14 camera gắn ở hành lang phòng chức năng, phòng vi tính, thư viện, hành lang nhà vệ sinh… của trường.
Trường THCS Kim Đồng (quận 5) cũng gắn 32 camera dọc các hành lang lớp học và những góc khuất nơi cầu thang.
Trường THCS Trần Bội Cơ (quận 5) đã lắp hơn 20 camera để theo dõi tất cả hoạt động trong trường.
Trường THPT Marie Curie (quận 3) gắn mỗi tầng 2 camera. Ngoài ra, nhà thi đấu, sân bóng, sân trường cũng được gắn camera để quan sát học sinh.
Việc các trường gắn camera giám sát được một số phụ huynh ủng hộ vì cho rằng họ cảm thấy yên tâm hơn. Nếu có chuyện gì xảy ra với học sinh, phụ huynh sẽ cùng nhà trường xem lại camera để xử lý.
Trong khi đó, một số nhà mô phạm cho rằng, việc lắp camera là phương pháp phản khoa học. Nó sẽ gây ức chế cho giáo viên, tạo tâm lý không tốt cho học sinh đồng thời chỉ giải quyết phần ngọn của vấn nạn bạo lực học đường. Để giải quyết gốc rễ của vấn đề, cần giáo dục học sinh cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn chứ không phải đợi camera ghi nhận rồi xử lý hậu quả. Song song đó, phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp chặt giữa nhà trường, gia đình và xã hội để uốn nắn, ngăn chặn kịp thời mầm mống bạo lực học đường.
Cùng quan điểm trên, chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, ông Đỗ Minh Hoàng khẳng định, sở không chủ trương và không khuyến khích các trường lắp camera.
Tổng hợp