Hóa chất gây ung thư có thể tiềm ẩn trong thịt gia súc, gia cầm. Tại hội thảo Chất cấm trong chăn nuôi – Thực trạng, giải pháp ngày 23–3, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, chất cấm được người chăn nuôi heo sử dụng nhiều nhất là Salbutamol, một hóa chất gây ung thư. Mỗi năm, ngành y tế nhập khẩu hơn 9 tấn Salbutamol qua đường chính ngạch để dùng trong lĩnh vực y tế. Nhập 9 tấn nhưng ngành dược sử dụng chưa tới 3 tấn để sản xuất thuốc. Theo phán đoán, số còn lại rất có thể bị tuồn ra thị trường đến tay một bộ phận người chăn nuôi. Lượng hóa chất gây ung thư này có thể làm hại tới sức khỏe hàng triệu người.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến khác cho biết, hóa chất gây ung thư này còn có thể được nhập lậu qua đường biên giới. Do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra là: Ngành y tế phải khống chế ngay những chất như Salbutamol, không để lọt ra ngoài. Ở các vùng biên giới, lực lượng biên phòng cần tăng cường ngăn chặn những vụ chất cấm nhập lậu.
Còn ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp, cho biết, phần lớn ở các trang trại và hộ chăn nuôi cá thể là đối tượng tiêu thụ hóa chất gây ung thư này. Với nhận thức thấp, không hiểu hết tác hại, muốn tăng lợi nhuận trước mắt và đánh vào tâm lý thích thịt nạc của người tiêu dùng, người chăn nuôi đã mua chất cấm này từ thương lái, nhân viên tiếp thị cám hoặc mua nhỏ lẻ từ các đại lý thuốc. Ngoài Salbutamol, nhiều chất cấm khác mà người chăn nuôi đang lén lút sử dụng cũng gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thống kê của cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, năm 2015, đơn vị đã triệt phá 3.365 vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử phạt hành chính hơn 2.400 vụ, thu nộp ngân sách gần 17 tỷ đồng. Nhiều đường dây buôn bán chất cấm lớn từ Bắc vào Nam cũng bị phát hiện.
♦ Để tránh mua phải thịt gia súc, gia cầm tạo nạc có chất cấm, hóa chất gây ung thư, bạn nên mua thịt tại các siêu thị, cửa hàng uy tín, thịt có xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng.
Hạnh Thủy
Tiếp Thị Gia Đình
Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây
Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.