Nhân sâm có thật sự là “thần dược” dành cho mọi người?

Từ ngàn xưa, con người đã biết sử dụng nhân sâm để bồi bổ sức khỏe và giúp vượt qua bệnh tật. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng chúng!

Ảnh: Shutterstock

Hình ảnh những bình rượu thuốc lớn ngâm nhân sâm khá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Nhiều người cho rằng, nhân sâm là cả một kho chất chống oxy hóa. Người khác còn tin rằng nhân sâm là thuốc trị bách bệnh, từ cải thiện chức năng não đến điều hòa đường huyết. Vậy thực hư những quan niệm này như thế nào? Và chúng có là thần dược dành mọi người?

Nhân sâm không thần kỳ như bạn nghĩ!

Một số người thường xuyên bổ sung nhân sâm. Họ cho rằng chúng có thể làm giảm căng thẳng, giảm rối loạn cương dương, tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa cảm lạnh hoặc cúm. Thậm chí còn có thể chữa bệnh ung thư. Thế nhưng, trên thực tế, nhân sâm không phải là thuốc dùng để chữa bệnh.

Công dụng thật của nhân sâm

Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lori Zanini, hai công dụng duy nhất được khẳng định ở nhân sâm là khả năng điều trị bệnh tiểu đường type 2 và nhiễm trùng đường hô hấp trên. Tuy nhiên, chúng ta không nên sử dụng nó để điều trị bất kỳ loại bệnh nào mà không có sự giám sát của bác sĩ.

Bà Zanini cũng cảnh báo các lời đổn thổi về nhân sâm như một siêu thực phẩm chức năng giúp tăng cường sinh lực và hỗ trợ trí nhớ. Hiện các lợi ích này vẫn chưa được kiểm chứng cụ thể.

Những ai không nên dùng?

Theo PGS – TS Phạm Xuân Sinh, nhân sâm tuy là loại thuốc bổ hàng đầu, song chúng ta không thể áp dụng đại trà. Ngoài ra, không được dùng núm rễ của củ sâm vì chúng có tác dụng gây nôn. Đồng thời tránh dùng chung với cây lê lô, ngũ linh chi.

Các nhóm người không nên sử dụng:

Người gặp vấn đề về tiêu hóa: thường xuyên bị trướng bụng, đau bụng, sôi bụng, trào ngược dạ dày, phân nát hoặc tiêu chảy.

Những người cao huyết áp dùng nhân sâm có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Nguyên nhân là do lúc đầu nó có tác dụng làm hạ nhưng sau đó có thể làm tăng nhanh huyết áp.

Người hay mất ngủ và thể trạng yếu: nếu dùng sâm chỉ nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp, khoảng 2 – 3g/ngày.

Trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú tuyệt đối không dùng. Bởi chưa bằng chứng về tính an toàn cho nhóm đối tượng này.

Sâm tươi, bạch sâm và hồng sâm

Cả ba loại này đều từ một cây nhân sâm mà ra. Sâm tươi được thu hoạch khi cây dưới 4 tuổi.

Để có bạch sâm, người ta cần thu hoạch cây sâm từ 4 – 6 tuổi. Sau đó đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Với hồng sâm, thời gian thu hoạch của cây sâm là từ 6 năm trở lên. Đặc biệt hơn, chúng cần được hấp hơi ở nhiệt độ từ 100 – 110°C trong 2 – 3 tiếng để rễ trắng chuyển sang màu đỏ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua