Không đơn giản chỉ là món trang sức cưới để tặng nhau trong ngày trọng đại; nhẫn cưới còn mang trong mình nhiều ý nghĩa to lớn về hạnh phúc đời người.
Thời cổ xưa, người Hy Lạp quan niệm rằng, trong đời người phụ nữ phải có ba chiếc nhẫn quan trọng nhất; đó là: nhẫn đính hôn, nhẫn cưới và nhẫn vĩnh cửu. Ở Việt Nam, người ta thường chỉ nghe đến nhẫn đính hôn và nhẫn cưới; ít ai biết về nhẫn vĩnh cửu.
Tùy từng giai đoạn khác nhau của tình yêu mà ý nghĩa của những chiếc nhẫn cũng khác nhau. Mời bạn cùng TTGĐ tìm hiểu xem câu chuyện đằng sau mỗi chiếc nhẫn là gì nhé!
Nhẫn đính hôn
Nhẫn đính hôn là chiếc nhẫn; mà người con trai dành tặng người con gái mình yêu khi cầu hôn. Khi cô gái đeo chiếc nhẫn vào,;đồng nghĩa với việc cô ấy muốn gắn bó cả đời với người con trai ấy. Đồng thời, đó cũng là thử thách đầu tiên của cả hai ;vì chiếc nhẫn đính hôn không đơn giản chỉ là món quà tặng, nó là biểu hiện của sự gắn kết, lòng trung thành; sự tin tưởng và quyết tâm gắn bó với nhau.
Nhẫn đính hôn thường sẽ có một hạt đá hay một viên kim cương ở chính giữa; thể hiện một tình yêu duy nhất, vĩnh hằng tồn tại mãi mãi.
Nhẫn cưới
Khác với nhẫn đính hôn, nhẫn cưới luôn là một cặp cho tân lang và tân nương. Ngoài ý nghĩa gắn bó, tin tưởng lẫn nhau; nhẫn cưới còn là biểu trưng cho sự thủy chung, lâu bền. Đeo nhẫn cưới là hành động mang tính bước ngoặt và nghiêm túc hơn; vì kể từ khi trao nhẫn cho nhau, cả hai chính thức là vợ chồng.
Cuộc sống của họ không còn đơn giản là sống vì bản thân mình nữa. Mỗi khi nhìn vào chiếc nhẫn cưới trên tay; mỗi người sẽ luôn thấy trách nhiệm của mình với bạn đời. Dù sướng vui hay đau khổ, họ sẽ luôn bên nhau và cùng nhau vượt qua; như lời ước thề khi làm lễ.
Cặp nhẫn cưới thường có hình dáng giống nhau. Nhẫn của chú rể thường to hơn của cô dâu. Ở một số quốc gia, nhẫn cưới và nhẫn đính hôn được cô gái đeo cùng trên một ngón tay.
Nhẫn vĩnh cửu
Nhẫn vĩnh cửu thường được người chồng trao cho người vợ của mình sau một thời gian chung sống. Khi đó, họ hay tổ chức một lễ cưới hoặc lễ kỷ niệm, tùy vào số năm mà hai người đã chung sống sẽ có đám cưới bạc (25 năm), đám cưới vàng (50 năm), đám cưới kim cương (60 năm).
Nhẫn vĩnh cửu thường có gắn thêm đá quý hoặc kim cương xung quanh. Nhiều người quan niệm, khi đeo chiếc nhẫn đó thì không ai có thể chia cắt được tình yêu của họ.
Sang như nhẫn hột xoàn hay “xoàng” như nhẫn cỏ không quan trọng, có nhẫn là được rồi!
Thời Hy Lạp cổ đại, nhẫn cưới được thiết kế bằng sắt; vì đó là biểu trưng cho sự bền vững theo thời gian. Tuy nhiên, về sau, nhẫn cưới dần được thay thế bằng các chất liệu khác như vàng, bạc, đồng… Thậm chí vào thời chiến, người ta có thể đính ước với nhau chỉ bằng một cặp nhẫn đơn sơ kết từ cỏ khô để nên duyên vợ chồng.
Ngày nay, người ta có thể sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như bạch kim, kim loại quý… Song, dù làm bằng chất liệu nào thì ý nghĩa của cặp nhẫn cưới sẽ mãi không bao giờ thay đổi. Nhẫn cưới chính là tín vật và cũng là chứng nhân của tình cảm vợ chồng son sắt; cùng nhau vượt qua khó khăn, đau khổ trong cuộc sống; và gắn bó với nhau đến cuối cuộc đời.
Đeo nhẫn cưới ngón nào?
– Người châu Âu tin rằng ngón giữa bàn tay trái và trái tim liên kết với nhau. Ở đó có một mạch máu tình yêu nên họ luôn mang nhẫn đính hôn ở ngón giữa tay trái.
– Người Hy Lạp cổ đại cho rằng, có một tĩnh mạch ở ngón áp út liên kết với nhịp đập của con tim và họ gọi đó là vena amoris – tĩnh mạch tình yêu. Do đó, khi muốn cùng ai đi hết cuộc đời, người ta cần đeo nhẫn vào ngón áp út. Ngoài ra, vì ngón áp út được cho là ngón tay yếu ớt nhất, nên việc mang nhẫn sẽ tạo thêm sức mạnh để vợ chồng vượt qua mọi thách thức trong cuộc sống.
– Ở một vài nước phương Tây khác, khi đi bộ trên đường, người đàn ông luôn phải đi bên ngoài để thể hiện phép lịch sự với phụ nữ. Vì thế, đàn ông đeo nhẫn cưới tay trái sẽ khớp với việc cầm tay bạn đời đeo nhẫn ở tay phải. Điều đó thể hiện sự gắn bó có nhau của một cặp vợ chồng.
– Người Trung Quốc quy định nhẫn cưới phải đeo ở ngón áp út tay trái vì ngón cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính mình, ngón áp út tượng trưng cho bạn đời và ngón út là con cái.
– Ở Việt Nam, người ta đeo nhẫn cưới ở ngón áp út theo quan niệm “nam tả, nữ hữu”. Nam đeo tay trái, nữ đeo tay phải.
Bài: Lê Lộc
Tiếp Thị Gia Đình