Nhiễm virus viêm gan B, nên điều trị thế nào?

Viêm gan B mạn tính có thể dẫn đến xơ gan, thường khó hồi phục. Vì vậy, bạn cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan

Ảnh mang tính chất minh họa

HỎI: Tôi đi xét nghiệm thì phát hiện có virus viêm gan B. Xin các bác sỹ cho tôi lời khuyên để khám và điều trị. Tôi xin chân thành cảm ơn.

(hainam23…@yahoo.com.vn)

ĐÁP: Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao với khoảng 8,8% phụ nữ và 12,3% nam giới mắc bệnh. Viêm gan B thường phát triển theo các giai đoạn: viêm gan B cấp, viêm gan B mạn và những người lành mang mầm bệnh trong cơ thể.

Viêm gan B cấp có biểu hiện như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa, sụt cân, ăn kém ngon và ngứa khắp  người. Nặng hơn có thể gặp các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm.

Khi chuyển sang giai đoạn viêm gan B mạn tính thì người bệnh hầu như không có triệu chứng, luôn cảm thấy sức khỏe bình  thường, đôi khi có mệt mỏi, chán ăn. Hậu quả nghiêm trọng nhất là xơ gan với các biến chứng như có dịch trong ổ bụng, tăng áp tĩnh mạch cửa (chảy máu đường tiêu hóa, lách to). Khi bệnh đã diễn tiến, xơ gan thường khó hồi phục. Vì vậy, cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan. Khoảng 10–20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan.

Những người lành mang mầm bệnh là khi cơ thể nhiễm vi-rút viêm gan B, nhưng không có dấu hiệu nào biểu hiện. Vi-rút có thể ở trong cơ thể bạn suốt đời, nhưng cũng có một lúc nào đó phát triển thành bệnh và lây cho người khác. Vì vậy bạn cần đến gặp bác sỹ mỗi 3–6 tháng để được kiểm tra.

PGS–TS–BS. Nguyễn Tấn Cường – Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Quốc tế City


Nếu có thắc mắc về sức khỏe của chính mình hay người thân, bạn có thể viết ngay dưới đây và gửi cho tòa soạn để được bác sĩ giải đáp nhé!

  • Bạn vui lòng cung cấp thông tin chính xác để tạp chí Tiếp Thị Gia Đình có thể liên lạc với bạn nhanh nhất khi câu hỏi của bạn được giải đáp.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua