Nhiễm nấm âm đạo có nguy hiểm không?

Nhiễm nấm âm đạo là một bệnh mà chị em dễ mắc phải. Hãy trang bị ngay kiến thức về bệnh để phòng tránh hiệu quả nhé!

Nhiễm nấm âm đạo là một bệnh rất phổ biến. Dù khá phiền phức nhưng bệnh lại không quá nguy hiểm. Bạn có thể điều trị đơn giản bằng thuốc đặt âm đạo hoặc thuốc kháng nấm. Phần lớn bệnh do nấm Candida albicans gây ra. Nấm này còn được tìm thấy trong miệng, đường tiêu hóa, trên da. Khi gặp môi trường thích hợp, nấm sẽ phát triển mạnh mẽ và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu sâu hơn về nhiễm nấm âm đạo qua bài trắc nghiệm sau, bạn nhé!

Trắc nghiệm sức khỏe về nhiễm nấm ấm đạo

1. Triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm nấm âm đạo là:

A. Chảy máu

B. Sốt

C. Ngứa

2. Nấm men có thể lây truyền thông qua đường tình dục?

A. Đúng

B. Sai

3. Bạn có thể tự mua thuốc không kê toa để điều trị nhiễm nấm?

A. Đúng

B. Sai

4. Bạn có thể thụt rửa thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm nấm?

A. Đúng

B. Sai

5. Điều nào sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa nhiễm nấm âm đạo?

A. Mặc quần lót cotton

B. Không nên tắm bồn nước nóng và tắm nước rất nóng

C. Tránh dùng các sản phẩm vệ sinh có mùi thơm (thuốc xịt, băng vệ sinh…)

D. Tất cả những điều trên

6. Ăn sữa chua giúp giảm nấm âm đạo hiệu quả?

A. Đúng

B. Sai

7. Thuốc nào dưới đây làm tăng nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo?

A. Thuốc tránh thai

B. Thuốc kháng sinh

C. Steroid

D. Tất cả những thuốc trên

8. Phụ nữ bị nhiễm nấm cả sau thời kỳ mãn kinh?

A. Đúng

B. Sai

nhiem nam am dao hinh anh

ĐÁP ÁN

1C. Nếu bị nhiễm nấm âm đạo, bạn có thể bị ngứa ở vùng âm đạo. Ngoài ra, bạn còn gặp các triệu chứng khác như cảm giác nóng rát, đau nhức, đau khi giao hợp, đi tiểu và dịch âm đạo có màu trắng, dày.

2A. Nấm có thể lây qua đường tình dục. Có một số lượng ít (khoảng 15%) nam giới bị ngứa rát ở “cậu nhỏ”  sau khi quan hệ không an toàn với phụ nữ bị nhiễm bệnh.

3B. Nếu nghi ngờ bị nhiễm nấm nhưng không chắc chắn, bạn hãy đến bác sỹ phụ khoa để thăm khám. Triệu chứng của bạn có thể không giống người khác, nếu không được điều trị thích hợp, bạn có thể gặp biến chứng nghiêm trọng hơn. Hãy thông báo cho bác sỹ trước khi điều trị nhiễm nấm âm đạo trong trường hợp bạn đang mang thai hoặc bị nhiễm nấm tái phát nhiều lần.

4B. Các bác sỹ thường khuyên phụ nữ không nên thụt rửa vì sẽ làm thay đổi nồng độ a-xít của âm đạo và gây mất cân bằng các sinh vật sống trong đó. Bạn chỉ rửa những nếp gấp bên ngoài âm hộ bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ.

5D. Bạn có thể làm giảm nguy cơ nhiễm nấm bằng cách mặc quần lót vải cotton, vì loại sợi này mát hơn sợi tổng hợp và làm mồ hôi thoát ra được; không nên thụt rửa âm đạo và xịt thơm vùng kín vì có thể gây kích ứng; tránh tắm trong bồn nước nóng hoặc tắm nước rất nóng; thay băng vệ sinh cách 4 giờ trong thời kỳ “đèn đỏ”; thay quần áo ướt; tránh mặc quần lót, quần tất hay quần jeans bó chật.

6A. Sữa chua có tác dụng làm tăng cường hệ miễn dịch nói chung. Đây là miễn dịch không đặc hiệu, có tác dụng phòng nhiều bệnh nhiễm vi sinh vật bên ngoài. Do đó, sữa chua cũng có tác dụng làm giảm khả năng nhiễm nấm âm đạo.

7D. Một số loại thuốc như tránh thai, kháng sinh, steroid có thể thay đổi sự cân bằng a-xít của âm đạo và khuyến khích sự phát triển của nấm, có thể dẫn đến nhiễm nấm âm đạo.

8A. Thời kỳ mãn kinh gây ra những thay đổi đáng kể về nội tiết tố, có thể gây ảnh hưởng đến sự cân bằng của nấm men hoặc vi khuẩn trong âm đạo và dẫn đến các bệnh vùng kín.

Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua