Hầu hết những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời mà bạn trân quý hay trải nghiệm qua đều liên quan đến thị giác. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn; không sai và thị lực quyết định quá nửa chất lượng cuộc sống của bạn. Hãy gìn giữ đôi mắt như sinh mạng mình!
Mời bạn cùng tôi đi qua miền ký ức thị giác, hoa và nhiếp ảnh!
Khát vọng của nhân loại
Chẳng biết tự bao giờ; trong ký ức của tuổi thơ về đống sách vở bề bộn của cha tôi; chuyện kể về Lý Bạch say rượu nhảy xuống sông ôm trăng chết đuối lại có một sức ám ảnh kỳ lạ. Trong trí óc thơ dại của tôi ngày đó; chẳng thể nào tôi hiểu được vì sao con người ta có thể chết vì một vầng trăng; dù đó là một đêm huyền ảo đến đâu chăng nữa!
Cho đến khi tôi bắt đầu đọc những lý giải của khoa thần kinh về ký ức thị giác của nhân loại; để lờ mờ hiểu được cái khát vọng chụp bắt cái đẹp ngắn ngủi phù du vào trong tiềm thức vĩnh viễn. Cho đến ngày tôi biết cầm máy ảnh…
Đôi mắt thay đổi con người
Lạ lùng thay đôi mắt con người! Từ những yếu tố cấu thành hình ảnh như màu sắc, ánh sáng, góc độ…; ánh sáng của cuộc sống muôn màu đi qua giác mạc trong veo; khuếch tán, khúc xạ qua nhiều bộ phận vi tế trong nhãn cầu; in lên võng mạc một hình ảnh ngược. Cái hình ảnh lộn ngược này; tương tác với hàng tỷ tỷ neurone trong não bộ; cho ta một cảm nhận về cái ta nhìn; để dậy lên trong ta một cảm xúc rất đỗi cá nhân về cái ta thấy.
Hiểu theo ý nghĩa sinh lý thần kinh; với sự tương tác và hiệu ứng của tâm lý thị giác; đôi mắt con người quả là thấu kính tuyệt diệu và tinh tế nhất mà không có một máy ảnh dù tân kỳ cách mấy có thể sánh ngang.
Nhiếp ảnh ra đời
Cho đến khi nhiếp ảnh ra đời; ký ức thị giác không có tuổi, không được định vị theo chiều thời gian. Nó chỉ lưu những dấu ấn đậm nhạt trên não bộ mà ta gọi là ký ức. Buồn thay, ký ức nào lại chẳng tàn phai; kể cả ký ức về một ánh trăng vằng vặc trên sông mà thi hào họ Lý đã tắm mình trong đó.
Chính cái tính chất chóng tàn phai đó của ký ức đã thôi thúc nhân loại kiếm tìm những phương tiện khắc ghi những điều thấy được qua lăng kính thị giác. Hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh… tất cả đều nằm trong cái hành trình nhọc nhằn khắc khoải để chụp bắt cái đẹp hư ảo và nhanh chóng phôi pha trong trí nhớ. Mà đỉnh điểm, phải chăng là việc nhảy xuống sông ôm trăng vào lòng, để được tan biến, hay lưu giữ xác thân trong cái quầng sáng mong manh và chẳng thể chụp bắt đó?
Tuổi của thị giác
Ống kính máy ảnh đã làm cho ký ức thị giác trở nên có tuổi. Vì nó định vị được ký ức thị giác qua một nơi chốn, thời gian cụ thể. Tất cả những khoảng khắc mông lung nhất, ngắn ngủi nhất, khi được bắt giữ qua ống kính, đều trở thành một ký ức rõ ràng, đầy tính bản thể và mang nặng dấu ấn không gian-thời gian. Ngắm một bức ảnh, không phải chỉ là sự nhìn hay cảm thụ quang học về bố cục, màu sắc, ánh sáng, mà còn là sự thấy, sự tái hiện trong tâm tưởng bao nhiêu hồi ức về kỷ niệm xưa, nơi chốn cũ.
Những ngày mới tập tành cầm máy, say sưa với những danh từ kỹ thuật của nhiếp ảnh như khẩu độ, tốc độ, tiêu cự…, tôi đã đánh vật khá vất vả để làm chủ những yếu tố cơ bản này trên chiếc máy ảnh của mình. Những thời khắc, tình huống chụp được trong những ngày vỡ lòng đó là những khoảng khắc say sưa với kỹ thuật tân kỳ của nhiếp ảnh kỹ thuật số; hơn là hóa thân vào trong chíêc máy ảnh; nối dài đôi mắt bằng ống kính để chụp bắt cảm xúc.
Cho đến này tôi chụp ánh trăng…
Với tôi, ánh sáng đêm trăng là một tình huống cực khó trong nhiếp ảnh. Cái sắc trắng huyền hoặc đó; chưa hề được hệ thống cân bằng trắng[2] (white balance) tinh vi nhất của Nikon, Canon, Olympus…; lập trình để đưa vào máy ảnh của mình. Người ta có Direct sunlight, Incadescent, Fluorescent, Cloudy, Shadow…; nhưng quả tình, tôi chưa hề nghe thấy chiếc máy ảnh nào; có hệ thống cân bằng trắng Moonlight (ánh trăng). Làm sao một kẻ nghiệp dư về nhiếp ảnh như tôi lại có thể ghi lại được cái mong manh của một đóa hoa nhài nở muộn dưới mái đình chùa Thầy trong một đêm dừng chân dưới ánh trăng thu.
Nhưng cũng có những hình ảnh chụp bắt được và gợi nhớ một ngày tháng cũ rất rõ ràng. Tỷ như những bông hồng khổng lồ mà tôi loay hoay ngắm bấm trong bảo tàng hoa California. Hay vẻ thanh nhã, cao quí của những bông tulipe xanh thẫm còn ngậm sương ở sân bay Schipol; Amsterdam trong một lần quá cảnh. Cứ mỗi lần nhìn lại những bức hình chụp tulipe, lòng bỗng nhớ đến Hà Lan với nụ cười toét đến mang tai của anh bạn Rob, với cối xay gió, con đê dài nằm nghe sóng vỗ… Ký ức hoa, ký ức nhiếp ảnh lại thành ký ức về một chuyến đi dài theo năm tháng.
Ngày tóc xanh và lòng còn xanh
Ký ức hoa, qua nhiếp ảnh còn lôi tôi về với những năm tháng đẹp nhất đời người; khi lòng còn xanh và mái đầu cũng vậy. Một sớm tinh mơ lạc bước đến trường xưa; nhìn những cánh hoàng hậu lặng lẽ rơi trên thềm cũ. Bò lê bò toài chụp bắt hoa rụng bên thềm bằng máy ảnh; cứ tưởng như ôm lấy bao nhiêu kỷ niệm tuổi hoa niên vào lòng. Can chi tôi phải nhảy xuống sông như thi hào họ Lý; hay lăn ra đường (?) để hòa nhập với hoa cỏ ngày xưa; vì tôi có máy ảnh bên mình rồi mà.
Nhưng tấm hình gợi trong tôi nhiều âu yếm nhất; lại không phải là những tấm ảnh chụp lại không gian xưa; nơi chốn cũ, vẻ thơ ngây, hay nét yêu kiều của một khuôn mặt. Mà là một tấm hình chụp hoa bướm ở vườn hoa Đà lạt. Chiếc máy ảnh, trong phút giây ngắn ngủi đó đã nối kết tôi và con trai thành một trong khoảng khắc. Tôi thấy tôi nhỏ lại; tôi thấy hình ảnh tôi lúc tóc còn xanh; thấy lại tuổi thơ tôi với cánh diều chao lượn; với cỏ hoa ngày cũ.
Có điều nào kỳ diệu hơn không?
Vẽ bằng ánh sáng
Nhiếp ảnh hay photo – graphy; theo từ nguyên là vẽ bằng ánh sáng. Nhưng làm sao tôi vẽ được cái kinh khủng; khốc liệt của tia sáng cuối cùng của sự sống khi đi qua đôi đồng tử giãn rộng méo mó của những bệnh nhân tôi trong phút lìa đời.
Làm sao tôi quên một buổi chiều ngập nắng ở lầu 10 bệnh viện; tràn ngập thanh âm phố phường, ông N., người thợ đào vàng khốn khổ, gắng hết hơi tàn để nhướng đôi mắt đờ dại; mấp máy môi nói lời cuối cùng “tôi thương mẹ tôi lắm, bác sĩ ạ!”
Bao nhiêu năm đã trôi qua, vậy mà ký ức thị giác trong tôi về buổi chiều tiễn đưa buồn thảm đó vẫn khơi gợi lên cái cảm giác bám lấy cuộc sống, da diết và mãnh liệt đến rùng mình. Quả thực, khi thị giác tôi đã ghi nhận quá nhiều khoảng khắc hư vô giữa cái sống và sự chết, tôi đã thấu hiểu tận đáy lòng một điều khi còn rất trẻ: cuộc sống này là quà tặng vô giá, và dù thống khổ đến đâu chăng nữa, cuộc sống vẫn quí giá vạn lần, bên sự ra đi của một con người về cõi hư vô.
Vậy thì tại sao ta lại dứt lòng hoan hỉ vì còn được sống, với chiếc máy ảnh thân yêu bên cạnh, hỡi các bạn bè thân hữu của tôi ơi?
Chia sẻ của BÁC SỸ LÊ ĐÌNH PHƯƠNG – một người chơi nhiếp ảnh
Tiếp Thị Gia Đình