Với người khởi nghiệp, khó khăn không chỉ đến từ việc vận hành công ty sao cho làm ăn phát đạt. Cái khó hơn nữa là quản lý nhân sự. Quản lý không khéo chẳng những ảnh hưởng đến năng suất công việc mà còn gây tư thù, oán hận. Nguy hiểm hơn, nó có thể là nguồn gốc của việc nhân viên trả thù; gây ra những tai họa khủng khiếp cho bản thân và cả gia đình người làm chủ.
Trên con đường phát triển sự nghiệp, bạn chắc chắn sẽ vấp phải thực tế đáng buồn này. Người mà bạn từng giúp để có một công việc có thể quay lại trả thù bạn.
Có rất nhiều lý do nhưng nguồn cơn chính là lòng tự ái. Trong phút nóng giận, bạn đã xúc phạm đến họ; khiến lòng tự ái của họ trỗi dậy. Khi lòng tự ái thức giấc; một người hiền lành có thể bỗng biến thành cầm thú.
Nhiều ông chủ cứng cựa vẫn bị nhân viên thuê giang hồ đánh úp sứt đầu mẻ trán. Bà chủ thì bị nhân viên… giật chồng cho bỏ ghét; hay lợi dụng điểm yếu công ty để thưa kiện, gây áp lực, tống tiền… Vụ thảm sát chiều 30 Tết ở Bình Tân do người làm thuê gây ra là cách trả thù dã man nhất.
Thương trường là chiến trường ở mọi góc độ. Làm sao để bạn ít bị thương nhất có thể khi bị nhân viên trả thù? Vụ thảm sát ở Bình Tân cho ta thêm những bài học xương máu:
Tử tế với kẻ dưới để tránh nhân viên trả thù chủ
Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân nghi can Nguyễn Hữu Tình ra tay sát hại cả nhà chủ bắt nguồn từ sự oán hận bà chủ hay la mắng mình.
Là chủ, chúng ta thường “uốn lưỡi bảy lần” trước khi phát ngôn với những ông chủ to hơn mình; những khách hàng lớn của mình. Đôi khi, bị khách hàng la rầy; “complain” bằng mọi ngôn từ, bạn cũng cần bình tĩnh.
Với người làm cho mình; đa số chúng ta có tâm thế là người làm chủ. Ta quên mất chữ lễ với họ. Ta dễ dàng la mắng, quát tháo, chửi bới; xúc phạm và đôi khi biến họ thành nơi trút giận của ta.
Thế nhưng, đa phần người làm thuê cho bạn là người kém cỏi hơn bạn. Họ không giỏi, không học rộng, hiểu nhiều bằng bạn. Họ là kẻ yếu thế và càng yếu thế; họ càng mang tâm lý tự ái, tự ti. Càng có khả năng sẽ là nhân viên trả thù khi xảy ra bất kỳ lời xúc phạm, miệt thị.
Bởi thế, khác với người học rộng hiểu nhiều; biết nhận ra cái sai của mình để sửa chữa; những người này không thấy được sai sót của bản thân. Họ tích tụ thành lòng thù hận; và lén lút giở những chiêu trò trả thù chủ cho bõ ghét, bõ giận.
Ai cũng có nhu cầu được tôn trọng. Với người yếu thế, ít học, ít hiểu biết; nhu cầu này càng cao hơn. Thế nên, bạn đừng chỉ lễ độ với người hơn mình. Hãy lễ độ với cả người yếu thế hơn. Chửi bới, phán xét không giúp mọi việc như ý. Đối xử với nhau tử tế, tôn trọng; bạn sẽ “thêm bạn, bớt thù”.
Nhà xưởng nên tách khỏi nhà riêng
Khi chuyện ở quận Bình Tân xảy ra, nhiều người tiếc nuối: Giá nhà ở tách khỏi nhà xưởng; những đứa trẻ vô tội đã không phải ra đi đau đớn như thế.
Nhiều người lấy nhà ở của cả gia đình để làm nơi sản xuất. Phần vì tiết kiệm chi phí. Phần vì tiện, có thể quán xuyến hết chuyện nhà, chuyện con cái, công ty. Tuy vậy, điều này chẳng khác nào đem trứng bỏ tất vào một rổ. Nếu có sự cố xảy ra, tất cả trứng sẽ phải chịu chung số phận.
Ngoài sự cố do con người gây ra, bạn phải đối diện với nhiều rủi ro khác. Đó là an toàn cháy nổ. Đó là ô nhiễm môi trường sống, tiếng ồn. Đó là không gian riêng tư bị ảnh hưởng…
Do đó, những ông chủ có kinh nghiệm thà bỏ tiền mướn mặt bằng; chứ không gộp nhà riêng với xưởng sản xuất. Có người còn cẩn thận hơn khi sợ nhân viên trả thù; là không bao giờ tiết lộ địa chỉ nhà riêng của mình. Đó là cách họ phòng họa, bảo vệ an toàn cho những người thân yêu của mình.
Kiểm tra kỹ tính cách ứng viên khi phỏng vấn
Các công ty nhỏ thường tuyển nhân sự thông qua giới thiệu. Nếu người giới thiệu quảng cáo “làm được việc lắm” là bạn dễ dàng gật đầu cái rụp. Bạn thậm chí không cần phỏng vấn, không cần xem xét hồ sơ, lý lịch.
Điều này không ổn bởi lẽ tính cách nhân viên không phù hợp với công việc sẽ rất dễ dẫn đến hỏng việc. Đây là nguồn gốc dễ làm phát sinh mâu thuẫn giữa người chủ và làm thuê.
Bởi vậy, dù người quen giới thiệu hay bạn tự tuyển dụng; bạn đừng chỉ tập trung vào kỹ năng công việc của ứng viên khi phỏng vấn. Bạn nên chú ý thêm ba việc sau:
1. Trắc nghiệm tâm lý và đánh giá nhân cách
Một số câu hỏi gợi mở tính cách ứng viên như: Bạn tự đánh giá ưu điểm; nhược điểm của bản thân mình? Nếu bạn phải nói dối vì tôi, bạn có đồng ý không? Người quản lý gần đây đánh giá bạn thế nào? Ngoài giờ làm việc, bạn có những sở thích nào? (Cẩn thận với những ứng viên mê chơi game). Bạn đã từng gặp vấn đề căng thẳng với sếp cũ chưa; và bạn xử lý mâu thuẫn đó ra sao? Thần tượng của bạn là ai? Trong các con vật, bạn yêu nhất con gì, vì sao? Khi bị chửi mắng, xúc phạm, bạn phản ứng thế nào? Mục tiêu nghề nghiệp bạn đang theo đuổi?…
2. Xem hồ sơ làm việc
Nhìn nhận những nơi ứng viên đã làm việc rất quan trọng; nhưng không bằng thời gian họ trụ được ở nơi làm đó. Nếu ứng viên chỉ làm được thời gian ngắn rồi nghỉ; bạn đừng quên hỏi lý do vì sao họ nghỉ việc. Điều này sẽ cho bạn thêm một góc nhìn khác; về thái độ làm việc cũng như đạo đức của ứng viên.
3. Không nhận người lao động dưới 18 tuổi
Khi gây ra vụ thảm sát, thủ phạm mới bước qua tuổi 18. Điều đó có nghĩa, lúc được nhận vào làm việc, người này chưa 18 tuổi.
Ở tuổi này, khả năng nhận thức pháp luật; kiểm soát hành vi, kiềm chế rất kém. Khi có mâu thuẫn rất dễ kích nổ những hành động dại dột. Với người lao động chững chạc, đã có kinh nghiệm; khi gặp mâu thuẫn, họ biết kiềm chế, tìm nơi làm việc mới chứ thường không ôm hận tạo thù, và sẽ là nhân viên trả thù chủ.
Bài: Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình